Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ mua Su-57 của Nga nếu đàm phán F-16 với Mỹ thất bại
Máy bay chiến đấu do Nga sản xuất vẫn sẽ là một lựa chọn hàng đầu đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong trường hợp đàm phán mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ bị đổ bể.
Kỳ vọng vào thương vụ F-16
Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách đối tác cung cấp linh kiện, khỏi chương tình phát triển máy chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 vào năm 2019, sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Washington cũng đình chỉ hợp đồng cung cấp hơn 100 chiếc F-35 cho Ankara.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu nhận lại khoản đặt cọc 1,4 tỉ USD trong thương vụ F-35 không được thực hiện, để đầu tư tăng cường phi đội máy bay chiến đấu, đáp ứng nhu cầu quốc phòng của đất nước.
Hôm 17/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Mỹ đã đề xuất bán cho Thổ Nhĩ Kỳ một phi đội máy bay chiến đấu F-16 để đối trừ khoản tiền đặt cọc mua F-35. Các cuộc đàm phán về vấn đề này đang diễn ra.
Trước đó, có tin nói Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ bán 40 máy bay chiến đấu F-16 do Lockheed Martin sản xuất và gần 80 bộ thiết bị hiện đại hóa phục vụ gói nâng cấp số F-16 lỗi thời hiện có của nước này. Thỏa thuận có trị giá 6 tỉ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hơn 200 chiếc F-16, một trong quốc gia khai thác F-16 lớn nhất trên thế giới và có kế hoạch loại biên vào năm 2035. Gần 100 chiếc trong phi đội đang chờ nâng cấp, bao gồm cải tiến cấu trúc để kéo dài tuổi thọ máy bay cho các phiên bản Block 30 và 50s.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nghiên cứu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 bản địa đầu tiên TF-X với các tính năng tương tự như F-35, mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023.
Sẽ mua Su-35 hoặc Su-57 của Nga nếu đàm phán F-16 với Mỹ thất bại
Chính quyền của Tổng thống Biden được cho là đang ủng hộ thương vụ F-16 với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể gặp trở ngại do phải được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, vốn duy trì lập trường chống Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng Ankara đã nhiều lần gây tổn hại cho quan hệ song phương.
Quốc hội Mỹ có sự ủng hộ của lưỡng đảng, từng hơn một lần hối thúc chính quyền gây áp lực, cũng như thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Ankara, chủ yếu về vấn đề mua vũ khí của Nga.
Mối quan hệ đối tác giữa các đồng minh NATO đã trải qua những xáo trộn chưa từng có trong 5 năm qua vì những bất đồng trong nhiều vấn đề, bao gồm cả vấn đề Syria và mối quan hệ gần gũi hơn của Ankara với Moscow.
Ông Erdogan dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Rome, Ý vào cuối tháng này, trong một cuộc gặp mà truyền thông cho rằng, có thể khai thông thế bế tắc quanh các vấn đề F-35 hoặc F-16.
Trong trường hợp thỏa thuận chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ không thành công, Ankara sẽ xem xét mua các máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 của Nga, người đứng đầu Cơ quan Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), Ismail Demir tuyên bố hôm 18/10.
“Nếu Mỹ không thông qua thỏa thuận mua F-16 sau tình huống xảy ra với máy bay F-35, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn phương án thay thế.”, ông Demir nói với Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đánh tiếng vẫn kiên định với kế hoạch mua lô S-400 thứ hai từ Nga, bất chấp sự phản đối của Mỹ và NATO.