Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá sợi kéo dãn Việt Nam
Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (Cơ quan điều tra) đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm sợi kéo dãn toàn phần có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và Hàn Quốc.
Thông tin về vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết sản phẩm bị điều tra là sợi kéo dãn toàn phần (Polyester fully draw yarn) thuộc mã HS 5402.47. Nguyên đơn là Công ty Korteks Mensucat Sanayi ve Ticaret A.Ş. Thời kỳ điều tra, từ 1/1/2020-31/12/2020 đối với bán phá giá; và 1/1/2018-31/12/2020 đối với thiệt hại.
Theo luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; Chính phủ của nước xuất khẩu, các nhà nhập khẩu, hiệp hội, các nhà sản xuất hàng hóa tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ... được coi là các bên quan tâm. Tuy nhiên chỉ các bên trình diện với Cơ quan điều tra bằng cách trả lời bản câu hỏi điều tra hoặc nộp bình luận, ý kiến trong thời hạn quy định mới được coi là bên liên quan trong cuộc điều tra.
Trước tình hình trên, Cục Phòng vệ thương mại - nhấn mạnh, các nhà sản xuất, xuất khẩu quan tâm cần gửi đăng ký tham gia vụ việc, các thông tin, bằng chứng liên quan và trả lời bản câu hỏi điều tra theo đúng thể thức và thời hạn quy định. Thời hạn gửi Bản trả lời câu hỏi điều tra là 37 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra. Ngôn ngữ bắt buộc là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trừ bản trả lời câu hỏi có thể được nộp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Thổ Nhĩ Kỳ; mọi thông tin, tài liệu, ý kiến, trao đổi… phải sử dụng bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, theo Cục Phòng vệ thương mại, mọi thông tin phải được nộp đồng thời dưới dạng bản mềm (đĩa CD hoặc DVD hoặc ổ USB) và bản cứng (ngoại trừ bản sao các hóa đơn chứng từ chỉ cần nộp dưới dạng bản mềm). Các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài có thể nộp bản trả lời câu hỏi và ý kiến liên quan thông qua địa chỉ: ithebys@ticaret.gov.tr.
Để ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu: Gửi yêu cầu, đăng ký tham gia vụ việc tới Cơ quan điều tra để được xem xét là bên liên quan chính thức trong vụ việc; cân nhắc phối hợp với đơn vị tư vấn, luật sư có kinh nghiệm xử lý vụ việc PVTM tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ; Đọc kỹ các tài liệu liên quan; trả lời đầy đủ và nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra theo đúng hình thức và thời hạn quy định.
Đặc biệt, cần liên lạc thường xuyên, hợp tác toàn diện với Cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc diễn ra. Cục PVTM khuyến nghị cần làm rõ các yêu cầu của Cơ quan điều tra trước khi có bất kỳ hành động nào. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin hiệp hội, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tại Việt Nam; với các đối tác nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ để nâng cao tiếng nói, yêu cầu Cơ quan điều tra xem xét đầy đủ lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng; trao đổi với Cục PVTM để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
“Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình điều tra sẽ dẫn tới việc Cơ quan điều tra sử dụng các chứng cứ sẵn có (thường là bất lợi). Việc bị áp dụng biện pháp biện pháp chống bán phá giá sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ và/hoặc các đối thủ từ các quốc gia khác”- đại diện Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo.
Số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế ITC và thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết, trị giá xuất khẩu mặt hàng sợi nêu trên từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỹ có xu hướng tăng rất nhanh qua từng năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt khoảng 1,69 triệu USD, năm 2019 đạt khoảng 4,65 triệu USD trước khi tăng mạnh vào năm 2020 với kim ngạch đạt khoảng 11 triệu USD.