Thổ Nhĩ Kỳ muốn 'vẽ lại' bản đồ xung đột Syria?

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-10 tuyên bố đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự chống lại người Kurd ở Đông Bắc Syria sau khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi đây. Truyền thông Trung Đông ngay lập tức cho rằng, với động thái trên, Ankara dường như muốn vẽ lại bản đồ cuộc xung đột tại Syria một lần nữa.

Vẽ lại bản đồ xung đột Syria

Chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ đang lăm le tiến hành sẽ giáng một đòn mạnh vào các chiến binh người Kurd, lực lượng từng chiến đấu chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới. Nếu thực hiện tấn công thì đây sẽ là cuộc tấn công thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2016 để ngăn chặn ảnh hưởng của người Kurd ở Syria.

Mục tiêu của chiến dịch quân sự này là chống lại lực lượng dân quân người Kurd (YPG) vì Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là mối đe dọa an ninh và thứ hai là tạo ra một khu vực an toàn dài 32km trên lãnh thổ Syria nơi hai triệu người Syria đang tái định cư.

Từ lâu nay, lực lượng dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là YPG có liên hệ với Lực lượng lao động người Kurd (PKK) bị xem là khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã triển khai một lực lượng lớn bộ binh, pháo binh dàn hàng trên vòng cung phía Tây Bắc Syria, thành trì cuối cùng của phiến quân chống Chính quyền Damascus.

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều quân tới biên giới và sẵn sàng tấn công Syria. Ảnh: Getty Images

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều quân tới biên giới và sẵn sàng tấn công Syria. Ảnh: Getty Images

Giải thích cho việc này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định hôm 7-10 trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Iran Javad Zarif rằng, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria chỉ là “tạm thời” và Ankara tôn trọng “sự thống nhất lãnh thổ của Syria”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh rằng, Tehran phản đối các chiến dịch quân sự ở Syria, kêu gọi các bên tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Syria. Một đồng minh khác của Syria là Nga tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ nhưng cần đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cũng như tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện bất hợp pháp nên rời khỏi Syria. Liên hợp quốc (LHQ) cũng bày tỏ lo ngại về sự leo thang quân sự sẽ ảnh hưởng tới người dân Syria.

Trong khi đó, SDF tiếp tục cảnh báo rằng, cuộc tấn công sẽ gây bất ổn. Xung đột và hỗn loạn có thể mang đến cho IS cơ hội hồi sinh. SDF đã tiến hành các hoạt động chống lại các phần tử IS đang ẩn náu kể từ khi giành lại được vùng lãnh thổ cuối cùng của mình vào đầu năm nay. Các nhà lãnh đạo người Kurd Syria từ lâu đã cảnh báo rằng, SDF có thể không thể tiếp tục giam giữ tù nhân IS nếu tình hình rơi vào mất ổn định bởi cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại SDF vẫn giam giữ 5.000 chiến binh IS quốc tịch Syria, Iraq và hơn 1.000 chiến binh nước ngoài từ hơn 55 quốc gia khác - theo bộ phận đối ngoại của chính quyền người Kurd ở miền Bắc Syria. Về phía phương Tây, hiện chưa có sự hỗ trợ công khai nào từ các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ cho kế hoạch giải quyết 2 triệu người tị nạn Syria – trong đó hơn một nửa số đang tị nạn trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan tâm chính của phương Tây là một dòng người Syria gốc Arab Sunni đổ vào vùng Đông Bắc của người Kurd sẽ làm thay đổi nhân khẩu học của khu vực. Điều phối viên khu vực của LHQ về cuộc khủng hoảng Syria cho biết tất cả các bên nên tránh sự dịch chuyển lớn của thường dân nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công.

Quyết định gây làn sóng phản đối từ lưỡng đảng Quốc hội Mỹ

Tình hình được dự báo căng thẳng khi Mỹ rút quân khỏi vùng Đông Bắc Syria, chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn có thể phát động chiến dịch giành lại quyền kiểm soát phần lớn khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ không kiểm soát ở phía Đông Bắc nước này. Quyết định trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ các thành viên của lưỡng đảng.

“Quyết định của Tổng thống về việc rút quân Mỹ khỏi phía Bắc Syria là một diễn biến vô cùng tồi tệ khi điều đó phản bội các đồng minh người Kurd của chúng ta - những người đã từng kề vai sát cánh với chúng ta trong nhiệm vụ xóa sổ IS”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pekisu nhận định.

“Bất kể Tổng thống nói gì, IS vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Quyết định bất cẩn và thiếu định hướng này sẽ hủy hoại những nỗ lực của các quân nhân dũng cảm cũng như các đồng minh của chúng ta nhằm đánh bại sự tàn bạo của IS”, bà Nancy Pelosi cho biết thêm.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - một trong những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây đã dẫn đầu làn sóng phản đối trong đảng Cộng hòa, đồng thời tuyên bố sẽ kêu gọi Quốc hội đảo ngược quyết định bất ngờ này.

“Đây là thảm họa trong việc ra quyết định”, ông Lindsey Graham viết trên Twitter. Vị Thượng nghị sĩ này cũng thông báo ông và Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen - một thành viên đảng Dân chủ sẽ đưa ra một đạo luật kêu gọi trừng phạt Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria và sẽ “kêu gọi treo tư cách thành viên NATO của nước này nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd từng giúp Mỹ chống lại IS”.

Sau khi hứng làn sóng chỉ trích trên, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ “phá hủy và xóa sổ hoàn toàn nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ” nếu Ankara làm bất kỳ điều gì mà ông cho là “vượt quá giới hạn”. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định rằng ông không đứng về bất kỳ bên nào trong quyết định rút Mỹ khỏi Syria mà chỉ thực hiện lời hứa đưa quân đội Mỹ trở về nước.

Tuy nhiên, sự phản đối vẫn tiếp diễn khi cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhấn mạnh rằng, sự rút quân của Mỹ đã khiến đồng minh của Mỹ chỉ còn đường chết. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho biết mặc dù ông ủng hộ việc chấm dứt can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Đông song “thông báo hoàn toàn vô trách nhiệm” của ông Trump “có thể gây ra nhiều đau khổ và bất ổn hơn”.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/tho-nhi-ky-muon-ve-lai-ban-do-xung-dot-syria-564879/