Thơ lục bát với di sản văn hóa của dân tộc

Trong khuôn khổ Ngày hội lục bát Kỷ Hợi - 2019, tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam vừa phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam… tổ chức hội thảo khoa học 'Thơ lục bát với di sản văn hóa dân tộc'.

Hội thảo đã thu hút hơn 40 bài viết và ý kiến tham luận của hơn 40 tác giả là những nhà nghiên cứu, nhà thơ có uy tín về thể loại lục bát (sáu tám).

Hội thảo thơ lục bát không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà thơ Việt Nam mà còn đông đảo chuyên gia, kiều bào sinh sống ở nước ngoài

Hội thảo thơ lục bát không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà thơ Việt Nam mà còn đông đảo chuyên gia, kiều bào sinh sống ở nước ngoài

Theo các chuyên gia văn hóa, lục bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau, nên dù có làm ăn sinh sống ở đâu, người Việt cũng yêu thơ lục bát. Bởi vậy, đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng thơ lục bát. Và Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm thơ lục bát điển hình.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - cho rằng: Thơ lục bát là di sản văn hóa và là tài sản quý giá của dân tộc, bởi đây là thể thơ tiêu biểu và đặc sắc do người Việt Nam sáng tạo ra và mang tính bản địa rõ rệt. Thơ lục bát được sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ, liên tục được duy trì, bổ sung, nâng tầm thành những tác phẩm văn học bằng thơ ca có sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp cư dân trong xã hội… Vì vậy, thể thơ này cần được bảo tồn và tôn vinh.

Tuy nhiên, thể lục bát Việt Nam có từ đâu? là câu hỏi từ lâu đã được người yêu thơ thắc mắc. Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Đức - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - cho hay: Tục ngữ và ca dao tuy có thời điểm ra đời khác nhau về phương diện thể loại nhưng lại có thời gian phát triển cùng nhau rất dài trong lịch sử văn hóa dân tộc. Vì vậy, sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau đã góp phần hoàn thiện thể thơ lục bát. Điều này giải thích tại sao ta vẫn bắt gặp nhiều lời tục ngữ đã có kết cấu hoàn chỉnh của thể lục bát và cũng gặp một số những lời ca dao còn ở dạng lục bát chưa chỉnh thể của thời kỳ đầu. Còn khi văn học viết ra đời, do được cố định bằng văn bản, dấu hiệu của sự tham gia hoàn thiện thể lục bát qua từng thời kỳ của các nhà thơ càng rõ…

Tập thơ lục bát Phố quê gồm những bài đã được sáng tác trong gần 12 năm

Tập thơ lục bát Phố quê gồm những bài đã được sáng tác trong gần 12 năm

Nhân dịp này, nhà thơ Đặng Vương Hưng – người sáng lập Cộng đồng mạng lục bát Việt Nam đã công bố tập thơ lục bát mới mang tên “Phố quê” gồm hơn 200 bài, được sáng tác từ khoảng những năm 2006-2017.

Đánh giá về tập “Phố quê”, nhà thơ Trần Ninh Hồ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam cho hay, “Với hơn 200 bài thơ lục bát mới trình làng, sau gần hai chục năm tưởng chừng Đặng Vương Hưng đã “gác kiếm ở ẩn” thì nay lại “tái xuất giang hồ”. Không biết bao nhiêu việc đời, sự đời trên đường đời này đã hiện ra mà Y không hề tránh né. Nó cứ tuôn chảy như dòng thơ lục bát từ nhiều trăm năm qua, khiến Y yêu lục bát đến mức, nếu nối hơn 200 bài thơ lục bát này lại có thể đến hàng ngàn câu mà Y rất ít bị vấp, bị gò…”.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tho-luc-bat-voi-di-san-van-hoa-cua-dan-toc-124756.html