Thợ đào không còn mặn mà với Bitcoin
Việc Trung Quốc mạnh tay với khai thác và giao dịch Bitcoin đã ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường tiền mã hóa.
Chiến dịch xóa sổ tiền điện tử ở Trung Quốc diễn ra trong hơn 2 tuần qua. Kể từ ngày 21/5, khi Trung Quốc tuyên bố cấm giao dịch và khai thác Bitcoin, mức giá của đồng tiền mã hóa này đã không thể vượt qua mức 40.000 USD. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày đã giảm xuống còn 34,8 tỷ USD trong tuần đầu tháng 6, giảm mạnh so với mức kỷ lục 67 tỷ USD của tháng 5 và thấp nhất kể từ tháng 12/2020, theo CoinDesk Research.
Thợ đào Bitcoin mất động lực
Việc giá trị giao dịch giảm mạnh dẫn tới một thông số đáng chú ý khác. Đó là phí giao dịch Bitcoin trung bình, số tiền trả cho các thợ đào xử lý, cũng giảm xuống 4,38 USD/mỗi giao dịch vào cuối tuần, giảm 93% so với mức đỉnh 62,77 USD vào tháng 4, theo Cointelegraph.
Các “mỏ” Bitcoin thực chất là tập hợp những cỗ máy với năng lực tính toán mạnh, dùng để xác minh các giao dịch trên chuỗi khối Bitcoin. Để khuyến khích các thợ đào đóng góp vào mạng lưới phi tập trung, mạng lưới sẽ thưởng Bitcoin mỗi khi một khối được xác thực, đồng thời thợ đào còn được nhận phí giao dịch. Phí này bị ảnh hưởng bởi cung và cầu, cùng với quy mô giao dịch và số lượng giao dịch của đồng tiền mã hóa.
Phí giao dịch vốn là một khoản không đáng kể so với phần thưởng Bitcoin. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán mức phí này sẽ ngày càng cao và hấp dẫn hơn với các thợ đào khi lượng Bitcoin được khai thác giảm dần đi.
Nói cách khác, mục tiêu của những thợ đào Bitcoin bây giờ là số Bitcoin được thưởng sau khi hoàn thành mỗi khối. Tuy nhiên, khi Bitcoin mới không còn được tạo ra nữa, thì phần thưởng cho việc hoàn thành khối Bitcoin chính là mức phí giao dịch. Chừng nào còn giao dịch mua, bán Bitcoin, thì những khối mới sẽ được tạo ra, và thợ đào sẽ còn được nhận tiền.
Satoshi Nakamoto cũng đã hình dung đến viễn cảnh này, khi viết trong sách trắng về Bitcoin.
“Khi lượng tiền mã hóa xác định từ đầu đều đã được lưu thông, thì phần thưởng sẽ chuyển đổi hoàn toàn thành phí giao dịch và sẽ không hề có lạm phát”, lập trình viên bí ẩn này khẳng định.
Với thực tế Trung Quốc đang mạnh tay cấm Bitcoin, làm số lượng giao dịch giảm mạnh, các thợ đào có thể phải chấp nhận thị trường suy giảm mạnh, qua đó lợi nhuận ít đi.
Chưa thấy cửa ra cho thợ đào Bitcoin Trung Quốc
“Khối lượng giao dịch thường nhỏ hơn khi đó là thị trường trên đà giảm, chủ yếu do những thay đổi về quy định", Simons Chen, giám đốc điều hành đầu tư và giao dịch tại công ty tài chính tiền điện tử Babel Finance có trụ sở tại Hong Kong nhận định.
Chiến dịch mạnh tay chèn ép Bitcoin Trung Quốc không có dấu hiệu sớm hạ nhiệt. Mức giá Bitcoin đã giảm hơn 40% so với mức cao nhất mọi thời đại, là hơn 62.000 USD vào tháng 4.
"Tín hiệu từ cuộc họp vào tháng 5 đã khiến một số nhà giao dịch sợ hãi", ông Chen nhận định.
Sau cuộc họp, một số trung tâm khai thác Bitcoin tại Nội Mông, Tân Cương và Thanh Hải đã đưa ra thông báo đóng cửa một phần hoặc tất cả các mỏ khai thác trong khu vực của họ. Tỉnh Tứ Xuyên, nơi phụ thuộc vào thủy điện sạch hơn, đã tổ chức một cuộc họp về khai thác Bitcoin vào đầu tháng này, nhưng không đưa ra kết luận nào về những thay đổi chính sách có thể xảy ra.
Trung Quốc chiếm 65% tổng năng lực khai thác Bitcoin toàn cầu vào tháng 4, theo Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Cambridge. Riêng Tân Cương chiếm gần 36% trong đó, còn Tứ Xuyên và Nội Mông lần lượt đứng thứ hai và thứ ba.
Những người đào Bitcoin tại Trung Quốc hiện nay đối diện nguy cơ bị cho vào danh sách đen tín nhiệm xã hội. Ngoài ra, các mạng xã hội nước này như Baidu và Weibo đã kiểm duyệt kết quả tìm kiếm cho các sàn giao dịch tiền điện tử lớn kể từ ngày 9/6. Tuần trước, Weibo đã cấm một số tài khoản có ảnh hưởng liên quan đến tiền điện tử, nói rằng các tài khoản này đã vi phạm các nguyên tắc của Weibo cũng như “luật và quy định liên quan”.