Thổ Nhĩ Kỳ - nhân tố chủ chốt trong chương tiếp theo của Syria

Từ việc cải tổ nền kinh tế đến xây dựng năng lực chính trị, chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng quan trọng trong việc định hình một Syria mới.

Đầu tháng 2, Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa đã có chuyến thăm quan trọng tới Thổ Nhĩ Kỳ và gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Ông al-Sharaa bay thẳng đến Thổ Nhĩ Kỳ từ Saudi Arabia - quốc gia đầu tiên mà ông đến thăm kể từ khi liên minh do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Chuyến thăm này nhấn mạnh vai trò tiềm năng của Ankara trong tương lai của Syria. Sự sụp đổ của ông al-Assad vào tháng 12-2024 đã mở ra cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “bên thắng lớn” ở Syria, lấp đầy khoảng trống do sự suy giảm mạnh mẽ ảnh hưởng của Iran và Nga, theo tờ The New Arab.

 Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa (trái) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-2. Ảnh: THE NEW ARAB

Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa (trái) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-2. Ảnh: THE NEW ARAB

Quan hệ đối ngoại của “Syria Mới”

Kể từ khi ông al-Assad bị lật đổ, chính phủ mới ở Damascus đã nỗ lực không ngừng để giành được sự công nhận quốc tế. Việc các chính khách nước ngoài đến thăm Syria, cũng như các chuyến công du của ông al-Sharaa và Bộ trưởng Ngoại giao Syria Assad al-Shibani tới các nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Thụy Sĩ đã đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực ngoại giao này.

“Ông al-Sharaa đang từng bước xây dựng sự hiện diện và độ nhận diện quốc tế” - ông Aron Lund, nhà phân tích Trung Đông tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI), nhận định với The New Arab.

Trong khi tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia trong khu vực, giới lãnh đạo mới của Syria vẫn thận trọng duy trì sự cân bằng để tránh nguy cơ gây căng thẳng với một số chính phủ Trung Đông.

“Chính phủ Syria mới có mối liên kết chặt chẽ nhất với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, nhưng họ cũng chủ động tiếp cận các cường quốc Arab khác như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhằm tránh những xung đột không cần thiết. Những cuộc gặp đầu tiên của ông al-Sharaa với các nguyên thủ quốc gia phản ánh cách tiếp cận cân bằng này. Ông đã lần lượt đón tiếp Quốc vương Qatar, sau đó đến thăm chính thức Saudi Arabia và cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Lund phân tích.

Nhấn mạnh đến “nghi thức ngoại giao khéo léo” của giới lãnh đạo mới ở Damascus, ông Lund giải thích rằng việc ông al-Sharaa thăm một quốc gia Arab trước khi tới Thổ Nhĩ Kỳ là điều cần thiết.

“Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chính trị và an ninh quan trọng nhất đối với Syria trong kỷ nguyên của ông al-Sharaa. Ankara mang đến hỗ trợ tài chính, đóng vai trò trong xây dựng thể chế chính trị, quân sự và hành chính của Syria. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đảm bảo điều này. Chuyến thăm của ông al-Sharaa là một minh chứng cho thực tế đó” - theo TS Mustafa Caner, chuyên gia tại Viện Trung Đông thuộc ĐH Sakarya (Thổ Nhĩ Kỳ).

Chuyến công du của tổng thống lâm thời Syria tới Ankara “không chỉ phản ánh vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ chiến dịch tấn công của phe đối lập vào cuối năm ngoái, mà còn cho thấy ưu tiên của chính quyền chuyển tiếp đối với mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ” - bà Caroline Rose, giám đốc tại Viện New Lines về Chiến lược và Chính sách (Mỹ), nhận định.

Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc tái thiết Syria. Ngoài ra, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác với các đối tác tại vùng Vịnh để thuyết phục phương Tây dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Syria.

Ankara hiểu rằng thách thức tại Syria là quá lớn để một quốc gia có thể tự giải quyết. Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước khác để thúc đẩy sự ổn định tại Syria, đồng thời củng cố tầm ảnh hưởng của Ankara tại nước láng giềng.

“Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung phù hợp với chính quyền mới tại Damascus, nhưng Ankara không thể cung cấp mọi thứ mà Syria cần. Nhiều yếu tố vẫn nằm trong tay các quốc gia vùng Vịnh hoặc phương Tây, bao gồm việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, hỗ trợ kinh tế, và khả năng loại HTS khỏi danh sách khủng bố” - ông Lund nói thêm.

Thách thức an ninh chung

Khi ông al-Sharaa gặp ông Erdogan, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những thách thức an ninh của “Syria Mới” và mong muốn hợp tác trong các cuộc đấu tranh chung. Ông Erdogan nhấn mạnh rằng Ankara sẵn sàng sát cánh cùng Damascus trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), ở đông bắc Syria.

“Tôi muốn bày tỏ sự hài lòng trước cam kết mạnh mẽ của ông al-Sharaa trong cuộc chiến chống khủng bố. Tôi đã nói với ông ấy rằng chúng tôi sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Syria trong cuộc chiến chống mọi hình thức khủng bố, dù đó là IS hay PKK” - ông Erdogan nói.

Dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, SDF hiện vẫn duy trì lực lượng vũ trang mạnh mẽ và không nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Syria – điều mà giới lãnh đạo Damascus không thể chấp nhận.

Theo bà Caroline Rose, chuyến thăm của ông al-Sharaa là một “tín hiệu cảnh báo” giữa lúc các cuộc đàm phán giữa chính quyền Syria và SDF về hợp nhất quân đội kéo dài mà không đạt kết quả.

Cùng lúc đó, Ankara đang tìm cách thuyết phục chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ mới ở Syria và các đối tác khu vực khác có thể đối phó với mối đe dọa từ IS tại Syria, qua đó Mỹ không cần tiếp tục xem SDF là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống IS.

Mặc dù Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có thể không hoàn toàn đồng thuận về mọi vấn đề liên quan SDF, nhưng dường như có một sự thống nhất chung giữa hai bên về việc đưa toàn bộ khu vực đông bắc Syria trở lại dưới quyền kiểm soát của Damascus và không cho phép một nhà nước ly khai của người Kurd hình thành tại Syria.

Các nhà phân tích khác cũng cho rằng chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có chung quan điểm về cách xử lý SDF. “Cách Damascus đang quản lý tình hình dường như khiến Ankara hài lòng. Điều này thể hiện rõ qua việc tạm dừng chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy ở phía tây sông Euphrates. Cách tiếp cận của Damascus đã khiến Ankara thể hiện thiện chí với con đường ngoại giao” - theo ông Qutaiba Idlbi, thành viên cấp cao của Trung tâm Rafik Hariri và Chương trình Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương.

TS Caner cho rằng mặc dù Ankara và Damascus “có vẻ như chia sẻ sự đồng thuận cơ bản về vấn đề này”, hai bên có thể khác biệt về ưu tiên và cách tiếp cận. “Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc tiêu diệt PKK là một vấn đề cấp bách và trực tiếp liên quan đến an ninh quốc gia. Ngược lại, chính quyền Syria dưới sự lãnh đạo của ông al-Sharaa phải đối mặt với nhiều thách thức rộng lớn hơn, bao gồm tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế” - vị chuyên gia nhận định.

 Lực lượng đối lập Syria tại TP Suran (Syria) ngày 3-12-2024. Ảnh: AFP

Lực lượng đối lập Syria tại TP Suran (Syria) ngày 3-12-2024. Ảnh: AFP

Những thách thức của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

Với đường biên giới chung dài 910 km, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích to lớn trong tương lai của Syria. Một chính quyền thân Ankara tại Damascus sẽ mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo TS Caner, căng thẳng chính trị và chiến lược giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài gần một thế kỷ. Các vấn đề như khủng bố và quản lý tài nguyên nước luôn là những điểm nóng trong quan hệ song phương.

“Lần đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc với một chính quyền Syria không có lập trường đối đầu hoàn toàn với họ. Đây là cơ hội lịch sử để hai nước vượt qua mô hình xung đột kéo dài hàng thế kỷ và thiết lập một khuôn khổ quan hệ chính trị mới” - TS Caner lưu ý.

Dẫu vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng tại Syria. “Vấn đề chính của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria là chính quyền của ông al-Sharaa còn non trẻ và lãnh đạo một nhà nước gần như phá sản” - ông Lund nhận định.

“Không thể thuyết phục các phe nổi dậy hạ vũ khí hoặc tuyển dụng họ vào quân đội mới nếu không có nguồn lực” - vị chuyên gia nói thêm.

Ngoài ra, một thách thức lớn khác đối với Ankara là vấn đề hồi hương người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ về quê hương. Chính phủ ông Erdogan đang chịu áp lực lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ này, nhưng tốc độ hồi hương có thể chậm hơn so với kỳ vọng của nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ.

Một mối lo ngại hàng đầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ là tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây đối với Syria trong tương lai.

“Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức được rằng nếu không có một sự nới lỏng hoặc dỡ bỏ đáng kể các lệnh trừng phạt, Syria sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đang lo ngại liệu nền kinh tế Syria có thể hồi sinh hay không” - theo ông Idlbi.

Cuối cùng, một kịch bản có thể xảy ra là làn sóng tị nạn Syria mới tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ nếu tình hình không được kiểm soát.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/tho-nhi-ky-nhan-to-chu-chot-trong-chuong-tiep-theo-cua-syria-post834497.html