Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc điều tra lời kêu gọi tẩy chay của phe đối lập

Ngày 2-4, Văn phòng công tố viên Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã mở cuộc điều tra về lời kêu gọi gần đây của phe đối lập nhằm tẩy chay các doanh nghiệp ủng hộ chính phủ sau vụ bắt giữ Thị trưởng thành phố Ekrem Imamoglu.

Làn sóng biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài nhiều ngày qua. Ảnh: Anadolu.

Làn sóng biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài nhiều ngày qua. Ảnh: Anadolu.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, đây có thể là hành vi "kích động thù hận và phân biệt đối xử”. Hãng thông tấn Anadolu cho biết, cuộc điều tra này sẽ được gộp chung với những vụ án liên quan đến bạo lực đối với một số doanh nghiệp.

Cách đây ít ngày, ông Ozgur Ozel, lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) mà Thị trưởng Ekrem Imamoglu là thành viên, đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm nghìn người để phản đối vụ bắt giữ. Chỉ trích các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ vì không đưa tin về các cuộc biểu tình, ông Ozgur Ozel kêu gọi tẩy chay hơn một chục công ty đã chạy quảng cáo với các phương tiện truyền thông này. Một trang web được lập ra để liệt kê danh sách các công ty bị tẩy chay đã bị chặn theo lệnh của tòa án chỉ sau 2 ngày hoạt động.

Chỉ vài giờ trước khi văn phòng công tố mở cuộc điều tra, ông Ozgur Ozel đã đăng trên mạng xã hội lời kêu gọi nâng mức độ tẩy chay, chấm dứt hoàn toàn mọi giao dịch với các doanh nghiệp nói trên. “Dừng mọi hoạt động mua sắm! Siêu thị, mua sắm trực tuyến, nhà hàng, xăng dầu, cà phê, không mua gì cả”, lãnh đạo CHP Ozgur Ozel phát biểu, kêu gọi người dân sử dụng áp lực của người tiêu dùng để đòi công lý.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Omer Bolat, gọi cuộc tẩy chay là hành động "phá hoại kinh tế", bất kỳ doanh nghiệp nào bị mất tiền do lời kêu gọi tẩy chay sẽ có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với làn sóng biểu tình lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua sau khi Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng. Phe đối lập cho rằng vụ bắt giữ ông Ekrem Imamoglu mang động cơ chính trị, nhằm loại bỏ một đối thủ quan trọng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trước thềm bầu cử. Trong khi đó, chính phủ khẳng định hệ thống tư pháp độc lập và không chịu sự can thiệp chính trị.

Trước sức ép của các cuộc biểu tình, chính quyền đã triển khai lực lượng an ninh mạnh mẽ và tiến hành bắt giữ hơn 2.000 người, trong đó có hàng trăm sinh viên. Các công tố viên hiện đang yêu cầu mức án lên tới ba năm tù đối với 74 người bị cáo buộc tham gia biểu tình trái phép. Đồng thời, chính phủ cũng siết chặt kiểm soát thông tin, đặc biệt là các lời kêu gọi tẩy chay trên mạng xã hội. Lời kêu gọi này bị chính quyền xem là hành động gây tổn hại đến nền kinh tế và đe dọa đến sự ổn định của quốc gia.

Theo Anadolu

Hồng Nhung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tho-nhi-ky-mo-cuoc-dieu-tra-loi-keu-goi-tay-chay-cua-phe-doi-lap-697615.html