Thợ sửa túi hiệu Hong Kong: 'Chẳng có gì tôi không làm được'

Với kinh nghiệm hơn 40 năm, Denny Ng khẳng định một số chiếc túi hàng hiệu không được làm bằng loại da tốt ngay từ đầu.

Lên tầng cao nhất của một tòa nhà văn phòng sang trọng ở quận Tsim Sha Tsui của Hong Kong (Trung Quốc), phóng viên SCMP bắt gặp Denny Ng và hai nhân viên làm việc trong không gian rộng chưa đầy 37 m2. Nơi này chứa đầy túi xách, dụng cụ, tấm da, sơn và tủ đựng dây buộc, khóa kéo, nhẫn hay móc cài.

Tại đây, những chiếc túi xách sang trọng được sửa lại gần như mới. Ngoài Chanel và Louis Vuitton, Denny Ng còn nhận chăm sóc cả túi Hermès, Goyard.

 Chiếc ví da hiệu Chanel trước và sau khi được Dennis Ng sửa chữa. @dennysshop.

Chiếc ví da hiệu Chanel trước và sau khi được Dennis Ng sửa chữa. @dennysshop.

"Không có chiếc túi hiệu nào thực sự tốt"

Người đàn ông 58 tuổi mang biệt danh "bác sĩ túi" chia sẻ: "Tôi sửa bất cứ thứ gì cũng có một mức giá riêng. Thời gian hoàn thiện do tôi quyết định. Có rất nhiều cửa hàng sửa chữa ở Hong Kong đang tìm cách kiếm tiền nhanh. Do đó, họ chỉ sơn lại chiếc túi cho có".

Những người không ưng ý cách sửa ở nơi khác tìm đến sự trợ giúp của ông. Denny Ng cũng không ngại phải làm lại công việc dở dang từ người khác. Ông cho rằng mình không bao giờ chịu thua cuộc trước bất kỳ chiếc túi nào.

Trong chuyến thăm của SCMP, vài người đã đến cửa hàng, họ cầm trên tay những chiếc túi dường như không thể chữa được nữa. Một người phụ nữ mang theo túi Chanel nhỏ có phần dây bị bung ra. Người khác cầm trên tay chiếc ví Chanel rách. Sau khi Ng ước tính giá sửa, người này đã sẵn sàng trả bằng tiền mặt hơn 200 USD.

Quý cô khác cầm túi Chlóe màu đen, có những mảng màu đã sờn. Ông cho biết thiết kế sẽ không chỉ được làm sạch, nó còn phải trải qua quá trình sơn lại. Ng ra giá khoảng 450 USD.

Rách, mòn, sờn da là những lỗi Ng thường gặp phải. Ảnh: @dennyshop.

Rách, mòn, sờn da là những lỗi Ng thường gặp phải. Ảnh: @dennyshop.

Với sự thấu hiểu của người làm nghề lâu năm, ông tiết lộ: "Những người này chắc chắn đã đi khảo giá khắp nơi để xem chỗ nào làm với giá rẻ nhất. Khi có trải nghiệm tồi tệ trước đó, họ lại muốn sửa túi một cách đáng tiền hơn".

Khi được hỏi về mẫu túi nào đảm bảo chất lượng nhất hiện nay, ông thẳng thắn: "Không có chiếc nào cả".

Chỉ vào chiếc túi Chanel bằng da đã bị nứt, Ng giải thích loại da được sử dụng ban đầu để làm món phụ kiện này không tốt.

"Bán được túi là thành công của trợ lý cửa hàng. Tuy nhiên, khi có điều gì xảy ra với túi, họ sẽ nói với khách hàng rằng đó là không chăm sóc nó đúng cách. Nhưng đôi khi, chất liệu làm túi cũng không tốt", Denny Ng nói thêm.

Hoàn cảnh sinh ra nghề

Ng bắt đầu làm túi xách từ năm 1976. Khi đó, ông mới 13 tuổi.

Vào những năm 1970, nền kinh tế ở quê hương ông không ổn định. Nếu không được giáo dục tốt, bạn phải lao động chân tay, trở thành thợ kim hoàn, đầu bếp, thợ may.

 Denny Ng đã học nghề làm túi từ 45 năm trước. Ảnh: Xiaomei Chen.

Denny Ng đã học nghề làm túi từ 45 năm trước. Ảnh: Xiaomei Chen.

Ông kể: "Gia đình tôi lúc đó khá nghèo, giống như nhiều nhà khác. Hầu hết bậc cha mẹ đều yêu cầu con cái họ học nghề. Vì có một người anh trai làm túi xách sang trọng, tôi đã tham gia học việc”.

Ông đã học nghề dưới sự điều hành của một thợ thủ công đồ da bậc thầy người Thượng Hải. Khi đó, vợ của các quan chức đến cửa hàng, lướt qua các tạp chí thời trang phương Tây và chọn ra những đôi giày hay túi xách họ thích. Ng có nhiệm vụ là tạo ra chúng.

Khoảng 20 năm trước, Ng bắt đầu tập trung vào việc sửa chữa túi xách. Ông không nhận đơn đặt hàng cho đến khi cảm thấy đủ tự tin để làm. Với mức báo giá của Ng, nhiều khách hàng sửng sốt, số khác lại vui vẻ trả tiền, hài lòng với thành quả.

"Chúng tôi kiếm tiền bằng cách dành thời gian và sức lực cho công việc. Nếu biết được điều này, khách hàng sẽ không nghĩ rằng chúng tôi đang tính quá nhiều tiền", chuyên gia sửa túi bộc bạch.

Ông cho biết túi xách đôi khi không được làm tốt ngay từ đầu nên việc túi bị hỏng sớm không phải do lỗi của khách hàng. Túi xách cũng có độ hao mòn tự nhiên do được sử dụng thường xuyên.

"Không có gì là mãi mãi", Ng nói. Ông khuyên mọi người nên bảo quản túi bằng cách lau sạch chúng sau mỗi lần sử dụng hay dính bẩn. Nếu bị mòn, hãy sử dụng chất đánh bóng da để kéo dài tuổi thọ của túi.

Người đàn ông 58 tuổi còn cho biết bản thân có cảm giác đạt được thành tựu khi biến một chiếc túi trở nên đẹp hơn thay vì chỉ nghĩ đến tiền. Tháng trước, ông đã bắt tay sửa mẫu túi cá sâu thuộc về người mẹ quá cố của một vị khách nữ.

"Chúng tôi đã mất nhiều thời gian sửa chữa chiếc túi xách đó. Khi trao lại chiếc túi xách, tôi nghĩ rằng cô ấy hài lòng với công việc của chúng tôi", Ng kể với thái độ tự hào.

 Chiếc túi da cá sấu đã được sửa bởi Denny Ng. Ảnh: @dennysshop.

Chiếc túi da cá sấu đã được sửa bởi Denny Ng. Ảnh: @dennysshop.

Đối với những khách hàng thân thiết, Ng sẽ đáp ứng yêu cầu ngay nhưng với điều kiện thời gian làm có thể mất đến cả năm. Họ không bận tâm về điều đó.

"Tôi không thể tự hào rằng mình có kỹ năng xuất sắc. Tuy nhiên, tôi có thể hứa mình sẽ đặt nhiều tâm huyết và nỗ lực hơn vào công việc. Nếu có thể dành 5 giờ, 10 giờ hoặc thậm chí 100 giờ cho một công việc, không có gì tôi không thể sửa chữa. Có rất ít người sẵn sàng cam kết như vậy", Denny Ng tuyên bố.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tho-sua-tui-hieu-hong-kong-chang-co-gi-toi-khong-lam-duoc-post1208440.html