Pháp có thể triển khai máy bay mang vũ khí hạt nhân đến Đức để gửi thông điệp tới Nga
Một quan chức Pháp nói với báo The Telegraph rằng việc triển khai các máy bay chiến đấu có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới Đức sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo chung tại Washington, D.C., ngày 24/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Pháp sẵn sàng mở rộng lực lượng răn đe hạt nhân để bảo vệ châu Âu, với khả năng triển khai máy bay chiến đấu có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới Đức.
Theo The Telegraph, động thái này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về cam kết quân sự của Mỹ đối với châu Âu trong tương lai.
Mỹ ngày càng xa rời cam kết bảo vệ châu Âu
Theo The Telegraph, trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã bảo vệ châu Âu bằng khoảng 100 đầu đạn hạt nhân, phần lớn trong số đó được triển khai tại căn cứ quân sự Mỹ ở Đức.
Ông Friedrich Merz, ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Đức sau khi khối CDU/CSU (Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo) do ông Merz lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 23/2, đã kêu gọi Pháp và Anh mở rộng lá chắn hạt nhân khi chính trị gia này tìm cách thúc đẩy sự tự chủ phòng thủ của châu Âu.
Một quan chức Pháp nói với The Telegraph rằng việc triển khai các máy bay chiến đấu mang vũ khí hạt nhân tại Đức sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao tại Berlin cho rằng động thái này có thể tạo áp lực buộc Thủ tướng Anh Keir Starmer phải có hành động tương tự.
“Việc triển khai một số máy bay chiến đấu hạt nhân của Pháp tại Đức không phải là điều quá khó khăn và sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ”, nguồn tin cho biết.

Ngày 24/2/2025, Không quân Phần Lan đã huấn luyện cùng với một máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress của Không quân Mỹ và các tiêm kích F-35 của Không quân Hà Lan trong không phận Estonia. Buổi huấn luyện kết thúc bằng một màn bay qua Tallinn để kỉ niệm Ngày Độc lập của Estonia. Ảnh: Không quân Phần Lan/X
Pháp, Anh và chiếc ô hạt nhân của châu Âu
Lực lượng răn đe hạt nhân của Anh gồm bốn tàu ngầm lớp Vanguard, mỗi chiếc có khả năng mang tối đa 16 tên lửa Trident. Trong khi đó, kho vũ khí hạt nhân của Pháp ước tính có 300 đầu đạn hạt nhân, nằm trong chương trình răn đe hạt nhân (force de dissuasion) với khả năng triển khai từ cả máy bay và tàu ngầm.
Hiện nay, lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp hoạt động độc lập với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn hệ thống tên lửa răn đe hạt nhân Trident của Anh được tích hợp vào chiến lược phòng thủ của liên minh.
Tuần trước, ông Merz gợi ý rằng Paris và London nên xem xét việc mở rộng lá chắn hạt nhân của họ tới Đức. Ông Merz nhấn mạnh rằng dưới thời ông Trump, Mỹ ngày càng trở nên thờ ơ với số phận của châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã thúc đẩy một cuộc thảo luận sâu rộng hơn về vai trò của lực lượng hạt nhân Pháp trong việc bảo vệ “lục địa già”
Một nhà ngoại giao Berlin nói với The Telegraph rằng nếu Pháp triển khai lực lượng răn đe hạt nhân tại Đức, điều đó sẽ gây áp lực lên Anh để thực hiện điều tương tự.
“Tôi hiểu rằng trong nội bộ CDU, họ đang suy nghĩ theo hướng: Chúng ta cần một lá chắn hạt nhân, chúng ta muốn có tiếng nói trong vấn đề này, chúng ta sẵn sàng đàm phán, và chúng ta sẵn sàng trả tiền để có nó”, nhà ngoại giao này cho biết cùng với nhận định rằng yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân Pháp tại Đức chỉ có thể xảy ra nếu Mỹ quyết định rút lực lượng hạt nhân khỏi quốc gia này.
Xem video máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ cùng Không quân Phần Lan và các đồng minh, đã tham gia cuộc diễu hành kỉ niệm Ngày Độc lập của Estonia tại Tallinn. Nguồn: Không quân Phần Lan/X
Sự hiện diện của Mỹ và căng thẳng với Liên bang Nga
Đáng chú ý, vào ngày 24/2, một máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress của Không quân Mỹ, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, đã bay chỉ cách biên giới Nga 50 km (31 dặm), gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội ở Liên bang Nga.
Các kênh Telegram của Liên bang Nga đã chia sẻ đoạn video ghi lại sự kiện này, dẫn nguồn từ Flightradar24.
Kênh “Military Observer” mô tả đây là “chuyến bay thể hiện sự đoàn kết” trên bầu trời Tallinn nhân Ngày Độc lập của Estonia, với sự hộ tống của các chiến đấu cơ F-35A.
Tuy nhiên, đoạn video này đã làm dấy lên tranh cãi, khi kênh Telegram “Svarshchiki” phản ứng gay gắt: “Mừng độc lập khỏi ai? Một câu hỏi tu từ. Chúng ta đã lâu rồi chưa mở hộp ‘Oreshnik’ (tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung mà phía Liên bang Nga cho rằng có thể biến mọi thứ trong trung tâm vụ nổ mà nó gây ra thành cát bụi).
Nói tóm lại, việc Pháp cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân tại Đức đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách phòng thủ của châu Âu, đặc biệt khi Mỹ đang ngày càng xa rời cam kết bảo vệ khu vực.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, nó không chỉ gửi một thông điệp cứng rắn tới Liên bang Nga, mà còn có thể thúc đẩy Anh tham gia vào việc mở rộng lá chắn hạt nhân cho châu Âu.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, quyết định của Pháp có thể định hình lại cán cân quyền lực tại châu Âu và làm thay đổi đáng kể chiến lược phòng thủ của NATO trong thời gian tới.