Thơ như lời nguyện cầu bình an
Bùi Thị Nhài là một trong những cây bút nữ làm thơ đương nổi ở vùng đất Cố đô Ninh Bình. Trước Vô ưu, Bùi Thị Nhài đã có tập thơ Lời hoa và Thu Tràng An cùng nhiều bài thơ hay khác in trên báo chí trung ương và địa phương.
Trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật thì “trời cho” là đầu tiên, là nhiều hơn cả, sau đó là các chính sách văn hóa hợp lý (về nhân lực, vật lực) để phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng. Với nữ sỹ Bùi Thị Nhài thì tôi mới chỉ “văn kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Nên đành vận dụng phương pháp cổ xưa “Văn là người” để cố gắng “chạm” vào thơ của một chủ thể.
Vô ưu đồng nghĩa với bình an, bình yên. Cách nay hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Việt Phương đã viết bài thơ NƠI GỪ (chữ NGƯỜI bị xé toang ra, đảo chiều, chập lại sẽ thành NGƯỜI), in trong tập thơ Cửa mở, làm nóng rãy, nổi sóng văn đàn một thời. Trong bối cảnh tinh thần ấy, tôi nghĩ, cứ có thêm một người làm thơ và một người yêu thơ, thì xã hội đã cộng thêm một người tử tế, lương thiện. Có thể nói không quá thì nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng có thể có tác dụng như một “liều thuốc giảm đau” tinh thần, một phóng chiếu thăng hoa bằng nghệ thuật ngôn từ, một cách xoa dịu, thuần hóa những vết thương, nỗi đau hữu hình hay vô hình của con người. Ai đó nói không phải không có lý rằng: không có cuộc đời hạnh phúc tuyệt đối nào, có chăng chỉ là những giây phút (khoảnh khắc) thăng hoa hạnh phúc. Đến với thơ chính là hòa nhịp khoảnh khắc tuyệt vời cả với người sáng tạo, cả với người thưởng thức.
Vô ưu hướng con người tới sự bình an trong hài hòa với tự nhiên
Sức mạnh gột rửa, thanh lọc tâm hồn con người của tự nhiên là vô biên, hữu hiệu. Khi nói con người là một phần tự nhiên (hay con người là tự nhiên cũng đúng), như là một chân lý giản dị song hoàn cảnh đã xô đẩy con người đến chỗ quay lưng, chưa nói đến tàn sát, hủy hoại, đối xử tàn nhẫn với bà mẹ tự nhiên vĩ đại. Muốn tiến tới sự cân bằng tâm thế sống, con đường chính trực như một đại lộ là trở về, hướng tới, yêu kính, bảo vệ tự nhiên. Con người vô tình hay cố ý đang tự nhốt mình vào trong những “tháp ngà”, thậm chí trong những “boong-ke”. Vì thế, khi đọc Vô ưu của nữ sỹ Bùi Thị Nhài không riêng tôi có cái cảm giác về tự do vì được giải thoát, giải phóng khỏi những ưu phiền, âu lo, bế tắc. Cảm giác viên mãn đó nảy sinh bởi con người được tắm gội, được đắm chìm vào tự nhiên. Năm mươi (50) bài thơ trong tập thơ Vô ưu, nói không quá, như một bảo tàng tự nhiên thu nhỏ. Người yêu thơ có thể bất chợt lạc bước vào không gian đặc biệt đó, hoặc có thể được/bị nữ sỹ dẫn dắt khéo léo chiêm ngưỡng/chiêm bái vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của cỏ cây, hoa lá, núi sông, gió mưa, trăng sao, vầng dương, sự tuần hoàn của tự nhiên. Đó là những (tên bài thơ) Bình minh, Tản khúc thu, Chiều Kim Sơn, Tháng Giêng, Khúc chiều, Trên đồng hoa, Đêm Tràng An, Người trên núi thơ, Chiều xuân, Dốc mưa, Lập thu, ... Đưa con người trở về tự nhiên bằng thơ là một phép hóa giải, tưởng như dễ dàng nhất, nhưng thực ra khó khăn nhất, không phải người thơ nào cũng thực hiện được.
Chùm thơ thu bốn bài (Lắng nghe, Tản khúc Thu, Lập thu, Thu), theo tôi, là khúc xạ không chỉ một “tuệ nhãn” mà còn là một “khối tình con” của nữ sỹ Bùi Thị Nhài. Tất nhiên cần đọc rộng và đủ cả tập thơ năm mươi (50) bài, nhưng chùm thơ thu như là “huyệt chủ”, như là “chân kinh” của cả tập thơ. Riêng tôi thích nhất bài Thu với kiểu thơ năm chữ, linh hoạt bởi nhịp điệu (rythme): “Bắt đầu từ nắng nhẹ/ Trời xanh và sương mơ/ Tiếng chim chuyền se sẽ/ Chiều ẩn vào đồi thơ/ Bắt đầu từ dòng nước/ Dịu dàng ru đôi bờ/ Cá tôm về trú ngụ/ Nghe kinh cầu bến Mơ/ Bắt đầu từ trái chín/ Ngọt lành như quê nhà/ Hồn ta dâng hương lúa/ Khắp đồng gần đồng xa/ Dáng ai gầy như mẹ/ Nụ cười hiền như cha/ Sao trời in đáy mắt/ Thốt lên là lời hoa/ Chiều nay nghe chuông gió/ Gọi mùa trên mái nhà/ Gió vào lay trang sách/ Gieo xuống lời kinh xa”. Tôi gọi nhịp điệu thơ chính là điệu tâm hồn của nữ sỹ. Chưa từng gặp chủ nhân của bài thơ hay này (nên đã dẫn cả bài), tôi hình dung Bùi Thị Nhài là một người phụ nữ đoan trang, thùy mị, hiền thục, thơm thảo, giàu nội tâm, có cá tính. Dẫu sao cũng chỉ là phán đoán. Cũng có thể ai đó sẽ nhận xét về tính chất “thiền” của người làm thơ và thơ khi đọc Vô ưu.
Vô ưu hướng con người tới sự bình an trong hành trình tâm linh tìm lại chính mình. Đó chính là tinh thần, con đường đi tới chân lý, tới “giác ngộ”. Theo giáo lý Phật thì cuộc đấu tranh với chính bản thân mình là cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn, gian khổ nhất: “Người ở trên bờ Giác/ Con lạc chìm bến Mê/ Tâm phiền và thân cực/ Chỉ mong mau quay về/ Lắng nghe từng lời pháp/ Biết yêu thương bốn bề/ Bao giọt sầu buồn tủi/ Đã tan vào chiều quê/ Từng hồi chuông thong thả/ Rung động miền tâm can/ Con nguyện làm tất cả/ Chúng sinh cầu bình an” (Giác ngộ). Nói theo quan niệm tâm linh thì giác ngộ - tìm lại chính mình - là con đường cứu rỗi linh hồn con người khỏi lạc vào những bờ lú, bến mê. Nữ sỹ cũng “chạm” tới trong thơ cái gọi là “sát na” (thời đoạn/kiếp đoạn) trong cõi người/ kiếp người “vọng trong từng sát na” (một câu thơ trong bài Bình minh). Nhưng riêng tôi có cảm giác, khi nhập/chạm vào “cõi” này nữ sỹ vẫn còn có vẻ rón rén, khẽ khàng, khiêm nhu, đôi chút run rẩy, có lẽ vì chưa hoàn toàn thấu thị/ thấu triệt cõi Ta Bà (trần thế/ trần gian) là hữu hình và cõi tâm linh là vô hình chăng?! Nhưng nếu để trở thành Phật tử (dẫu chỉ trong ý niệm) thì cần chân tu, rèn tâm chí.
Dường như nữ sỹ và chúng ta mới chỉ đang đi những bước đầu tiên trên con đường dài dằng dặc mong mỏi tiệm cận chân lý. Nhưng đó là sự chân (chơn) của thơ, ánh phản khát vọng được thành thực trước đồng loại, chúng sinh. Thời gian qua, tôi vừa có những chuyến thực tế tâm linh ở các đền chùa các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Ninh Bình, Nam Hà, Quảng Ninh theo tinh thần giác ngộ. Nay thưởng thức thơ của nữ sỹ Bùi Thị Nhài lại càng giác ngộ thêm về nỗi chúng sinh bây giờ giờ khá no đủ cơm áo sao vẫn cứ ám ảnh thiếu thốn/ nghèo túng bình an, đi chùa chỉ xin/ cầu sự vô ưu - bình an (!?).
Sắc màu của chữ thơ và câu thơ trong Vô ưu
Đọc 50 bài thơ, thấy trùng trùng những chữ thơ liên quan, soi chiếu tinh thần Vô ưu. Nếu nói thơ là lĩnh vực của tình yêu được thể hiện bằng một thứ ngôn từ tinh tế, đẹp đẽ, giàu biểu cảm nhất thì tôi dám gọi thơ của nữ sỹ Bùi Thị Nhài là thơ “tình nguyện” (không phải như Thanh niên tình nguyện). Nói cách khác đó là lời nguyện cầu bình an bằng ngôn từ thơ ca. Đến với Đức Phật là tự giác hoàn toàn. Tình nguyện tuyệt đối. Ở đây không có chỗ cho sự khiên cưỡng, điệu đàng, hoa mỹ, vì mỗi người trong “chúng sinh” đều nhập vào “cửa thiền”, nhập tâm “câu kinh”, nhằm tìm được “bình an” theo tinh thần “an nhiên”. Nếu mộ đạo thực sự thì chúng sinh sẽ được hóa giải “tiêu tai”. Chỉ đọc bài thơ đầu tập thơ có tựa Cửa thiền thôi, đã thấy người thơ như đã sống nhiều hơn cả cuộc sống hiện sinh của mình ở cõi Ta Bà.
Câu thơ là đơn vị cơ bản, quan trọng của thơ. Rất có thể (tôi vẫn chỉ giả định) nữ sỹ Bùi Thị Nhài có ý thức chăm chút, tìm tòi, kiến tạo câu thơ hơn tứ thơ, nhịp điệu thơ, hình ảnh thơ. Quả thật nếu chọn bài thơ hay (cứ cho là có đến 5/50) thì khó, nhưng không có gì khó nếu chọn câu thơ hay như là một biệt sắc thơ của nữ sỹ Bùi Thị Nhài. Có thể viện dẫn ra nhiều câu thơ hay trong tập thơ Vô ưu. Nhưng giới hạn của một bài giới thiệu tác phẩm thơ mới, tôi chỉ đơn cử vài ba ví dụ: “Nắng trở mình se sẽ” (Tản khúc thu), “Giọt ngâu mềm nao nao” (Lập thu), “Tíu tít mừng nhau những tiếng cười” (Mừng tuổi), “Trăng bắt đầu yêu” (Sính lễ), “Tôi về đây nghe phố” (Lắng phố), “Nóc phố hoàng hôn đậu” (Hẹn), “Mắt trời màu mây” (Dốc mưa), “Thênh thênh quẩy gánh mây thiền” (Chiều xuân).... Ai đó nói “Mưa rơi không cần phiên dịch”. Chí lý! Cũng có thể nói “Thơ hay không cần bình”.
Bài thơ hay, nếu cần chọn giúp quý vị, xin giới thiệu 1 bài – Mùa thơ: “Thả câu thơ vào nước/ Văn hoa chìm đáy sông/ Gửi thơ lên cùng gió/ Đáp hồi là hư không/ Thả câu thơ vào lửa/ Nỗi niềm thành tàn tro/ Gieo thơ vào lòng đất/ Mồ hôi nhòa giấc mơ/ Ta cùng thơ xuống phố/ Đào mai khoe dáng gầy/ Thấy chồi non đang nhú/ Nụ xanh chừng thơ ngây/ Ta cùng thơ lên rẫy/ Lau giọt mồ hôi khô/ Bác nông dân mải miết/ Thơ hóa mùa bội thu” (viết 08/01/2018).
Trong trường hợp này thơ của nữ sỹ Bùi Thị Nhài từ tinh thần “tình nguyện” đã bồi đắp thêm chất “tình tứ”.