Thơ Việt thế… thì giải chỉ thế thôi?
Dư luận cuộn sóng ào ào trên mạng xã hội. Nhiều người làm thơ 'chế' theo cách hành văn của bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm'. Với nhiều bạn đọc, họ không ngần ngại chê và lên án Ban Tổ chức (BTC) chấm giải. BTC có ý kiến thế nào? Những nhà thơ, nhà phê bình văn học nghệ thuật sẽ đánh giá ra sao? Khi phóng viên đặt vấn đề phỏng vấn, một số thành viên Ban Giám khảo (BGK) đều từ chối. Và tất nhiên nhiều nhà thơ viết trên mạng xã hội thì có vẻ 'hăng' thế nhưng khi được đề nghị trả lời phỏng vấn cũng lại từ chối. Làng văn nghệ vốn vậy. Khen nhau 'bốc lên tý' còn được chứ chê công khai thì ngại lắm.
Tòng Văn Hân
Mẹ tôi chửi kẻ trộm
Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
-Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
-Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé !
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ...
BGK cuộc thi thơ gồm các nhà văn, nhà thơ: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Mậu. Theo BTC: Cuộc thi thơ được phát động từ 2019, BTC nhận tác phẩm dự thi đến 15/6/2020. Tính đến thời điểm này, BTC nhận được hơn 7.500 bài thơ dự thi của hơn 1.000 tác giả. BTC quyết định kéo dài thời hạn đến ngày 31/12/2020.
Khi tổng kết cuộc thi, BTC đánh giá: “Đến thời điểm kết thúc, cuộc thi đã có hàng vạn tác phẩm của 3.541 tác giả trên khắp mọi miền đất nước và hải ngoại gửi bài tham dự. Mặt bằng cuộc thi, từ những biểu hiện của số lượng và chất lượng, đã thể hiện được sự vững chãi, bề thế. Về lực lượng, cuộc thi đã thu hút được nhiều thế hệ cầm bút tham dự.
Về nội dung, các tác phẩm đã phản ánh được nhiều góc độ đa chiều trong cuộc sống. Về nghệ thuật, với phương châm khuyến khích mọi sự tìm tòi và cách tân trong hình thức biểu đạt, cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ đã xuất hiện nhiều giọng thơ có cá tính; nhiều tác giả mới mẻ mà sáng tác của họ phần nào thể hiện sự tìm tòi tích cực, có trí tuệ, có khao khát. Đó là những dấu hiệu đáng mừng của một cuộc thi”.
Hội đồng giải nhận xét về bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” giành giải B như sau: “Tình cảm, chân thành, tiến bộ, phản ánh cái đa dạng, đa thanh của đời sống hiện đại; bắt được nhịp của đời sống; đó là sự lo âu đối với vấn đề đạo đức; như bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân, có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng qua đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được. Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý. Nguồn gốc của bài thơ bắt đầu là sự đói kém, nhưng nhân văn, cao thượng vô cùng. Gốc của nó không phải đánh kẻ trộm, hay hình sự hóa vấn đề, mà là phải xóa tận gốc đói nghèo. Phải trả cho đời sống sự lương thiện… Tứ thơ và tư duy đó dễ gây thiện cảm cho người đọc...”.
Đánh giá của BTC thì hay như vậy, nhưng khi đọc tác phẩm được giải, rất nhiều người “sốc”. Giải B mà như thế này ư? Bài thơ tiêu biểu trong hàng vạn bài thơ dự thi đây ư?
Tất nhiên, vì không ai đọc hết hàng vạn bài thơ dự thi để so sánh, đánh giá, từ đó đưa ra những nhận xét về Hội đồng chấm giải. Thế nên, câu chuyện vẫn chỉ dừng ở sự bàn tán và “chế thơ”.
TS Đỗ Anh Vũ: Chỉ xứng đáng giải Khuyến khích
Theo quan điểm của tôi bài thơ được trao giải B (không có giải A) là không được thỏa đáng. Bài thơ này chỉ xứng đáng trao giải Khuyến khích. Và nếu có một giải thưởng thơ ca trao cho các cây bút là đồng bào dân tộc thiểu số thì phù hợp hơn. Bởi với công chúng thì tác phẩm giành giải thưởng thơ toàn quốc phải thuyết phục ở cả nội dung và hình thức. Thực sự thì bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” không có gì quá xuất sắc hoặc nổi bật.
Còn về việc chấm giải, theo tôi là do quan điểm của Hội đồng Giám khảo. Nhưng nếu so sánh với tác phẩm đồng giải B của tác giả Nguyễn Văn Song đã có sự khác biệt. Bài thơ giành giải của tác giả Nguyễn Văn Song ở thể thơ lục bát và có nội dung mượt mà, hiền hậu, sâu lắng, tình cảm. Còn ở bài thơ của tác giả Tòng Văn Hân lại có gì đó không ổn lắm.
Ở đây, theo tôi nghĩ Hội đồng Giám khảo trao giải cho bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” được nhìn ở tiêu chí mới mẻ, đã lâu không bắt gặp một giọng điệu như thế. Những giọng điệu này trước đó chúng ta đã bắt gặp ở “Nói với con” của Y Phương, “Em tắm”, “Nhớ vợ” của Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi…
Tuy nhiên, ở bài thơ này thì sự chất phác, thật thà của một tác giả dân tộc thiểu số chưa thực sự được đẩy lên cao và thuyết phục được người đọc ở một tứ thơ sâu sắc hay một hình thức nghệ thuật trau chuốt. Nếu so với các bài thơ “đỉnh cao” của nhà thơ dân tộc thiểu số thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Nhà phê bình văn học Hoài Nam: Việc đánh giá của dư luận là hơi nông nổi
Điều đầu tiên tôi cho rằng độc giả đang hết sức nông nổi trong việc phán xét. Muốn phán xét chính xác thì phải đọc được 90% các phẩm tham gia cuộc thi. Giải B này xứng đáng với cái gì? Tất nhiên là không thể so sánh với thi phẩm như “Truyện Kiều” mà cần được so sánh với các tác phẩm trong cùng một cuộc thi. Do đó, theo tôi việc khen và chê ở đây là rất ít căn cứ. Nhưng nếu xét về thẩm mỹ ngôn từ thì bài thơ có nội dung hơi thật thà, thô pháp quá. Tuy nhiên, sự trêu chọc của dư luận trong những ngày qua là hơi ác, nhất là những người nhân đây còn phóng phiếm ra một số bài thơ khác.
Còn việc trao giải, ở đây chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, đây là giải thưởng của báo Văn Nghệ chứ không phải của Hội Nhà văn Việt Nam (dù báo Văn Nghệ là cơ quan ngôn luận của Hội). Nhưng không thể phủ nhận đây là giải thưởng lâu năm và được định vị “thương hiệu” bằng những thi phẩm tốt. Với những ồn ào xung quanh việc trao giải thưởng vừa qua theo tôi sẽ gây ra một chút “xao động” trong dư luận của làng văn chương, chứ không có gì đến mức độ thảm họa. Nguyên nhân phản ứng ở đây chính là việc phân bố theo mật độ dân cư. Người đọc chủ yếu là đọc tiếng Việt nên ít nhiều người ta quen với cách nói theo kiểu thơ của những người Việt. Cho nên, với bài thơ có lối tư duy có phần bộc trực, hồn nhiên của tác giả người dân tộc nên nhiều độc giả thấy “lạ lẫm”. Nhưng ở đây có một vấn đề là trước đó có rất nhiều nhà thơ dân tộc viết theo kiểu này và viết rất hay. Còn với bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” này thì không được hay lắm và trao giải thưởng gần như là cao nhất (giải B - không có giải A) đã tạo nên sự bất ngờ.
Một vấn đề khúc mắc nữa ở đây, khi biện minh cho việc trao giải thì những người ở BGK lại không khéo lắm trong việc đưa ra ý là “dân tộc thiểu số viết thế là tốt rồi”. Ở đây, tôi muốn nói đến tiêu chí xét giải thưởng trên văn bản thì bài thơ đó có đem lại cảm xúc thẩm mỹ gì đáng giá hay không? Có đóng góp gì cho mặt ngôn ngữ thơ ca hay không? Ở đây là giải thưởng văn chương cần căn cứ theo chất lượng tác phẩm chứ không thể căn cứ theo yếu tố vùng miền.
Nhà thơ Lê Anh Hoài: Giải thưởng cho thấy cách thẩm định của Ban Giám khảo
Quan điểm riêng tôi, đây là bài thơ có giọng thơ lạ, sử dụng chất liệu, âm hưởng văn học dân gian dân tộc Thái. Hình như đây cũng là lần đầu tiên, một tác giả người dân tộc thiểu số với lối thơ khá đặc trưng của dân tộc mình, đoạt giải cao của cuộc thi thơ báo Văn Nghệ. Cho nên sự “lạ” ấy càng gây thêm chú ý.
Cái “lạ” của giọng thơ này mới chỉ dừng lại ở việc khai thác, tiếp biến kho tàng văn hóa dân gian. Chưa phải là cái “lạ” của sự sáng tạo với tâm thức, tư tưởng mới; với tư duy thơ, thủ pháp hình thức và ngôn ngữ mới. Ý tứ của bài thơ có phần gượng ép (đây đâu phải là “chửi”, đây là sự mong cầu thì đúng hơn. Nếu muốn chơi chữ thì cũng nên chơi khéo hơn). Bên cạnh đó, đã có một số người chỉ ra sự na ná giống nhau về ý tưởng của bài thơ này với bài thơ đã có từ trước của tác giả khác! Có thể cách nghĩ này mang tính phổ quát có hơi hướng đạo Phật, đạo Thiên Chúa và trong nhiều tôn giáo lớn. Có thể cách nghĩ này đã có trong tâm thức của người dân tộc Thái. Vì lý do đó, nên tôi nghĩ một số người cho là “đạo văn” thì là quá. Nhưng như thế thì tính chất phát hiện, mới mẻ đã mất đi rồi.
Giải B cho bài thơ này, cũng như bất cứ giải thơ văn nào khác, không bao giờ cho thấy cái gọi là “thực trạng về chất lượng của nền thơ ca hiện nay” được. Đơn giản, nó chỉ cho thấy cách thẩm định của BTC và BGK mà thôi. Với số lượng hàng vạn bài thơ dự thi như thế, liệu có việc “nhìn mặt bắt hình dong”, chỉ chú ý đến những tác giả tên tuổi hay thân quen? Báo Văn Nghệ vốn có uy tín, sức thu hút; Nhưng con số này e rằng vẫn chưa phản ánh được đầy đủ các phong cách, xu hướng thi ca trong lực lượng viết bằng tiếng Việt (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài). Bởi khi biết xu hướng tờ báo, đặc biệt là khi biết thành phần tổ chức, giám khảo, chắc chắn sẽ có những tác giả không tham gia. Đó là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai, với cái “gu” của phía thẩm định, người ta phải đặt câu hỏi rằng: Liệu các phong cách, khuynh hướng cách tân, đương đại, hậu hiện đại… có lọt mắt xanh của BGK, nhất là Ban Sơ khảo? Nên lưu ý một điều là Ban Chung khảo cơ bản cũng chỉ đọc những tác giả, tác phẩm được Ban Sơ khảo đưa lên mà thôi. Theo đánh giá của BTC và chính nhà thơ Hữu Thỉnh- nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng BTC cuộc thi cho rằng: “Cuộc thi đi đúng hướng! Không có những đổi mới cực đoan, quá khích”. Ở đây có những từ khóa có thể gây ra tranh luận: Như thế nào là “đúng hướng”?; Đổi mới như thế nào thì không “cực đoan, quá khích”?
Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền: Bài thơ ấy bình thường hơn nhiều bài
Nếu bạn hỏi tôi, thơ ấy có “hay” không? Câu trả lời của tôi là thế này: Với bạn đọc là tôi, thơ ấy… bình thường hơn nhiều bài thơ tôi vẫn đọc hằng ngày trên mạng xã hội, trên báo, trong những tập thơ mà anh em, bạn bè yêu mến gửi tặng.
Tôi không được đọc hàng vạn bài thơ dự thi. Nếu phải chọn từ những gì đọc được, tôi vẫn chọn một tác giả người dân tộc ấy cho một giải B, với hai bài còn lại, bỏ hẳn “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”. (Đọc báo, tôi được biết một thành viên Chung khảo là nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nêu ý kiến chỉ nên trao giải C trở xuống cho cuộc thi thơ này). A thì không rồi, nhiều cuộc không rồi. Nay chỉ C cao nhất thì buồn quá. Mà văn thơ, tôi nghĩ, là việc của nhiều chục năm, của hàng trăm năm… Một cuộc thi như thế, công sức của anh em trong BTC biết bao mà kể, trách nhiệm đương nhiên vạ đá của những nhà thơ Giám khảo... Bình tĩnh nhớ lại: Thơ được giải trong suốt cả trăm năm nay ở nước ta rồi cũng gió cuốn mây bay, còn lại được bao nhiêu? Tôi chọn một B ấy. Vì sao? Vì, với bạn đọc là tôi đây, chùm 2 bài còn lại ấy có chút chân chất, mộc mạc - chân chất, mộc mạc ngay cả trong sự vụng về chọn chữ, dàn câu, dựng bài. Xung quanh B ấy, là những BCD khác, bạn đọc là tôi được thấy thêm rất nhiều nỗ lực lao động thơ đáng khâm phục. Nhưng, biết làm sao được, những thơ ấy giống nhau đến lạ kỳ - xơ xác cũ: Than nghèo, kể khổ, kêu thương… điêu luyện và cả chập chờn đường hành quân ma mị chữ. Những thơ ấy, có thể rất nhiều bạn đọc khác sẽ thích. Tôi không quan tâm thơ ấy. Tôi là một bạn đọc, tôi chỉ quan tâm cái tôi cần mà thơ có thể giúp. Tôi (chắc cũng có vài bạn như thế?) cần sự chân thực, thiện lành và đẹp đẽ - cái thiện lành và đẹp đẽ của sự chân thực. Tôi cần tỉnh ra và mạnh lên…
Giải thơ, thế là xong rồi. Các nhà thơ nên mừng vì bạn đọc còn rất quan tâm. Với tư cách là người viết, tôi thấy lắng nghe những ý kiến phê phán thơ và giải thơ rất có lợi. Anh em làm thơ hay khen nhau, có phê thường dữ dội. Chẳng sao đâu, tôi biết, gặp lại ôm hôn thắm thiết ấy mà.
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn: Cuộc thi cho thấy thơ Việt đang yếu như thế nào?
Từ việc trao giải tôi thấy phải nhìn vào một thực tế là tình hình chung của thơ Việt hiện nay đang yếu như thế nào. BGK đã rất công tâm trong việc này vì họ đã chọn ra được bài cao nhất trong cuộc thi mà họ tổ chức. Trong khi BTC đã kéo dài thời gian dự thi.
So với các tác phẩm khác thì chùm thơ của Tòng Văn Hân có những ưu điểm nổi trội. Giải B của tác giả Nguyễn Văn Song có thể vần điệu hơn nhưng lối hơi sáo mòn.
Không phải ở đây BGK không nhìn ra hạn chế của đợt dự thi lần này nhưng buộc họ phải tổng kết. Mình phải thấy họ đã chọn những bài hay nhất ở trong số những bài gửi về dự thi chứ không phải chọn cái tổng thể của cả nước. Nhiều người “chê” bài thơ của Tòng Văn Hân nhưng lại không so sánh với bài thơ dự thi khác để chứng minh. Ngôn từ của bài thơ về mặt diễn đạt cho thấy được dung dị chứ không có gì là khó hiểu. Việc lấy ân báo oán là tích cổ ngày xưa thì anh Hân nói lại cũng không phải là quá mới.
Điều đọng lại qua cuộc thi theo tôi là bạn đọc vẫn còn quan tâm đến thi ca, văn học, chứ không phải không còn ai đoái hoài như nhiều người vẫn nghĩ. Và cũng qua cuộc thi ta thấy nhiều nhà thơ lớn không tham gia cuộc thi này có thể do cách làm hoặc cách tổ chức khiến họ chưa vừa lòng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tho-viet-the-thi-giai-chi-the-thoi-559005.html