Thịt bò ế ẩm vì dịch bệnh

Tâm lý lo ngại về bệnh viêm da nổi cục khiến cho sức tiêu thụ thịt bò tại các chợ ở TP. Pleiku giảm mạnh trong vài tuần qua.

Đã 9 giờ sáng nhưng lượng thịt bò tại các quầy sạp ở chợ Hoa Lư vẫn còn hơn phân nửa. Tiểu thương Huỳnh Thị Bích Dung cho biết: “Trước đây, lượng thịt bò tiêu thụ mỗi ngày khoảng 50-60 kg. Tuy nhiên, kể từ khi TP. Pleiku xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, tôi chỉ bán chừng 20-30 kg/ngày. Mặc dù ngành chức năng đã có khuyến cáo là bệnh này không lây sang người và thịt đã được kiểm soát trong quá trình giết mổ, nhưng người tiêu dùng đều lo ngại”.

Trong khi đó, bà Phạm Xuân Thu (cửa hàng Đi chợ nhanh Gia Lai, 195 Phạm Văn Đồng) thì cho hay: “Do bệnh viêm da nổi cục nên một số người dân ngại ăn thịt bò và chuyển sang thực phẩm khác. Bên cạnh đó, các trường mầm non đóng cửa vì dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ mặt hàng này giảm rất mạnh”.

Tại một số chợ như: Phù Đổng, Thống Nhất, Yên Thế, Bà Định… đều chung tình trạng ế ẩm. Tuy vậy, giá thịt bò xuất bán từ lò mổ vẫn giữ nguyên như trước. Hiện thịt bò thăn có giá 260-270 ngàn đồng/kg, đùi 240-250 ngàn đồng/kg, nạm 180-200 ngàn đồng/kg, vụn 150 ngàn đồng/kg, sườn 90-100 ngàn đồng/kg… Theo các tiểu thương, do ảnh hưởng bệnh viêm da nổi cục nên nhiều lò hạn chế số lượng giết mổ, thậm chí có lò còn tạm ngưng hoạt động.

Theo các tiểu thương, lượng thịt bò tiêu thụ đã giảm một nửa kể từ khi có dịch bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Vũ Thảo

Theo các tiểu thương, lượng thịt bò tiêu thụ đã giảm một nửa kể từ khi có dịch bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Nguyễn Văn Linh-Trưởng ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng-cho biết: Chợ Hoa Lư có 4 hộ kinh doanh thịt bò, chợ Phù Đổng có 1 hộ. Qua khảo sát tình hình mua bán tại 2 chợ này cho thấy, lượng thịt bò tiêu thụ giảm dần. Đặc biệt, khi một số xã, phường ở TP. Pleiku xuất hiện bệnh viêm da nổi cục thì sức tiêu thụ giảm hơn một nửa. Ban Quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo các tiểu thương không được mua bán, vận chuyển, giết mổ và nhập thịt bò trôi nổi.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku, từ ngày 16-6 đến 5-7, trên địa bàn thành phố có 403 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó đã tiêu hủy 14 con. Trung tâm thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, cách ly bò bị bệnh để điều trị và phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Pleiku có 11 lò mổ bò có đăng ký kinh doanh giết mổ, còn lại những lò không có đăng ký kinh doanh thì thuộc xã, phường quản lý. Chính vì thành phố không có lò giết mổ tập trung nên công tác kiểm soát toàn bộ các lò nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. “Để ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Trung tâm thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở giết mổ thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực lò mổ; đồng thời, kiểm tra nhắc nhở các hộ giết mổ, kinh doanh thực hiện đúng quy định vệ sinh thú y, kiểm dịch. Bên cạnh đó, các xã, phường cũng đã tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết không giết mổ bò bị bệnh. Hiện nay, việc mua bán, vận chuyển, giết mổ bò đang được ngành chức năng và địa phương kiểm soát chặt chẽ. Trung tâm bố trí cán bộ phối hợp với ban quản lý các chợ tổ chức kiểm soát chặt chẽ lượng thịt bò đưa vào chợ và lăn dấu kiểm phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, bệnh viêm da nổi cục không lây lan sang người. Vì vậy, người dân không nên lo lắng và cũng không nên tẩy chay thịt bò”-bà Dung khẳng định.

VŨ THẢO

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8209/202107/thit-bo-e-am-vi-dich-benh-5742697/