Thờ Bác để nhớ và noi theo Bác

Lập bàn thờ Bác Hồ và treo ảnh Bác Hồ nơi trang trọng, từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Đồng chí Lý Mười, Chủ tịch Hội CCB thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết: Sau ngày Bác Hồ mất, bà con đồng bào các dân tộc ở đây và các hội viên CCB An Khê đã lập bàn thờ Bác Hồ, treo ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Ngày nay việc làm ý nghĩa đó đã trở thành nét đẹp văn hóa, góp phần to lớn trong việc giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập và làm theo Bác. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Ông Thới (người ở giữa) cùng các CCB dâng hương, hoa, quả thờ Bác.

Ông Thới (người ở giữa) cùng các CCB dâng hương, hoa, quả thờ Bác.

Bác đã đi xa nhưng trong ký ức của quân và dân, hình ảnh Bác luôn sống mãi trong lòng mọi người. Hướng về Bác, thời gian qua các hội viên CCB thị xã An Khê đã có những việc làm thiết thực, hiệu quả để tưởng nhớ và báo công với Bác, như: Vườn cây CCB ơn Bác; Hợp tác xã CCB sản xuất giỏi; “Kho lúa” CCB; Tổ CCB bảo vệ an ninh, trật tự địa bàn... Trong đó lập bàn thờ Bác, treo ảnh Bác, dâng hương hoa, làm mâm cơm cúng Bác đã trở thành hoạt động thường xuyên, mang đậm nét văn hóa, nhân văn ở vùng đất “Tây Sơn thượng đạo” giàu truyền thống cách mạng này.

Trong căn nhà ông Trần Minh Cảnh (74 tuổi) cùng vợ là bà Huỳnh Thị Cư (69 tuổi), hội viên Hội CCB thuộc chi hội Tây Sơn (An Khê), đã dành một không gian trang trọng nhất để đặt bàn thờ Bác Hồ. Ông bà chia sẻ, Bác Hồ là vị cha chung, chúng tôi lập bàn thờ Bác để nhớ, biết ơn và noi theo Bác.

Vợ chồng ông Cảnh (ở giữa) lập bàn thờ Bác nơi trang trọng nhất trong nhà.

Vợ chồng ông Cảnh (ở giữa) lập bàn thờ Bác nơi trang trọng nhất trong nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thới (88 tuổi), ở phường Tây Sơn (TX An Khê) bộc bạch, hơn 30 năm qua, cứ đến ngày mất của Bác, những ngày Tết cổ truyền của dân tộc là ông cùng với con cháu trong gia đình, các hội viên CCB địa phương lại tụ họp về đây dâng hương hoa và làm mâm cơm cúng Bác. Đây là nét văn hóa tâm linh vô cùng ý nghĩa, thể hiện lòng thành kính dâng lên Bác với tất cả lòng biết ơn vô hạn. Qua đó nhắc nhở bản thân, con cháu trong gia đình và đồng đội luôn khắc ghi công lao to lớn của Bác, từ đó có những việc làm thiết thực, ý nghĩa để xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ở An Khê giờ đây việc lập bàn thờ Bác, treo ảnh Bác trong nhà không chỉ do các hội viên Hội CCB thực hiện, mà đã lan tỏa ra nhiều hộ dân trên địa bàn, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na vùng Đông Trường Sơn.

Các CCB nâng niu chân dung Bác.

Các CCB nâng niu chân dung Bác.

Gặp chúng tôi, CCB Đinh Ríp (dân tộc Ba Na, 72 tuổi) ở làng Nhoi, xã Tú An (An Khê) chia sẻ: “Bà con Ba Na mình sống no ấm, tự do như bây giờ là nhờ có Bác Hồ. Trong cuộc sống, người Ba Na không thờ ai trong nhà. Khi cha mẹ, ông bà đã mất là về với A Tâu (thần linh). Nhưng với tôi lại khác, hết chiến tranh trở về làng, việc đầu tiên là tôi lập bàn thờ Bác. Dân làng thấy lạ đến hỏi, tôi nói rõ mục đích, ý nghĩa của việc thờ Bác, thế là họ làm theo. Mỗi khi đến sinh nhật Bác, ngày Bác mất hay vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tôi cùng với bà con dân làng chuẩn bị hoa quả và làm mâm cơm thắp hương tưởng nhớ Bác. Thờ Bác để mình nhớ Bác, noi gương Bác, thường xuyên nhìn lại những việc mình đã và đang làm, từ đó làm tốt hơn và làm gương cho con cháu...”.

Bài, ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/tho-bac-de-nho-va-noi-theo-bac-651650