Thổ Nhĩ Kỳ: Mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Phi

Gần một tuần đã trôi qua kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ - châu Phi lần thứ ba năm 2021 được tổ chức, song những kết quả thu được từ sự kiện này vẫn còn là chủ đề được dư luận thế giới bàn luận sôi nổi. Đó không chỉ là một bản kế hoạch hành động với nội dung hợp tác bao trùm nhiều lĩnh vực mà còn thể hiện tham vọng của Ankara nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu lục này.

Hội nghị Thượng đỉnh quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ - châu Phi đưa ra chương trình hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Hội nghị Thượng đỉnh quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ - châu Phi đưa ra chương trình hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển chung và thịnh vượng”, hội nghị diễn ra từ ngày 17 đến 18-12 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã đánh giá lại một cách toàn diện quá trình hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ - châu Phi kể từ hội nghị lần thứ hai năm 2014, đồng thời thiết lập một khuôn khổ mới cho tiến trình đối tác trong tương lai.

Bản tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị khẳng định sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính, gồm: Hòa bình, an ninh và công lý; lấy người dân là trọng tâm cho kế hoạch phát triển; hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Một chương trình hành động chung giai đoạn 2022-2026 cũng được đưa ra với những nội dung cụ thể về hợp tác thương mại, đầu tư, giáo dục, quốc phòng và an ninh...

Trong một động thái nhằm chứng tỏ quyết tâm song hành với các đối tác châu Phi lâu dài, Ankara đã cam kết sẽ cung cấp cho các quốc gia Lục địa đen 15 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định: “Hội nghị thượng đỉnh này là minh chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến châu Phi và mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với châu Phi không phải là lợi ích nhất thời, đó là một cam kết được duy trì”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là cùng châu Phi giành chiến thắng và cùng bước tới tương lai”.

Theo các nhà bình luận quốc tế, kể từ khi lên nắm quyền, trong vai trò là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 đến năm 2014 và vai trò Tổng thống từ năm 2014 đến nay, ông Recep Tayyip Erdogan là một trong những nguyên thủ đi thăm các quốc gia châu Phi nhiều nhất.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi đã tăng từ 5,4 tỷ USD năm 2003 lên 25,3 tỷ USD vào năm 2020. Cùng thời kỳ, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ vào Lục địa đen đã tăng từ 100 triệu USD lên 6,5 tỷ USD và số lượng công ty Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào châu Phi gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Nếu như năm 2003, Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bay đến Bắc Phi, thì hiện đã mở đường bay tới 51 điểm đến ở 33 quốc gia châu Phi. Trong lĩnh vực giáo dục, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp học bổng cho hơn 14.000 sinh viên châu Phi và mở 175 trường học trên lục địa này. Hợp tác an ninh cũng được chú trọng. Ankara đã ký một loạt hợp đồng mua bán vũ khí với các nước châu Phi. Gần đây nhất, Kenya đã chi 73 triệu USD cho xe bọc thép từ Katmerciler, một nhà sản xuất vũ khí có trụ sở tại Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ). Về mặt ngoại giao, số đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi đã tăng từ 12 năm 2002 lên con số 43 ở thời điểm hiện tại.

Trong thời gian tới, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 50 tỷ USD thông qua việc đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân khai thác các cơ hội đầu tư và kinh doanh, cũng như tăng cường tương tác giữa các cộng đồng doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi.

Nhiều nhận định cho rằng, qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh cùng với thông điệp "Không có châu Phi thì không thể có một thế giới thịnh vượng", Ankara đang “hâm nóng” cuộc đua vào Lục địa đen, vốn có phần trầm lắng khi thời gian qua, nhiều cường quốc hướng sự quan tâm vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1020833/tho-nhi-ky-mo-rong-tam-anh-huong-tai-chau-phi