Thợ vẽ

Nhìn bông tre tua tủa không mang một hình hài bố cục rõ nét, Hai Thông thấy mình còn rối hơn bông tre.

Bụi tre sau nhà tự nhiên trổ bông. Gọi là tự nhiên vì không ai biết được khi nào hoa nở, không theo mùa hay bất kỳ một quy luật nào. Nhìn bông tre tua tủa không mang một hình hài bố cục rõ nét, Hai Thông thấy mình còn rối hơn bông tre. Mấy năm nay ông bệnh Parkinson, tay run rẩy, đành phải bỏ nghề.

Gió lùa qua khóm tre. Thân tre oằn theo hướng gió phát ra những âm thanh ken két, lá tre run rẩy, bông tre lắc lư tựa chiếc phong linh khổng lồ gõ những thanh âm réo rắt. Một đời tre, một đời người. Mà cũng không phải. Khi ông lớn lên, tre đã phủ xanh khắp vườn nhà, khắp xóm làng này. Giờ ông đã đi gần đến ngưỡng mênh mông, tre vẫn còn rời rợi xanh.

Những lũy tre như những bức tường thành màu xanh kiên cố: tre gai, tre tàu, tre mạnh tông… ken dày. Trông xa xa cứ ngỡ chúng giống nhau vì cùng loài. Kỳ thật chúng cũng như con người, càng gần gũi ông càng hiểu được chúng, mỗi cây có đặc tính khác nhau từ màu sắc thân, lá.

Tre tàu hay còn gọi tre mỡ là cây tre mang màu xanh trúc, lá to bản, tre mạnh tông có màu xanh mốc trắng ở phần gốc, càng lên cao những đốt có màu xanh xám của tầm vông chi chít những lông tơ mà vô ý chạm vào lớp lông này sẽ dính vào tay gây xót.

Tre gai màu xanh sậm chi chít gai nhọn hoắt. Những ngày thơ bé của ông đã gắn với tre, ông nhớ những tháng ngày lượm củi tre về nhà cho mẹ nấu cơm, “củi tre dễ cháy mau tàn/ Có thương chớ để muộn màng măng cao”. Nhớ những ngày len trong những bụi tre hái tre cho bà chằm lá gói bánh ú, “nhắn người chằm lá tre xanh/ Có yêu giấu bánh để dành cho anh…

Cả xóm làng sống nhờ vào cây tre.

Nghề của ông cũng bắt đầu từ những thân tre.

*

- Ông tìm ai?

Người áo đen nhìn bức tranh trên mành sáo, những họa tiết đã bị thời gian xâm thực. Khách nhẩn nha nhìn nhìn ngắm ngắm như tìm lại một điều gì rất đỗi thân quen, không vội trả lời câu hỏi của Hai Thông. Ngoài kia trời đúng ngọ nắng chang chang, mành sáo rủ ngăn ánh nắng hắt vào nhà.

- Tôi muốn tìm Hai Thông- họa sĩ

- Tôi là Hai Thông nhưng tôi không là họa sĩ.

- Vậy những bức tranh trên mành sáo kia ai vẽ?

- Tôi vẽ. Nhưng tôi chỉ là thợ vẽ. Ông là ai? Tìm người vẽ bức mành sáo để làm gì?

- Ông không nhận ra tôi sao? Mấy mươi năm rồi, ông gặp tôi từ hồi mới bắt đầu làm quen với cọ.

Hai Thông nhíu mày- ông không thích lối nói chuyện lấp lửng của người khách kia.

- Hình như ông hơi mệt. Hôm nào tôi lại ghé nói chuyện nhiều hơn.

Hai Thông quay ra sau lấy gậy trúc để tiễn khách ra sân, khi quay lại người áo đen không còn ở đó. Hai Thông băn khoăn người khách đó là ai mà biết mình lâu như vậy. Ông ngờ ngợ đã có gặp người kia ở đâu... Cơn buồn ngủ tới làm Hai Thông chìm dần trong giấc ngủ.

*

- Thằng Thông ốm yếu quá, không chẻ tre nổi đâu - Bác Hai chủ xưởng làm mành sáo nhìn Thông từ đầu tới chân rồi nói. Cho nó qua vẽ mành sáo đi, vẽ màn trúc nữa.

Vậy là Hai Thông bắt đầu cầm cọ. Giờ nghĩ lại ông thấy nghề chọn mình một cách ngẫu nhiên mà gắn bó suốt cả cuộc đời. Ông đến với nghề vẽ trước tiên là để kiếm ăn. Nhà quá nghèo, anh em đông không thể nào tiếp tục học hành.

Ông tự nguyện dừng việc học để tìm việc làm. Ông nhớ như in những nét vẽ đầu tiên của ông là giặm lại những chỗ màu bị phai của bức tranh mà người vẽ chính còn bỏ sót. Đó đôi khi là những vệt mây trắng trên khoảng xanh bao la, một cánh chim chiều xa tít nơi đường chân trời, một chút vàng nhuộm trên đồng lúa chín.

- Chú Hai! - Giọng chị Ba họa sĩ vọng lại từ phía nhà trên. Thông dừng cọ lắng nghe.

- Hôm nay cuối tháng rồi, mai tôi qua cơ sở của anh Ba cuối xóm. Ngoài tiền lương thanh toán cho tôi thì cơ sở anh không được chép những mẫu tranh của tôi nữa. Tôi đã giao kèo với anh Ba rồi.

Thông lắng nghe tiếng bác Hai nài nỉ nhưng chị Ba đã quyết dứt tình rồi.

- Thằng Thông đâu. Mày nhắm coi vẽ được không?

Thông ngồi trước mành sáo. Mới hôm qua vẽ dễ dàng như thở. Tay vung lên một nền trời trong xanh bao la, chấm phá một vài nét trắng là cánh cò chao liệng. Vẫy tay xuống lúa vàng trĩu bông, đó đây những thôn nữ áo bà ba gặt lúa. Hôm qua vẽ dễ vì lặp lại những bức tranh cũ. Hôm nay phải là sản phẩm của riêng mình. Thông không trách chị Ba vì những bức tranh mành sáo là do chị nghĩ ra.

Thông nhíu mày suy nghĩ. Cọ trên tay phẩy trên nền sáo. Một cánh đồng sau mùa gặt hiện ra, sếu đầu đỏ vài con chao liệng trên nền trời, vài con đang sà xuống mặt ruộng mổ những con cá nhỏ. Sống động và thật như những lần Thông cùng em trốn ra đồng nấp để coi sếu đầu đỏ di trú từ phương xa về khi nơi đó đang vào mùa giá rét.

Không như chim sẻ mãi quấn quýt trước hiên nhà, chẳng thể đi đâu xa. Sếu đầu đỏ là cánh chim trời lang bạt. Thông nhớ mãi những ngày chờ mãi loài sếu càng bặt tăm.

Chờ mãi, chờ mãi những cánh chim càng mịt mù, đến khi chiều buông, ráng hồng pha phía chân trời như má hồng thiếu nữ cho đến đêm buông màn ngủ đành thất thểu ra về. Có những ngày lang thang trên cánh đồng còn trơ lại gốc rạ, có những nơi đã đốt đồng chỉ còn vương vãi tro đen đang chờ cày ải cho mùa lúa mới.

Thông gọi đó là lúc cánh đồng nằm nghỉ sau một mùa lúa như con trâu đi cày những buổi trưa cũng được nằm vũng thỏa thích. Chiều đó, khi Thông mòn mỏi sau bao nhiêu ngày trông ngóng, đàn sếu bay về. Từ xa xa, những đôi cánh sếu dang rộng rợp một góc trời, những con sếu di cư luôn theo đoàn. Sếu cốt cách thanh tao, cổ cao thon thả, phần đầu duyên dáng nhuộm màu đỏ.

Cái màu đỏ là dấu hiệu đặc trưng của giống loài. Nếu không có màu đỏ đó, sếu cũng như những cánh cò khẳng khiu quanh năm quẩn quanh đồng ruộng. Thông lặng đi trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp như thể Thông đã dùng bộ nhớ chụp ảnh khung hình đó. Ký ức đó rơi vào miền quên. Ngay lúc này đây ký ức được làm đầy và tràn ra cọ.

Những bức mành sáo Thông vẽ ban đầu không được ưa chuộng bởi lẽ khách hàng đã quen với những bức họa cũ. Trong họ đã mặc định sẵn tranh trên sáo phải là cánh đồng lúa mùa gặt, là trời xanh, mây trắng...

Thông vẽ tiếp chiếc xuồng tam bản vào trong rạch nhỏ, lộc vừng giăng giăng pháo đỏ, dưới sông hoa lả tả như xác pháo trôi... Thông vẽ bờ sông hai bên dành dành trẩy hội hoa tháng năm. Những bông hoa trắng ngà sáu cánh mơ màng chờ mùa kết quả... dòng sông mải miết trôi. Vừa vẽ mà Thông mơ màng như đang chèo xuồng trên sông ngạt ngào mùa hoa nở.

*

Hai Thông vào nhà, loay hoay tìm kiếm một thứ gì đó. Tay run run ông mở ngăn kéo, cọ vẫn còn nguyên…

- Ba tìm cọ làm gì? Tay ba run lắm!

- Ba vẽ hoa tre.

- Hoa tre hả ba - Thằng con nhìn theo hướng tay ba nó chỉ. Những bông tre tua rua màu vàng pha xanh buông thõng như bím tóc rủ. Những hoa đã tàn lộ những trái tròn xoe như hạt châu màu xanh.

Tay ông run bắn. Chiếc cọ rơi xuống đất lấm lem.

Ông buông tiếng thở dài.

Cũng đành chấp nhận. Một đời tre, bao lứa măng, bao mùa lá xào xạc, bao thân tre làm nên những vật dụng, vật trang trí cho cuộc sống. Bông tre ngoài kia chỉ nở hoa một lần trong đời. Khi những bông tre rủ xuống như sợi màn trúc, tua tủa hoa như sợi cước trên mão của nghệ sĩ hát bội đó là thông điệp cáo chung một đời tre. Khi lứa hoa tàn, tre cũng dần lụi. Ông cảm thấy sợ. Sợ gì. Cái chết ư? Không. Ai rồi cũng đến bến ngàn thu.

*

Làng nghề chỉ còn mươi thợ.

Rời rã như vãn phiên chợ chiều, tan tác cả một làng nghề...

Bây giờ đang vào trào lưu mành sáo nhựa, khách hàng ưa chuộng vì được làm từ chất liệu nhẹ và bền. Vì là những sản phẩm công nghiệp đại trà nên cứ na ná nhau không có sự khác biệt, không có hồn riêng của từng chiếc mành tre...

Những chiếc mành sáo tre của mỗi cơ sở đều mang theo nét đặc trưng của nơi làm ra. Người thợ của làng nghề đã đặt hết tâm huyết vào từng mành sáo. Những chiếc nan chuốt đều giăng giăng như được ướm thử.

Từng chiếc nan qua bàn tay trau chuốt của những người thợ lành nghề để không quá dày nặng, mành sáo sẽ thô cứng, không quá mong manh sẽ làm mất đi công năng chính là che nắng, che mưa. Những chiếc mành sáo còn là nơi chuyên chở bức tranh nghệ thuật vẽ bằng nét cọ của người thợ vẽ chuyên nghiệp nên ít nhiều chứa đựng tâm tư của người vẽ.

*

Chú Năm thông báo xưởng đóng cửa, gương mặt làm như không có gì buồn. Hai Thông biết thật ra chú đã trải qua nhiều đắn đo cân nhắc khi quyết định dừng làm mành sáo. Cái nghề này gắn bó cùng làng qua nhiều đời. Chắc tổ nghề không bao giờ hình dung rồi có lúc nghề cũng đi đến hồi kết thúc. Chú nhìn Hai Thông, đôi mắt ráo hoảnh như đanh lại.

- Chú già rồi. Không thể níu kéo thêm ngày nào hết con ơi. Dừng lại đúng lúc để còn trân quý cái nghề của mình. Nếu cứ bất chấp để duy trì thì sau này có khi mình nghĩ vì nghề mà mình phải cơ cực. Nghề nào rồi cũng có lúc rơi vào thoái trào mà con. Con còn trẻ, lại có tài vẽ, chú nghĩ con không vẽ tranh trên mành sáo thì cũng vẫn còn nhiều nơi khác để con có thể thể hiện khả năng mình.

Hai Thông như hổng chân, không biết dựa vào đâu.

Những mành sáo còn tồn đọng trong kho, Thông nói chú Năm không phải trả lương tháng mà cho Thông đem về nhà.

*

- Mành sáo đây! Mành sáo đây!

Thông chở mành sáo trên chiếc xe đạp trành chạy sâu vào những con hẻm nhỏ, gập ghềnh, những con đường hẹp có đoạn chỉ xe đạp mới có thể len sâu vào tận bên trong. Thông mang theo một niềm hy vọng vẫn còn có người ủng hộ mành sáo tre.

Nhưng ngày qua ngày, Thông thấy niềm hy vọng của mình không có cơ sở, khác nào một người trông trăng vành vạnh đêm giao thừa. Đi đến đâu cũng ngỡ ngàng khi mành sáo nhựa đã len lỏi đến tận hang cùng ngõ hẹp.

*

Nắng rọi. Đứa con trai của Hai Thông buông mành sáo. Bức tranh sếu đầu đỏ trên cánh đồng chiều hiện ra. Bức mành này sau nhiều ngày không bán được, Hai Thông đem về treo. Hai Thông nhớ vợ cằn nhằn vì không nhận lương mà lấy mành sáo đem về trong khi nhà đang có nhiều thứ cần xoay xở.

- Xin đừng gọi tôi là họa sĩ!

Hai Thông trả lời người đàn ông đội nón lá đang đứng ngoài ngạch cửa. Người đó là ai. Thời bây giờ ai còn vận áo the, nón lá như vậy.

- Ông là ai? Sao biết tôi? Tôi không là họa sĩ. Tôi sống bằng nghề vẽ, nghề vẽ cho tôi cơm ăn, áo mặc, con tôi được học hành. Tôi chỉ là thợ vẽ. Tận đáy lòng tôi chỉ mong có công việc để được sống lương thiện. Tôi không có khát khao được là họa sĩ bởi tôi biết chắc rằng có ai vẽ tranh trên sáo mà thành họa sĩ.

Giọng người đàn ông kia ồm ồm:

- Tôi đã xem bức tranh ông vẽ đàn sếu di trú về phương Nam một chiều nắng ấm. Tôi đã có lần đến đền thánh xem bức tranh Tam thánh ký hòa ước sống động, những bức tranh nhị thập tứ hiếu…

Tôi thích hồn bức vẽ...

*

Hai Thông vung cọ, tay run, cọ run bần bật.

Cố làm gì. Duyên nghề đã tận. Như hoa tre đang phất phơ ngoài kia. Một bông hoa lạ nhưng chắc chẳng ai trông đợi bởi sau vẻ đẹp lạ đó là những tàn phai. Không chỉ hoa tàn. Hoa nào nở rồi chẳng tàn. Nhưng hoa tre nở là cả rặng tre sẽ lụi... Một án tử được báo trước.

*

- Con ơi!

- Dạ! Ba cần gì vậy ba.

- Con vẽ bức tranh hoa tre đi!

Thằng con trai ngần ngừ. Anh nghĩ chỉ vẽ khi có cảm xúc thôi. Cảm xúc nó ở đâu không có ở xóm làng này. Khi Vũ lớn lên, tre, trúc, tầm vông đã không còn phủ xanh khắp làng như hồi bé. Vũ có nỗi sợ hãi đối với tre, tầm vông.

Vũ nhớ những ngày sáng trưa chiều nhìn vào chén cơm chỉ có măng. Hết măng tre, đến măng tầm vông. Măng xào, măng nấu canh, măng ngâm chua, măng kho nước cốt dừa. Đó là đận cha thất nghiệp... Không phải chỉ nhà Vũ, mà cả làng khi đó ai cũng lao đao.

- Ba ơi! Con sẽ vẽ. Nhưng không phải bây giờ. Con cần có thời gian...

*

- Ông họa sĩ!

Hai Thông nghe giọng quen quen. Là người đàn ông hôm trước

- Ông cần gì? Tôi đã bảo không phải là họa sĩ - Giọng Hai Thông hơi gay gắt.

- Ông quá khiêm tốn...

- Tôi chỉ là người vẽ tranh, rồi chép tranh... Tôi chưa bao giờ vẽ những gì cho riêng mình ông ạ. Từ những cấp bách của cuộc sống mà tôi đã phác nên nét cọ của mình.

Vũ chạy lên ngơ ngác hỏi: - Ba vừa trò chuyện với ai vậy?

Mắt Hai Thông đờ đẫn mải miết nhìn về phía bông tre như tìm ai đó.

*

Hai Thông khao khát vẽ bức tranh hoa tre, lần đầu tiên ông muốn vẽ bức tranh cho chính mình không vì áp lực mưu sinh, vẽ cho thỏa niềm mong mỏi. Ông nghĩ mãi nếu nhìn từ góc tối có lẽ hoa tre là biểu tượng của sự lụi tàn, như nếu nhìn ở góc sáng có lẽ hoa sẽ là biểu tượng của sự tận hiến, phát tiết trong đời chỉ một lần rồi thôi.

- Vũ ơi! Mua cho ba một ít màu và giấy.

- Tay ba run lắm làm sao ba vẽ được.

- Con cứ mua.

*

Hai Thông ngồi miên man nghĩ, người già rồi khúc nhớ khúc quên. Ông nghĩ sao thằng con ngần ngừ không vẽ tranh hoa tre. Ông suy nghĩ lung lắm. Thôi, ông lẩm cẩm rồi. Thằng nhỏ học trường mỹ thuật, ra trường đi vẽ khắp nơi, nó chỉ vẽ những gì nó cảm.

Không như ông vẽ những gì người ta đặt dù ông đã cố làm cho tốt nhất, sáng tạo nhất có thể. Ông nghĩ giá mình trẻ lại bằng tuổi thằng Vũ bây giờ liệu ông có dám theo đuổi vẽ như vậy không, hay cũng vì mưu sinh tất bật mà cuốn theo.

Ông nhớ sau khi làng nghề tan rã, ông ra ngoài thị trấn treo bảng vẽ quảng cáo, vẽ biển hiệu. Thật ra, ông có thể làm nhiều thứ khác để mưu sinh nhưng ông muốn được vẽ và càng vui hơn nếu vẽ có thể nuôi sống ông và gia đình.

*

Thằng con chở Hai Thông đi một vòng chu vi đền thánh.

- Chạy chầm chậm thôi con - Hai Thông đập đập vào vai con.

- Chi vậy ba? - Vũ hỏi lại.

- Đó, con thấy không? Những bức tranh trên tường. Ba đã vẽ ròng rã hàng tháng trời.

Thằng con lơ đãng. Người già thường có cảm giác cô đơn, muốn được tâm sự. Nhưng có lẽ nó giống như ông hồi trẻ luôn có cảm giác người già là cũ kỹ. Thằng con đang theo một trường phái khác, những bức vẽ đường nét lạ lẫm, không phải như ông theo lối vẽ thật. Hai người dù cùng theo nghiệp vẽ nhưng hai lối đi khác nhau, hai thế hệ khác nhau là hai góc đối đỉnh dẫu có cùng một điểm chung nhưng nhìn về hai hướng khác biệt.

- Dừng lại! - Thằng con thắng gấp.

- Chi vậy ba?

- Ba muốn ghé vào đền thánh.

Hai Thông hối hả bước vào như thể vồn vã gặp lại người quen lâu ngày xa cách. Vũ chạy theo ba bén gót.

Những bước chân gấp gáp như lao trên những bậc tam cấp đá mài. Hai Thông như muốn chạm vào bức tranh tường: Tam thánh ký hòa ước. Trong bức tranh đó Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện ra cung kính tay cầm bút chạm vào nghiên mực thảo lên bức trướng có bốn chữ “Thiên hạ thái bình”, Victor Hugo tay cầm chiếc lông ngỗng và Tôn Trung Sơn tay cầm nghiên mực đóng vai người làm trung gian.

Ba người kiệt xuất thuộc ba thời đại khác nhau đến từ những miền đất có nền văn hóa khác nhau nhưng cùng điểm chung là mong mỏi cho một thế giới hòa bình. Bên lối đi trên các bao lam những bức tranh gương nhị thập tứ hiếu, Mạnh Tông khóc măng, Lục Tích giấu quýt dâng mẹ, cho muỗi hút máu… là những câu chuyện về tấm lòng hiếu thảo của những người con dành cho đấng sinh thành.

*

Xưởng làm mành đây rồi. Từ dạo bệnh tật ông không còn lui tới nữa. Chái nhà nơi ông vẽ mành sáo tan tác. Có khi lần này ông về cũng là lần cuối, chẳng biết bao giờ mới quay lại…

Khi ông thắp nén nhang lên bàn thờ tổ, chợt ngỡ ngàng…

*

Người đàn ông áo the ông nhớ rất quen mà dù cố lục tìm trong tiềm thức giống hệt tổ nghề vẽ mành sáo, cũng áo the đen. Lẽ nào, tổ nghề cũng thương và trân trọng ông về những sáng tạo và tâm huyết dành cho nghề mà gọi ông là họa sĩ. Hay đó là chính ông sau mấy mươi năm làm nghề vẫn còn băn khoăn chưa tin vào chính mình rằng những bức tranh ông vẽ đều là cho tài năng và sự đam mê sáng tạo của mình…

*

Tre đã lụi tàn. Những cơn mưa dầm không làm tre xanh lên được. Phải chấp nhận thôi. Ông chống gậy ra ngoài bờ tre. Lấm tấm những chồi xanh đang vươn lên dưới cội tre tàn. Ông ngồi xuống. Mừng rỡ reo lên như đứa trẻ: tre con. Những hạt tre rơi xuống gặp mưa đã nảy mầm. Lớp tre già ngã xuống đã có lớp tre con mọc lên. Ông thôi vẽ đã có con ông tiếp nối cha vẽ tranh dẫu theo trường phái khác.

Người đàn ông áo đen lại đến. Lần này đứng xa xa. Ông nghe trong lời gió và tre xào xạc có tiếng văng vẳng: “Chào ông họa sĩ, tôi đi đây. Hẹn ngày gặp lại!”.

T.Q.T

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tho-ve-a164318.html