Thịt lợn giá cao: Vì sao người chăn nuôi không mấy mặn mà với tái đàn lợn?
Tái đàn lợn là một trong những biện pháp nhằm bình ổn giá thịt lợn ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến khắc nghiệt và bất thường của thời tiết, dịch bệnh, cũng như thị trường thêm vào đó có quá nhiều rủi ro xảy đến, nên người nông dân không mấy mặn mà với việc tái đàn lợn ở thời điểm hiện tại.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn hơi đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt ngưỡng hơn 100 nghìn/kg. Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì việc xảy ra tình trạng trên là do việc mất cân đối giữa cung và cầu. Nhu cầu thực tế người dân thì cao trong khi nguồn cung bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nhằm bình ổn giá thịt lợn, một trong những biện pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra là cần tái đàn lợn. Cũng đã có nhiều ý kiến đồng tình cho rằng việc giá thịt lợn cao như hiện nay chính là động lực để người chăn nuôi và các trang trại hợp tác xã tăng đàn, tái đàn.
Tuy nhiên, trong thực tế thì có một nghịch lý đang diễn ra. Người chăn nuôi không mấy mặn mà với việc tái đàn lợn trong thời điểm hiện tại.
Ông Phạm Văn Lý – Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thú y tỉnh Thái Bình cho biết: Hiện tại giá thịt lợn do Chính phủ quản lý. Các hộ chăn nuôi hiện tại thì giá con giống tăng, thuốc thú y tăng trong khi dịch bệnh vừa mới xảy ra xong. Người chăn nuôi đã chịu thua lỗ từ năm 2017 sang đến giữa năm 2018 thì giá tăng được một chút, đến đầu 2019 diễn ra dịch tả châu Phi cho nên thời điểm hiện tại mà kêu gọi người chăn nuôi hạ giá thành thì thực sự rất khó khăn. Vì vậy Chính phủ cần phải có những chỉ đạo sát sao hơn nữa.
Thời điểm này đang là mùa hè. Tình trạng nắng nóng kéo dài và diễn biến khắc nghiệt. Theo ông Lý “đẩy mạnh tái đàn trong thời điểm này là không khả thi vì thời tiết nắng nóng lợn tăng trọng rất chậm. Thêm vào đó người dân gặp khó khăn trong việc đầu tư gia cố chuồng trại vì thời điểm hiện tại đã cạn vốn rồi”.
Còn theo ông Lê Văn Ban – đại diện hộ chăn nuôi lợn cho biết: “Hiện nay giá lợn giống đã lên đến hơn 3 triệu/con mà nguồn cung rất hạn hẹp. Thêm vào đó để nuôi được một con lợn thịt đến khi xuất chuồng cần phải 2,7 triệu tiền cám chưa kể thuốc men. Nếu trong thời gian tới mà giá thịt lợn giảm xuống thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ rất nhiều. Vốn của nông dân đã cạn, mà bây giờ thêm những mối lo lắng như thế thì không ai dám đầu tư để nuôi thêm cả”.
Ông Trần Duy Khanh - Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam thì đưa ra nhận định: “hiện nay Bộ NN&PTNT cứ hô hào là phải đẩy mạnh tái đàn lợn. Nhưng tái đàn như thế nào mới là vấn đề cần phải giải quyết triệt để ở thời điểm hiện tại. Bộ NN&PTNT cần có chính sách cụ thể về việc tái đàn. Xem người dân cần tái đàn như thế nào? Con giống ở đâu? Công thú y phòng dịch như thế nào?”...
Theo ông Khanhm hiện nay nguồn vốn của người dân đã kiệt quệ rồi. Cộng thêm tâm lý hoang mang tái đàn rồi liệu có còn bị dịch bệnh nữa không (dịch tả Châu Phi vừa qua làm người chăn nuôi thiệt hại rất nhiều). Thêm vào đó hiện nay con giống lợn giá quá cao. Giá đã cao rồi nhưng lại không có để mua. Nhất là thời điểm nắng nóng như hiện nay thì rất khó.
"Hiện nay giá của một con lợn giống bằng giá của một con lợn thịt năm 2018. Vì vậy rất nhiều người dân còn e dè không dám đầu tư. Nếu các bộ cứ hô hào tái đàn chung chung thì quá dễ", ông Khanh nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn vừa qua do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: đến nay, ngành chăn nuôi đã tái đàn được trên 80% so với tổng đàn lợn thời điểm trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra; còn 20% đàn lợn nữa sẽ là một nhiệm vụ rất khó mà ngành phải tập trung, đẩy mạnh tái đàn, đảm bảo nhanh để trong quý III và quý IV cả nước có được đàn lợn phát triển bằng với trước khi dịch bệnh xảy ra.
Trong thời gian qua đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều, không đồng tình với con số thống kê mà Bộ NN&PTNT đưa ra. Vì trên thực tế nếu đàn lợn vẫn đủ cung thì không thể nào có việc giá thịt lợn bị đẩy lên quá cao như vậy.