UAV Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị bắn hạ ở Syria, hình ảnh chiếc máy bay không người lái nói trên đã được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Các bức ảnh cho thấy rõ thân máy bay bị xé thành nhiều mảnh và những gì còn sót lại của thiết bị điện tử.
Điều thú vị là dòng thông báo với nội dung: “Người Mỹ bắn hạ một máy bay không người lái Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ” đã xuất hiện chỉ vài phút sau khi thông tin về chiếc UAV nói trên bị hạ gục được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều đồn đoán đã bắt đầu.
Một trong những giả định đầu tiên được trang International Defense Analysis đưa ra đó là máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tiêm kích F-35A của Không quân Mỹ bắn hạ.
Cùng lúc đó, một hãng truyền thông khác cũng tuyên bố điều tương tự:“Chiếc UAV Anka-S thuộc lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ theo nhận định đã bị máy bay chiến đấu F-35 bắn hạ sau khi tiếp cận căn cứ Mỹ”, thông tin này được chia sẻ bởi tờ Politic Türk.
Trang Bulgarian Military nói thêm, chiếc UAV Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ bay về phía bắc Hasakah đã bị chiến đấu cơ F-35A thuộc Phi đội tiêm kích số 421 của Không quân Mỹ bắn hạ bằng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM.
Mặc dù vậy, hiện không có tuyên bố chính thức nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hoặc Syria rằng máy bay chiến đấu F-35 đã bắn hạ, hoặc tham gia bắn hạ chiếc UAV tối tân của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội hay bình luận trên những tờ báo lớn cũng chỉ được coi là suy đoán, cho đến khi được cơ quan chức năng xác nhận một cách chính thức.
Cần nhắc lại trong quá khứ, một cường kích Su-22M4 của Không quân Syria đã bị tiêm kích F/A-18E Super Hornet của Mỹ bắn rơi khi nó tiến vào vùng kiểm soát của lực lượng vũ trang người Kurd được Mỹ bảo trợ.
Cần nói thêm, Anka-S là dòng máy bay không người lái vũ trang (UCAV), được sản xuất chủ yếu để đáp ứng các yêu cầu trinh sát và giám sát của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, nó được thiết kế và phát triển bởi tập đoàn công nghiệp vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI).
Chiếc Anka-S có khả năng hoạt động tốt trong cả ban ngày và ban đêm bao gồm điều kiện thời tiết bất lợi, thực hiện trinh sát hình ảnh, giám sát, phát hiện mục tiêu, nhận dạng, xác định... trong thời gian thực.
Ngoài ra máy bay không người lái Anka-S còn có thể trực tiếp chiến đấu với các loại vũ khí hạng nặng được trang bị, bao gồm cả tên lửa không đối đất và tên lửa chống tăng có điều khiển.
Điểm đặc biệt của chiếc UCAV này là khả năng hoạt động tầm xa của nó rất ấn tượng, có thể đạt tới cự ly 4.600 km, hoặc bay liên tục trong 18 giờ đồng hồ; tốc độ tối đa mà Anka-S sở hữu là 217 km/h.
Anka-S được trang bị radar khẩu độ tổng hợp, hệ thống định vị chính xác, hệ thống nhận dạng tín hiệu analog và kỹ thuật số cùng hệ thống giải mã giao thức đi kèm module tín hiệu truyền thông đa kênh giám sát và ghi tín hiệu giải điều chế.
Nếu thông tin trên được chính thức xác nhận, Thổ Nhĩ Kỳ có lý do để tức giận bởi vì Anka-S là phương tiện chiến đấu hiện đại và rất đắt tiền, điều này nguy cơ làm bùng nổ căng thẳng giữa hai thành viên NATO.