Hiện tại xung đột giữa Quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas người Palestine tại khu vực Dải Gaza vẫn diễn ra theo chiều hướng căng thẳng đi kèm thương vong ngày càng cao.
Phe Hamas đã bắn hàng ngàn rocket tự chế vào các khu dân cư Israel, dẫn tới việc máy bay chiến đấu của Tel Aviv trả đũa với tần suất dữ dội.
Trước tình hình trên, nhiều quốc gia Ả Rập đã lên tiếng yêu cầu hai phía ngừng bắn, trong đó đề xuất từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyiv Erdogan đang thu hút sự quan tâm sâu sắc từ giới truyền thông.
"Quân đội Nga có thể tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Dải Gaza nhằm giảm căng thẳng giữa Palestine và Israel, cuộc xung đột đang khiến hàng chục dân thường thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương".
Tuyên bố trên được Tổng thống Erdogan đưa ra trong một buổi họp báo, nhà lãnh đạo này lưu ý rằng chỉ với các hành động chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực thì mới có thể tiến tới làm dịu tình hình một cách vững chắc và lâu dài.
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Tổng thống Tayyiv Erdogan lưu ý rằng việc Liên bang Nga và Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ lập trường của họ về các sự kiện ở Jerusalem là một thông điệp quan trọng".
"Tổng thống Erdogan khẳng định điều quan trọng là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải can thiệp vào tình hình để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của cuộc khủng hoảng khu vực".
"Nhà lãnh đạo còn lưu ý rằng cũng cần lên ý tưởng cử lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến Dải Gaza để bảo vệ thường dân Palestine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ tin tưởng rằng Ankara và Moskva sẽ sẵn sàng hợp tác trong sứ mệnh do Liên Hợp quốc ủy thác”.
Các nhà phân tích và chuyên gia quốc tế đã gọi khả năng xảy ra hành động như vậy là kịch bản tồi tệ nhất đối với Israel.
Trên thực tế, Tel Aviv sẽ bị ép buộc từ hai phía và không còn có khả năng can thiệp theo bất kỳ cách nào vào các vấn đề của Palestine cũng như Dải Gaza, chưa kể thực tế là Quân đội Israel sẽ bị kiểm soát liên tục.
Hiện tại Nga chưa chính thức bình luận về việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình của mình tới điểm nóng Trung Đông, tuy nhiên rõ ràng một đề xuất như vậy sẽ rất thú vị đối với Moskva.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng Quân đội Nga đang phải căng sức ở Syria nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra tại Cộng hòa Ả Rập.
Họ sẽ không mặn mà với đề xuất mở rộng ảnh hưởng tới vùng đất tiềm ẩn nhiều rủi ro như Dải Gaza, chưa kể dự định này còn phải nhận được sự đồng tình của Israel thì mới có thể triển khai.
Bên cạnh đó, Israel còn được xem là đối tác quan trọng của Nga tại khu vực Trung Đông, lợi ích của Tel Aviv đối với Moskva là lớn hơn nhiều so với Palestine, cho nên càng khó để Nga có thể chấp thuận đề xuất từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Việt Dũng