Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đổi giọng, ra điều kiện mới để đồng ý Thụy Điển gia nhập NATO
Tổng thống Erdogan ngày 10/7 cho biết EU nên mở đường cho Ankara gia nhập khối này trước khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đề nghị của Thụy Điển gia nhập NATO.
Ngày 10/7, trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Erdogan đã liên kết việc NATO trì hoãn hợp thức hóa tư cách thành viên của Thụy Điển với việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể gia nhập EU.
Phát biểu trước thềm tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, ông Erdogan nói: “Tôi muốn gửi lời kêu gọi tới những quốc gia đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chờ đợi trước ngưỡng cửa Liên minh châu Âu hơn 50 năm qua”.
"Đầu tiên, hãy đến và mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên minh châu Âu và sau đó chúng tôi sẽ mở đường cho Thụy Điển, giống như cách chúng tôi đã làm với Phần Lan", ông Erdogan nói và cho biết thêm rằng ông sẽ lặp lại lời kêu gọi của mình trong hội nghị thượng đỉnh.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết việc mở rộng NATO và EU là "các quá trình riêng biệt" bởi “quá trình gia nhập của mỗi quốc gia ứng cử viên sẽ dựa trên thành tích của quốc gia ấy”, đồng thời nhấn mạnh rằng hai quá trình này không thể được liên kết với nhau.
Nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đóng băng trong nhiều năm sau khi các cuộc đàm phán về tư cách thành viên được khởi động vào năm 2005 dưới nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông Erdogan.
Mối quan hệ giữa Ankara và các thành viên EU cũng bắt đầu trở nên xấu đi từ vài năm trước, đặc biệt là sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khối này vẫn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Ankara, đặc biệt là về vấn đề di cư.
Khi được hỏi về những bình luận của ông Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định ông hoàn toàn ủng hộ tư cách thành viên EU của Ankara và tiết lộ rằng Thụy Điển đã đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để gia nhập NATO.
"Sẽ có thể có một quyết định tích cực về Thụy Điển ở Vilnius", ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo.
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, chấp nhận từ bỏ các chính sách không liên kết quân sự kéo dài suốt nhiều thập kỷ của Chiến tranh Lạnh nhằm phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trong khi tư cách thành viên NATO của Phần Lan đã được bật đèn xanh vào tháng 4 thì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa chấp thuận yêu cầu gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển.
Tổng thống Erdogan cho biết điều kiện thông qua sự gia nhập của Thụy Điển xoay quanh việc thực hiện thỏa thuận đạt được vào mùa hè năm ngoái trong hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Madrid, đồng thời nói thêm rằng không ai nên mong đợi sự thỏa hiệp từ Ankara. Ông cho rằng Thụy Điển chưa nỗ lực đủ nhiều để chống lại những thế lực mà Thổ Nhĩ Kỳ và các nước EU coi là khủng bố - chủ yếu là các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Sinan Ulgen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế và Đối ngoại có trụ sở tại Istanbul, cho biết động thái của ông Erdogan sẽ không thể giúp Ankara củng cố vị thế của mình tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius.
"Mặt tích cực của động thái bất ngờ này là nó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có quan điểm trở thành thành viên EU. Nhưng khó có thể nói rằng nó sẽ giúp ích cho bất kỳ tiến triển nào trong nỗ lực trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói.