Thổ Nhĩ Kỳ lọt vào top 4 cường quốc UAV thế giới
Theo giới chuyên gia, trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) lớn thứ 4 trên thế giới.
Tạp chí Breaking Defense của Mỹ mới đây đã đăng một bài báo nêu bật mối quan ngại của các công ty quốc phòng Israel trước nhu cầu ngày càng gia tăng về máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc sản xuất, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ đã lọt vào top 4 nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) lớn nhất trên thế giới.
Tác giả bài báo lưu ý rằng, các công ty quốc phòng của Israel kêu gọi Tel Aviv từ bỏ yêu cầu tuân thủ mức giới hạn kỹ thuật được quy định trong các quy tắc của "Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa" và tăng khối lượng xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.
Bình luận về vấn đề này trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Nga Sputnik, chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề công nghiệp quốc phòng Anil Shahin cho biết, nước này đã đã vươn lên hàng ngũ những nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu thế giới.
Ông lưu ý rằng, hiện nay trên thế giới có bốn quốc gia chuyên sản xuất máy bay không người lái, đó là: Hoa Kỳ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Cần phải nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã lọt vào Top 4 này trong những năm qua, còn trước đây, thị trường UAV do Hoa Kỳ và Israel độc quyền.
Hoa Kỳ, do định hướng chính sách nhất định, đã không quan tâm nhiều đến việc xuất khẩu quy mô lớn các loại phương tiện bay này, chỉ bán UAV cho các đồng minh chiến lược của mình, chẳng hạn như Anh. Đổi lại, Israel khá tích cực xuất khẩu máy bay không người lái, nhưng UAV của Israel có giá bán rất cao.
Trong điều kiện đó, Trung Quốc đã tạo ra bất ngờ khi đưa các máy bay không người lái vào thị trường, bán các nền tảng không người lái cho tất cả các nước quan tâm với giá khá rẻ, điều này đã làm giảm đáng kể nhu cầu về UAV của Israel và Mỹ.
Tuy nhiên, sau đó đã xuất hiện hàng loạt vấn đề với máy bay không người lái của Trung Quốc, những vấn đề về chất lượng kéo dài cho đến ngày nay. Ví dụ, ở đây nói về những sự cố khi phóng đạn, còn UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ khả năng trong cuộc chiến năm 2020, giữa Azerbaijan với Armenia ở vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh.
Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được nâng cao
Như vậy, tình hình thị trường hiện nay đang có lợi cho các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay tấn công không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang được xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia trên thế giới - chuyên gia Shahin cho biết.
Theo chuyên gia Shahin, trong bối cảnh vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang được nâng cao trên thị trường máy bay không người lái, Hoa Kỳ đã quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu các nền tảng UAV.
Tuy nhiên, họ không thể đạt được thành công đáng kể, lý do là Mỹ định mức giá quá cao cho các sản phẩm của họ. Chẳng hạn, Mỹ đang bán cho Australia 12 chiếc máy bay không người lái loại tấn công MQ-9B Reaper với giá 1,6 tỷ USD. Một số lượng tương tự máy bay chiến đấu không người kái AKINCI của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả khi chúng không phải là loại tương đương, sẽ được bán với giá rẻ hơn hai lần.
Theo chuyên gia Anil Shahin, một số quốc gia đã áp dụng các lệnh cấm vận nhằm ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất hơn 200 chiếc máy bay không người lái Bayraktar TB2 và hơn 50 chiếc Anka.
Việc sản xuất máy bay không người lái loại tấn công AKINCI và AKSUNGUR cũng đang tiếp tục.
Chuyên gia Shahin kết luận, xét từ quan điểm thương mại, không công ty nào muốn áp đặt lệnh cấm vận đối với các hệ thống điện quang được sử dụng trong UAV Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì, nếu chúng ta lấy chi phí sản xuất một hệ thống như vậy là 1 triệu USD làm cơ sở, thì lợi nhuận từ các máy bay tấn công không người lái đã được sản xuất đến nay lên tới khoảng 250 triệu USD.