Thơ những ngày giãn cách
Những ngày này, hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước vẫn đang căng mình để chống lại đại dịch COVID-19. Đại dịch đã gây ra bao khó khăn cho mỗi gia đình, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia; nhưng cũng đồng thời lại là một thử thách để chúng ta biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn. Tuyển tập 'Mùa nhớ - Thơ những ngày giãn cách' gồm 44 bài thơ của 33 tác giả, do NXB Văn học vừa ấn hành cuối năm qua chính là tiếng nói trong mùa dịch bằng ngôn ngữ của thi ca.
1.Mùa dịch trước hết không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý của con người. Không ít người rơi vào trạng thái sốc hoặc nhẹ hơn thì cũng cảm thấy rất buồn chán bởi bị hạn chế đi lại, hạn chế làm việc, hạn chế gặp gỡ.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh đã nói hộ nhiều người cảm giác bâng khuâng, man mác trước cái vắng lặng đìu hiu trong những ngày dịch giã: "Tôi đã sống trong phố phường lạ lắm/Những con đường quạnh quẽ mưa rơi/ Đến lá úa cũng rụng vào im lặng/ Mặt hồ buồn như mắt bạn tôi/ Chợ rất vắng, quán hàng xa nhau lắm/ Thế giới mênh mang khép chặt tim người/ Những biên giới như hàng rào cửa đóng/ Tháng tư này - tôi nhớ - tháng tư ơi" (Tháng Tư).
Bên trong bệnh viện dã chiến ở Hòa Vang.
Dường như phải trải qua một vài biến cố, con người mới càng yêu hơn những ngày thường đang sống, yêu những vẻ đẹp bình dị mỗi ngày đã từng ở rất gần mà ta không hề để ý. Những ngày giãn cách của tháng 4/2020 không chỉ đi vào lịch sử mà còn đi vào thi ca, để mỗi chúng ta càng thêm quý giá từng phút giây trôi qua. Và điều quan trọng nữa là, mỗi người cần biết quý hơn những khoảng tĩnh lặng, biết hy vọng và đợi chờ, tin tưởng như những câu thơ cuối cùng trong bài thơ của Nguyễn Tiến Thanh: "Nếu tất cả đã không còn nguyên vẹn/ Tháng tư này không giống giấc mơ xưa/ Sao không thể hát lên lời cầu nguyện/ Hết mưa phùn, rồi sẽ lại…tháng tư".
Trong mùa dịch, những lứa đôi dường như cũng có một trạng thái yêu đương đặc biệt hơn. Họ không thể dễ dàng gặp nhau, kề sát bên nhau như những ngày thường bởi quy định cách ly chung của toàn xã hội.
Một tứ thơ độc đáo của nhà báo Trần Nhật Minh đã được ra đời qua bài thơ mang tên "Thơ tình mùa dịch": "Gắng gỏi dìu nhau qua mùa Covid/ Anh hôn em qua chiếc khẩu trang dày/ Nghe tình dậy trong mùi cồn, hương sả/ Ta cách ly trả nợ kiếp lưu đày/ Rồi mỗi sáng nghe đài và đọc báo/ Nắng ban mai tắt lịm giữa tin buồn/ Mắt em ướt thẫn thờ lau vạt áo/ Mặt anh nhàu thuở ấy đã vùi chôn/ Rồi chiều đến nghẹn ngào nhìn phố vắng/ Tết dài như một tiếng thở rất dài/ Em lúi húi cơm - canh - cà - không cá/ Anh trầm mình facebook sóng còm like/ Rồi đêm xuống vẫn đêm nghèo như thế/ Chuyện cũ đem ra phát lại giống trên đài/ Anh chế vội vài câu thơ mùa dịch/ Em soạn cặp lồng thức đợi nắng ban mai/ Rồi em ạ sẽ qua mùa dịch giã/ Ta xé khẩu trang làm lại cái hôn dài".
Mượn cái khẩu trang là dấu hiệu điển hình của mùa dịch, tác giả bài thơ đã dẫn dắt cảm xúc người đọc đi từ chỗ mệt mỏi, buồn chán, ức chế cho đến niềm tin tưởng mãnh liệt được vút lên qua những câu thơ cuối cùng. Nếu như chiếc khẩu trang xuất hiện mở đầu bài thơ là sự cách ngăn của tình yêu thì chiếc khẩu trang xuất hiện ở cuối bài thơ là một sự phá tung những bó buộc. Mùa dịch khiến mỗi đôi lứa biết đợi chờ hơn, tin yêu nhau hơn và những mối tình qua mùa dịch sẽ càng nồng cháy tha thiết hơn.
Một giọng thơ nữ khác là Bình Nguyên Trang lại có cách bày tỏ cảm xúc riêng. Bài thơ tình của chị khá dài với nhiều dự cảm, âu lo, e sợ. Nhưng vượt lên tất cả những nỗi sợ hãi đó, nữ sĩ muốn nói với chúng ta, tình yêu đôi lứa là điều không bao giờ thiếu được, chính nó là động lực làm tăng thêm sức mạnh và niềm tin cho mỗi con người: "Em tìm anh băng qua những cột đèn đường/ Băng qua bóng tối/ Em muốn ôm anh dưới bầu trời này/ Trong cơn mưa phục sinh tẩy trần hoang phế/ Cho giấc mơ ngày xưa quay về/ Cho mặt đất ta đi còn đó Thiên đường/ Những đứa trẻ lớn lên không phải trong bốn bức tường đóng kín/ Cho mùa xuân hoa lá phủ đầy/ Gương mặt cuộc đời xanh trong êm ái/ Em đã cầu xin đêm nay/ Cho tình yêu còn lại/ Như liều thuốc băng bó vết thương hồi sinh nhân loại/ Cho chúng ta, dù còn sống một ngày…" (Xin tình yêu còn lại).
2.Các nhà thơ không chỉ nói đến những cảm xúc riêng tư qua những bài thơ trong mùa dịch giã mà còn cho ta thấy những cảm xúc về trách nhiệm công dân, về tình yêu Tổ quốc trong những ngày tháng khó khăn này.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã viết những câu thơ đầy xúc động, như lời hiệu triệu muôn trái tim, đồng lòng chung sức với cả cộng đồng, mỗi người đều góp phần nhỏ bé của bản thân mình: "Lắng lòng lại cùng Tổ quốc yêu dấu/ Khi kẻ thù đang lẩn khuất nơi nơi/ Con virus hình hài như gai máu/ Chực bắn vào ta những giọt đạn giết người…/Ôi những tháng ngày ta hiểu thêm Tổ quốc/ Từ mỗi ánh nhìn, tiếng hát Việt Nam/ Và đừng quên mỗi đồng tiền gom góp được/ Cuộc chiến này vẫn thế trận nhân dân/ Cả ta nữa yêu ta thời sống chậm/ Chung âu lo của muôn triệu con người/ Không gian hẹp vẫn nghe đời chuyển động/ Trái tim hòa nhịp đập, Tổ quốc ơi" (Lắng lòng lại cùng Tổ quốc yêu dấu).
Hòa chung với cảm hứng của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, tác giả Tạ Minh Châu đã viết những câu thơ với âm hưởng hào hùng, tin tưởng mang âm hưởng của một bản trường ca: "Đất nước tôi trong những ngày chống dịch/ Lại bất khuất gian lao như đánh giặc thuở nào/ Cuộc đấu trí từng giây không chậm trễ/ Sai một nước cờ là chết chóc, lao đao/ Những chiến sĩ ngành y giờ ở tuyến đầu/ Không ngại hiểm nguy từng đêm thức trắng/ Thương lắm những vợ chồng nhìn nhau qua cửa kính/ Con thơ gửi lại người nhà/ Những anh bộ đội Cụ Hồ đâu quản ngại phong ba/ Rừng núi xuyên đêm canh dọc dài đất nước/ Chăm từng suất ăn, lo từng chai nước/ Cho vạn người trong bao khu cách ly/ Những cụ già run rẩy bước đi/ Chia sẻ gạo rau, từng xu tiết kiệm/ Những ATM lạ kỳ, những suất quà từ thiện/ Bao yêu thương lòng lại ấm lòng" (Đất nước tôi những ngày chống dịch).
Quả thực, không thể quên vai trò của những bác sĩ, y tá, những người phục vụ trong ngành y. Họ chính là những chiến binh thầm lặng suốt ngày đêm phục vụ cộng đồng, hy sinh, xếp lại những hạnh phúc cá nhân của mình. "Nếu một ngày mẹ phải bị cách ly" là bài thơ tự bạch của một người mẹ đơn thân là bác sĩ bệnh viện Bạch Mai.
Bài thơ đã chạm thẳng vào trái tim người đọc bởi cảm xúc chân thành, tha thiết: "Nếu một ngày mẹ phải bị cách ly/ Mẹ chỉ thương con trai một mình không ai chăm sóc/ Căn nhà nhỏ một mình con nheo nhóc/ Chờ mẹ về mà chẳng thấy mẹ đâu/ Mẹ cách ly con trai sẽ ở đâu?/ Ai sẽ đón con ai chăm con sớm tối/ Rồi miệng đời lại kỳ thị như vực tối/ Đừng đến gần bởi mẹ nó "cách ly''/ Bài hôm nay mẹ không dạy con cộng trừ nhân chia/ Mà mẹ dạy con cách duy trì sự sống/ Cách nấu cơm, luộc thịt, luộc trứng/ Cách sinh tồn đơn giản nhất khi không có mẹ ở bên".
Tác giả Dương Văn Lượng lại có một góc nhìn khác trong sự tôn vinh những người bác sĩ. Đã làm bác sĩ thì trách nhiệm cứu người luôn đặt lên hàng đầu, mọi bệnh nhân đều cần được đối xử bình đẳng, không phân biệt vị thế xã hội hay quốc gia sắc tộc: "Sáng nay người ta đưa đến phòng cấp cứu/ Những người dương tính Corona/ Một, hai, ba…tôi không nhớ nữa/ Người ta hỏi quốc tịch/ Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam hay châu Âu?/ Tôi không kịp trả lời/ Chỉ biết con virus/Không biên giới/ Không chủng tộc/ Không màu da/ Lặng lẽ giết mọi người/ Tôi là bác sĩ/ Và họ là bệnh nhân của tôi" (Một lời tâm sự).
3.Trong tập "Mùa nhớ - Thơ những ngày giãn cách" còn có nhiều bài thơ dành cho thiếu nhi, trong đó nổi bật nhất phải kể đến bài thơ "Em yêu tổ quốc" của Nguyễn Mai Long. Bài thơ là một trong những tác phẩm đã được Ban tổ chức cuộc thi "Nét chữ từ trái tim" (Hội Đoàn đội Trung ương) lựa chọn để tổ chức cuộc thi viết chữ đẹp cho các em học sinh trên cả nước trong những ngày chống dịch.
Bài thơ với giọng điệu trong sáng, hồn nhiên, dễ thương đã được nhiều bạn học sinh lựa chọn để hưởng ứng cuộc thi: "Em không đi đâu cả/ Chỉ chăm ngoan ở nhà/ Em vâng lời mẹ cha/ Chống giặc Corona/ Em yêu màu áo trắng/ Yêu bác sĩ tuyến đầu/ Em yêu chú bộ đội/ Làm nhiệm vụ đêm thâu/ Em yêu chú công an/ Đang ngày đêm sẵn sàng/ Em thêm yêu Tổ quốc/ Yêu đất nước Việt Nam/ Rồi mai đây hết dịch/ Em sẽ lại đến trường/ Gặp thày cô bè bạn/ Trong muôn vàn yêu thương".
Thế mới biết, trong những ngày tháng khó khăn của mùa dịch, từ trẻ em tới những người lớn đều tỏ rõ trách nhiệm, ý thức của mình, góp phần chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Những bài thơ trong ấn phẩm "Mùa nhớ" một lần nữa khiến chúng ta biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn và thắp lên một niềm tin vượt qua mùa dịch.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tho-nhung-ngay-gian-cach-i625198/