Giám đốc điều hành Công ty Temel Kotil cho biết, họ có kế hoạch sản xuất và bàn giao 20 tiêm kích KAAN cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tại thời điểm năm 2028, "và nhiều hơn nữa" trong giai đoạn 2030 - 2033.
Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng tổng số lượng chiến đấu cơ loại này trong thành phần tác chiến của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên tới hàng trăm chiếc, đi kèm những đơn hàng xuất khẩu giá trị cao.
Ông Kotil lưu ý, vì lý do an ninh quốc gia, tiêm kích KAAN phải được sản xuất 100% trong nước và tại thời điểm năm 2028 - 2029 nó sẽ bay bằng động cơ nội địa: “Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không thể phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác”.
Chưa dừng lại đây, ông Kotil còn đưa ra một tuyên bố cực kỳ tham vọng đó là máy bay chiến đấu mới của họ - được coi là tiêm kích thế hệ thứ năm của Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ vượt trội F-35".
Để làm rõ luận điểm trên, đại diện nhà sản xuất cho biết KAAN có thể mang theo 10 tấn vũ khí, có 2 động cơ và radar "nhìn" ở cự ly xa hơn. Mặc dù vậy tuyên bố này chưa thể kiểm chứng, đồng thời bị nhận xét mang nặng tính quảng cáo.
Chuyên gia quân sự người Thổ Nhĩ Kỳ, ông Can Caspoglu - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson đã lưu ý trong một bình luận rằng Ankara sẽ phải tìm kiếm khác hàng mua tiêm kích KAAN để tránh tình trạng giá thành tăng cao.
Triển vọng xuất khẩu đối với tiêm kích KAAN đã có, khi vào mùa hè năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức ký thỏa thuận với Azerbaijan về hợp tác phát triển, ngoài ra Pakistan cũng được xem như một đối tác tiềm năng.
Nếu như tiêm kích KAAN ban đầu được tạo ra như một phần của chương trình TF-Xvới vai trò là một chiếm ưu thế trên không thì bây giờ khái niệm của nó đã thay đổi, trở thành máy bay chiến đấu đa năng, có thể tấn công mặt đất - mặt nước.
Nhưng trước khi cạnh tranh với F-35 Lightning II của Mỹ, tiêm kích KAAN do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đang tỏ ra thất thế trước "anh em song sinh" của nó là chiến đấu cơ KF-21 đến từ Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Philippines mới đây đã bày tỏ quan tâm đến việc mua máy bay chiến đấu KF-21 của Hàn Quốc. Điều này đã được thông báo bởi Cơ quan Mua sắm Quốc phòng (DAPA) của Seoul.
Trước hết, chúng ta đang nói về việc hợp tác trong dự án phát triển tiêm kích KF-21, loại máy bay có khả năng được Không quân Philippines trang bị trong tương lai.
Hiện tại, KF-21 không phải là đối tượng chính thức tham gia chương trình mua sắm máy bay chiến đấu đa năng cho Lực lượng Không quân Philippines, bởi vì nó đang trong giai đoạn phát triển.
Philippines đã bắt đầu các cuộc thảo luận liên quan trong khuôn khổ Triển lãm quốc phòng DSA 2024 ở Malaysia, ngoài máy bay chiến đấu mới, họ còn bày tỏ mong muốn đặt mua tàu ngầm và tiêm kích hạng nhẹ FA-50.
Chương trình mua sắm của quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa nhận được nguồn tài trợ phù hợp, nhưng KF-21 là một đối tượng tiềm năng.
Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Philippines, KF-21 có thể trở thành người chiến thắng trong cuộc thi, trước đối thủ là máy bay chiến đấu F-16V của Mỹ từ Lockheed Martin, cũng như Saab Gripen của Thụy Điển.