Thổ Nhĩ Kỳ có phương án thay thế động cơ Mỹ
Để đối phó với việc bị Mỹ và Anh ngừng cung cấp động cơ cho trực thăng T129 và phiên bản không người lái T629, Thổ có sẵn kịch bản thay thế.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa công bố dòng trực thăng không người lái T629 hồi cuối tháng 2/2021, sản phẩm của Turkish Aerospace (TAI). Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, T629 nặng 6 tấn và được trang bị tên lửa không điều khiển 70mm và tên lửa chống tăng L-UMTAS.
"Hầu hết các công nghệ trên chiếc trực thăng không người lái này đều được các doanh nghiệp trong nước phát triển nên yếu tố nước ngoài tác động vào chương trình này hạn chế hơn nhiều so với một số chương trình vũ khí khác của chúng tôi đang thực hiện", vị đại diện của TAI cho biết.
Theo nguồn tin của Air Recognition, cũng giống như trực thăng có người lái T129, hầu hết thiết bị trên T629 đều được Thổ tự sản xuất nhưng phần động cơ - vốn được coi là trái tim của máy bay lại đang được nhập khẩu từ Mỹ.
Vì vậy, cả 2 dòng trực thăng này có thể đối mặt với nguy cơ bị ngừng sản xuất bất kỳ lúc nào nếu quan hệ với Mỹ không thuận buồm xuôi gió. Để đối phó với nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai, phương án mua động cơ Ukraine để thay thế đã được Ankara tính đến.
"Đây là phương án rất khó có thể thực hiện bởi chính quyền Kiev sẽ phải nhìn nét mặt của Mỹ để quyết định do hiện nay, Ukraine đang nhận được cam kết hỗ trợ rất nhiều từ Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, một khi Mỹ ngừng xuất khẩu động cơ cho Thổ sẽ rất khó để Ukraine dám thế chỗ", nguồn tin này cho biết.
Vì vậy, về lâu dài không chỉ với những chiếc T129, T629 mà cả chương trình trực thăng tấn công này của Thổ có thể phải đối mặt với tình trạng không có động cơ.
Số phận chương trình UAV Bayraktar cũng không khá hơn dù động cơ được cung cấp bởi Ukraine. Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ có thừa khả năng tạo sức ép khiến Kiev ngừng xuất khẩu động cơ cho Thổ.
Cùng với đó, Israel và Canada cũng đã tuyên bố ngừng cung cấp một số hệ thống điện tử cấu thành chiếc Bayraktar. Như vậy, cả 3 chương trình vũ khí trọng điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện, thành hay bại đều liên quan đến quyết định của Mỹ cũng đồng minh.
Được biết, trực thăng T129 ATAK do hãng AugustaWestland (Italia) và Tập đoàn TAI hợp tác phát triển cho nhiệm vụ chống tăng - thiết giáp, chi viện hỏa lực bộ binh...
Cơ bản thì cách bố trí hỏa lực trên T129 tương đồng với các mẫu trực thăng tấn công AH-64 Apache (Mỹ) hay Mi-24, Mi-28 (Nga). Mũi máy bay được trang bị một ụ pháo nòng xoay 3 nòng cỡ 20mm với 500 viên đạn.
Hai bên hông máy bay được bố trí 2 cánh nhỏ với 4 điểm treo cho phép mang 1.150 kg vũ khí bao gồm rocket, tên lửa chống tăng, tên lửa không đối không và thậm chí cả bom phá.
Máy bay không được trang bị hệ thống radar sóng mm như trên AH-64D hay Mi-28NM mà chỉ có tổ hợp ngắm quang điện dùng để trinh sát, dẫn đường tên lửa đặt ngay trước mũi, trên ụ pháo 20 mm.