'Thợ săn' bom hàng, quỵt tiền online ở Trung Quốc

Những kẻ lợi dụng chính sách đổi trả, hoàn tiền trên các sàn TMĐT là vấn nạn ở quốc gia tỷ dân. Dịch vụ hỗ trợ người bán, đòi quyền lợi trở thành một hoạt động kinh doanh.

 Các nền tảng TMĐT Trung Quốc đều hỗ trợ hoàn tiền - không cần trả hàng. Ảnh: Ckgsb.

Các nền tảng TMĐT Trung Quốc đều hỗ trợ hoàn tiền - không cần trả hàng. Ảnh: Ckgsb.

Các sàn TMĐT Trung Quốc cạnh tranh bằng chính sách hỗ trợ dài, hoàn tiền không cần trả hàng với sản phẩm lỗi, khác mô tả. Tuy nhiên, công cụ bị kẻ gian lợi dụng, chiếm đoạt tài sản của người bán và có xu hướng mở rộng.

Trước tình hình này, nhiều dịch vụ tìm kiếm kẻ trục lợi chính sách, chiếm đoạt hàng hóa xuất hiện. Họ yêu cầu một khoản phí để giúp người bán đòi lại tiền.

Đòi nợ thuê trên sàn TMĐT

“Xin chào, bạn nhận được lệnh triệu tập của tòa chưa. Tôi là luật sư của người bán quạt điện bị bạn đăng ký hoàn tiền”, video trên Douyin mở đầu bằng nội dung của cuộc điện thoại. Gần đây, những nội dung như vậy xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội nội địa Trung Quốc.

China Business News cho biết có hơn 70 tài khoản giới thiệu bản thân là, dịch vụ “bảo vệ quyền lợi thanh toán” với các vụ tranh chấp hoàn tiền trên sàn TMĐT. Hoạt động được cung cấp bởi văn phòng luật, nhóm thương mại điện tử và các cá nhân. Người bán có thể thu lại phần tiền thiệt hại hoặc hàng hóa đã gửi đi.

Video quảng cáo dịch vụ "bảo vệ quyền lợi" người bán trên sàn TMĐT Trung Quốc. Ảnh: Douyin.

Video quảng cáo dịch vụ "bảo vệ quyền lợi" người bán trên sàn TMĐT Trung Quốc. Ảnh: Douyin.

“Giúp bạn trả thù những người mua hàng vô đạo đức”, một bên cung cấp dịch vụ tự quảng cáo.

Trên Taobao, có gian hàng quảng cáo khả năng đòi tiền và khởi kiện những trường hợp như trên. Dịch vụ này đạt hơn 5.000 lượt mua trong thời gian ngắn.

“Bạn có thể kiện mà không cần cung cấp giấy tờ tùy thân, khoản phí trả trước là 200 tệ cho mỗi trường hợp. Nếu thành công, luật sư sẽ lấy một nửa số tiền thu được, không mất gì thêm nếu vụ kiện thất bại”, một văn phòng luật quảng cáo trên Douyin.

China Business News cho rằng dịch vụ này đã trở thành một ngành kinh doanh tại Trung Quốc. Đa số người mua tỏ ra “cứng đầu” lúc được liên hệ. Tuy nhiên, họ nhanh chóng xin lỗi và trả lại số tiền chiếm đoạt khi biết đã bị khởi kiện.

Dạng “kịch bản” video như vậy rất thu hút trên mạng xã hội, tạo cảm giác thỏa mãn trong nhóm người bán hàng. Tuy nhiên, khả năng đòi tiền thực tế của các dịch vụ vẫn chưa được kiểm chứng. Chỉ một số vụ kiện có xác nhận thành công khi ra tòa, buộc khách hàng lợi dụng chính sách phải trả lại tiền.

Xung đột giữa sàn, khách mua và người bán

Hoàn tiền không cần trả hàng là chính sách thuộc nhóm dịch vụ hậu mãi trên sàn TMĐT, giúp người mua tiết kiệm thời gian. Nó chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định, thông thường là khi chi phí vận chuyển trở lại cho người bán cao hơn giá trị sản phẩm.

Theo dữ liệu từ nhà chức trách, có hơn 740 vụ kiện tranh chấp liên quan đến chính sách hoàn tiền dạng này tại Trung Quốc.

Ở quốc gia tỷ dân, JD.com là nền tảng đầu tiên áp dụng quy định này hồi 2014. Đến 2017, Amazon cũng công bố dịch vụ tương tự. Đến 2023, hầu hết sàn TMĐT nội địa đều cung cấp chính sách này. Trả lời China Business News, người bán Trung Quốc cho biết “hoàn tiền - không cần trả hàng” bị biến tướng khi khách mua dễ dàng lợi dụng.

 Hoàn tiền - không cần trả hàng trở thành tiêu chuẩn của ngành TMĐT Trung Quốc. Ảnh: CNwest.

Hoàn tiền - không cần trả hàng trở thành tiêu chuẩn của ngành TMĐT Trung Quốc. Ảnh: CNwest.

Đa số thương nhân phản ứng mạnh mẽ với quy định này. Họ sẵn sàng chi trả phí vận chuyển hoàn lại tốn kém chứ không chấp nhận việc sàn TMĐT để cho khách mua giữ lại hàng mà không tốn tiền.

Ở phía ngược lại, khảo sát của China Business Network cho thấy người dùng cảm thấy lo lắng nhất về bảo hành sau bán hàng trên sàn TMĐT với 26% đồng tình trong cuộc khảo sát. Những vấn đề được nhắc đến như chất lượng kém, hàng không giống mô tả…

Các nền tảng lý giải rằng bằng chính sách “hoàn tiền - không cần trả hàng” sẽ làm tăng chi phí vận hành của những người bán kém, đẩy nhanh việc thanh lọc shop chất lượng thấp. Sàn TMĐT cũng đứng về phía khách hàng, khi đa số người tham gia khảo sát cho rằng các “chợ mạng” tốt phải cho hoàn tiền nhanh chóng khi không vừa ý.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/tho-san-bom-hang-quyt-tien-online-o-trung-quoc-post1503449.html