Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đưa giày dép, nông sản... của Việt Nam lên kệ siêu thị

Việt Nam đang tích cực vận động phía Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam thâm nhập vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) ngày 1.6 cho biết hiện nay các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; chất dẻo nguyên liệu; cao su; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng dệt, may; giày dép các loại; hạt tiêu...

Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực nhập mua các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam - Ảnh: IT

Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực nhập mua các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam - Ảnh: IT

Việt Nam nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ các mặt hàng chính gồm: vải các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hóa chất; sản phẩm hóa chất; dược phẩm; linh kiện, phụ tùng ô tô; nguyên phụ liệu dệt may...

Nhận định về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat cho rằng Việt Nam được coi là đối tác kinh tế ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh những dự án đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam ghi nhận thành công tích cực, ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ như xây dựng, sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng... Trên cơ sở đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội mở rộng hợp tác, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi giao thương sầm uất lâu đời nên việc hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào thị trường này, đặc biệt là chuỗi các hệ thống phân phối sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực vận động phía Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như giày dép, nông sản, thủy sản... thâm nhập vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối của Thổ Nhĩ Kỳ như Carrefour SA, Migros,...

Trong các cuộc trao đổi, làm việc gần đây với đại diện Bộ Công Thương, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẵn lòng trao đổi danh mục các mặt hàng phía Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu và phía Việt Nam có thế mạnh, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu vào các kênh phân phối cũng như hình thức thanh toán phù hợp... để xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào chuỗi siêu thị tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian sớm nhất.

Để sớm đạt mục tiêu này, ngoài sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp Việt phải chủ động tìm hiểu về thị trường, nâng cao sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét nâng cấp quan hệ hợp tác lên mức cao hơn, có thể thấy cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ được khai thác và triển khai nhiều hơn nữa trong thời gian tới, hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung của hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực Tây Á và có vị trí chiến lược trên con đường giao thương giữa ba châu lục Á - Âu - Phi. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác xuất khẩu phi dầu mỏ lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là cửa ngõ cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông - Bắc Phi, là nơi trung chuyển vào thị trường EU. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 8 châu Âu, thứ 17 thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (WorldBank, 2023).

Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong ASEAN và mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với ASEAN và chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với thế giới. Con số này cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho việc gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Năm 2023, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Đặc biệt, nhân chuyến thăm và làm việc chính thức tại Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương, đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỉ USD trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, hai nước cũng có thể mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác còn nhiều tiềm năng như năng lượng, logistics, dệt may, sản xuất ô tô, điện tử,...

Về kim ngạch thương mại, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á (sau UAE). Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ đạt 2,2 tỉ USD, tăng 12,1% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỉ USD, tăng 12,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 468,8 triệu USD, tăng 11,6%.

Nhìn chung, trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng trưởng tích cực.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tho-nhi-ky-san-sang-dua-giay-dep-nong-san-cua-viet-nam-len-ke-sieu-thi-217909.html