Thổ Nhĩ Kỹ lên tiếng vụ đường ống khí đốt TurkStream bị tấn công
Người đứng đầu ngành năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống TurkStream không bị gián đoạn sau sự cố vào tuần trước.
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar đã xác nhận rằng đã xảy ra một vụ tấn công vào đường ống khi đốt TurkStream.
Phát biểu với báo giới tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/1, Bộ trưởng Bayraktar thông báo mặc dù gặp sự cố vào tuần trước nhưng không có sự gián đoạn nào đối với dòng chảy khí đốt. Đường ống dẫn khí tiếp tục cung cấp khí đốt với cùng công suất thiết kế.
Trước đó, hôm 13/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine hôm 11/1 đã điều động 9 máy bay không người lái tấn công cơ sở hạ tầng của trạm nén khí Russkaya ở vùng Krasnodar, nơi cung cấp khí đốt cho đường ống TurkStream. Sau vụ tấn công, nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động và cung cấp khí đốt cho đường ống như bình thường.
TurkStream là một hành lang năng lượng quan trọng, vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ chạy dưới Biển Đen. TurkStream cũng là tuyến đường duy nhất cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Nam và Đông Nam Âu sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Moscow từ đầu năm nay.
Năm 2024, lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống đã tăng 23%, đạt 16,7 tỷ mét khối (bcm). Đường ống bao gồm hai phần: một phần phục vụ nhu cầu trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi phần còn lại quá cảnh khí đốt đến Bulgaria qua trạm Strandzha.
Chuyên gia nói vì về vụ tấn công đường ống TurkStream?
Các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng vụ tấn công đường ống khí đốt TurkStream có thể so sánh với vụ tấn công đường ống Nord Stream.
Chuyên gia an ninh hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỹ, ông Abdullah Agar chia sẻ với hãng tin Tass của Nga rằng cuộc tấn công vào trạm nén khí của đường ống TurkStream không chỉ nhằm phá vỡ hoạt động vận chuyển khí đốt Nga mà còn có tác động đến động lực địa chính trị giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.
Theo vị chuyên gia này, vụ tấn công vào đường ống dẫn khí cuối cùng đưa khí đốt Nga sang châu Âu "là nỗ lực mới nhất nhằm gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Ankara và Moscow cũng như nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trở thành trung tâm khí đốt của châu Âu".
Ông Agar lưu ý thêm rằng vụ tấn công đường ống dẫn khí TurkStream "tác động rộng rãi đến tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
“Đây là nỗ lực chiến lược nhằm gây áp lực trên diện rộng thay vì nhắm vào một bên liên quan duy nhất. Việc lựa chọn mục tiêu cụ thể này rất quan trọng, xét đến những tác động với địa chính trị năng lượng. Vụ phá hoại đường ống khí đốt TurkStream có thể so sánh được với các sự cố trước đó liên quan đến đường ống Nord Stream của Nga” – chuyên gia Agar cho hay.
Cũng bình luận về vụ tấn công nhằm vào TurkStream, chuyên gia năng lượng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ Necdet Pamir nói rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dường như có lợi ích trong cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của đường ống dẫn khí này.
"Chúng ta phải đặt ra câu hỏi bên nào sẽ chịu thiệt hại khi đường ống TurkStream bị phá hoại? TurkStream có 2 đường ống song song, mỗi đường ống có thể vận chuyển 15,75 tỷ m3. Một nhánh đường ống đáp ứng nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống còn lại phục vụ nhu cầu của các nước Balkan và Trung Âu. Cuộc tấn công dường như không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, nếu tuyến đường ống phải dừng hoạt động, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Balkan và Trung Âu, đặc biệt là Hungary, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất” - ông nói.
Chuyên gia Pamir lưu ý, vụ tấn công đường ống TurkStream có thể là một thông điệp gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả chính sách của nước này với Syria.
Chuyên gia Pamir hy vọng "mối quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ ổn định sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức" vào ngày 20/1 tới. Ông cũng mong muốn sau các cuộc bầu cử ở Đức cũng như ở EU, đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 sẽ được vận hành trở lại, giúp giá khí đốt giảm xuống mức hợp lý và qua đó giảm chi phí nhập khẩu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ.