Thơ viết về Bình Dương trang trọng mà gần gũi
Mùa xuân, mùa của ý thơ, ý nhạc. Hình ảnh Bình Dương vào xuân xuất hiện trong những vần thơ của văn nghệ sĩ không chỉ tươi mới mà còn trang trọng, gần gũi. Những hình ảnh rực rỡ, đầy cảm xúc như một lời chào đón năm mới, đồng thời khắc họa sự đổi mới và niềm tự hào của mảnh đất này.
Những khoảnh khắc mùa xuân thật đẹp ở Bình Dương đã được các nghệ sĩ ghi lại bằng hình ảnh, thơ ca, âm nhạc, giúp mang đến cho nhiều người cái nhìn về một vùng đất năng động, nghĩa tình. Ảnh: HỒNG THUẬN
Chia sẻ về mùa xuân ở Bình Dương, tác giả Lê Thị Bạch Huệ viết: “Xuân về trên quê hương Bình Dương thắm tươi chan hòa hạnh phúc!”. Trong khi đó bài thơ “Khai bút âm nhạc và thơ”, tác giả Lệ Hồng đã vẽ lên bức tranh mùa xuân Bình Dương với những sắc màu tươi thắm, từ nắng vàng đến hoa mai, hoa lan, hay cúc, huệ, hồng. Tất cả như hòa quyện với không khí vui tươi, hân hoan của ngày đầu năm: “Tết về rực đỏ thắm hoa lay/ Tuyệt mỹ nàng xuân đẹp ngất ngây/ Óng ánh mây trời đan nắng ấm/ Tơ vàng lấp lánh dệt tình mai/ Lan, đào hé nở cười trong gió/ Cúc, huệ, hồng hương tỏa ngát bay/ Lá biếc thì thầm lời hát khẽ/ Đàn ai xao xuyến mộng hồn say”.
Những vần thơ của tác giả Nguyễn Minh Ngọc Hà trong “Tạ ơn xuân” lại mang một không khí tươi mới, vui tươi, đầy lạc quan. “Dường như xuân đến thật gần, Nhà thơm bánh mứt, ngoài sân mai vàng”.
Bình Dương vào xuân không chỉ nổi bật với những sắc hoa rực rỡ, mà còn là nơi có những con người giản dị, hiếu khách và đầy tình yêu thương. Vì vậy, thơ xuân Bình Dương còn là những nỗi niềm bâng khuâng, những tâm hồn yêu thương và trân quý mảnh đất này. Bài thơ “Người Bình Dương” của tác giả Nguyễn Văn Ân không chỉ là một lời mời gọi về một mảnh đất thân thương, mà còn là một sự ca ngợi, tri ân những con người Bình Dương, những người chân chất, thật thà, đầy tình cảm và lòng hiếu khách. Trong đó có những hình ảnh quen thuộc trong lễ hội rằm tháng Giêng: “Tình người, tình đất chứa chan/ Êm êm sóng nhạc mơn man nỗi lòng/ Vá xe... nào có tính công?/ Và muôn thức uống... mênh mông tâm hồn…”.
Với bài thơ “Chiều xuân biên giới”, nhà thơ Trần Thanh Hải mang đến một hình ảnh mùa xuân không chỉ ở Bình Dương mà còn ở những vùng đất xa xôi, biên giới. Bài thơ của ông là một cảm xúc sâu lắng về những ngày đầu xuân khi mà người chiến sĩ vững tay súng canh giữ bình yên, để mọi nhà, mọi người đều được hưởng niềm vui xuân, sự đoàn tụ hạnh phúc: “Xuân biên giới em ơi anh nhớ lắm!/ Nhớ sáng xuân chung bước dạo cùng em”. Mùa xuân ấy, như một lời nhắc nhở về những hy sinh, về sự bảo vệ và gìn giữ hòa bình của đất nước.
Trong ý thơ bài “Mùa xuân quê mẹ đã về” của tác giả Kim Loan cũng đã vẽ lên một bức tranh sinh động khi Bình Dương vào xuân. Mùa xuân về, không chỉ là sự thay đổi của thời tiết, mà còn là sự trỗi dậy của một vùng đất đã vượt qua bao gian khó để vươn mình. Bức tranh xuân Bình Dương qua thơ của Kim Loan là một bức tranh của một Bình Dương tươi đẹp, tự hào, đầy ắp tình yêu và lòng nhân ái.
Tết xưa, tết nay
Trong những ngày đầu năm mới, nhiều tác giả còn bày tỏ những ý thơ kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Những bài thơ như “Bình Dương mùa xuân” của Lê Luynh hay “Tết xưa - Tết nay” của Vân Đồn đã khắc họa hình ảnh một Bình Dương luôn giữ vững những giá trị truyền thống nhưng cũng không ngừng hòa nhập với nhịp sống hiện đại.
Lê Luynh đã vẽ nên một bức tranh xuân Bình Dương đậm đà bản sắc qua những hình ảnh quen thuộc như “Chùa Bà trẩy hội trên đường mùa xuân” hay “Thành phố Bình Dương gọi mời”. Thông qua bài “Tết xưa - Tết nay”, tác giả Vân Đồn đã nói được sự chuyển mình của xã hội, khi mà tết xưa giản dị, đầm ấm đã nhường chỗ cho một tết hiện đại, bận rộn hơn. Tuy vậy, tình yêu thương gia đình, sự đoàn tụ vẫn luôn là điểm tựa vững chắc, là giá trị không bao giờ thay đổi qua dòng chảy thời gian.
Không gian tết xưa được tái hiện ở Bảo tàng Bình Dương. Ảnh: HỒNG THUẬN