Thọ Xuân Đường 370 năm vì sức khỏe nhân dân
Trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, Nhà thuốc Thọ Xuân Đường với truyền thống 17 đời liên tục trị bệnh cứu người bằng phương pháp y học cổ truyền.
Thọ Xuân Đường có cội nguồn từ làng Thọ Am, Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội. Vùng đất này vốn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng và cũng chính Thọ Xuân Đường đã làm rạng danh vùng đất này bởi hiếm có dòng họ nào gìn giữ được liên tục nghề y truyền thống suốt gần 400 năm qua với 17 đời tiếp nối.
Theo sử ký gia tộc họ Phùng, người khởi xướng nghề thuốc của dòng họ là cụ Phùng Văn Dương - vị lương y tài đức nổi tiếng chốn kinh kỳ và được triều đình Nhà Hậu Lê tuyển vào làm thuốc tại Tế Sinh Đường - Thái Y Viện năm 1653. Con trai cụ Dương là Lương y Phùng Văn Đồng (1713 - 1783) làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà vua phong tới chức Tiến công Thứ Lang kiêm Ngự Y ở Thái Y Viện.
Nối nghiệp ông và cha mình, lương y Phùng Văn Côn (1743 – 1822) tiếp tục phục vụ quân y và giữ chức Phó Ngự Y Triều Đình. Đặc biệt, do tích cực tham gia chữa trị cứu thương trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm 1789 và có nhiều công lao to lớn, ông Phùng Văn Côn đã được vua Quang Trung phong tặng danh hiệu “Oanh liệt tướng quân”. Ông được ban thưởng một đôi đũa Kim Giao thử độc và một đồng tiền vàng “Nhất Phẩm Đương Triều”. Đôi đũa và đồng tiền vàng “Nhất Phẩm Đương Triều” đến nay đã trở thành báu vật dòng họ Phùng cùng truyền thống làm thuốc của Thọ Xuân Đường.
Kế tục truyền thống dòng họ, lương y Phùng Đức Đỗ - nguyên Chủ tịch Hội Đông Y huyện Thường Tín cũng được biết đến là người làm rạng danh gia tộc họ Phùng. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn miệt mài khám chữa bệnh, nghiên cứu y học để phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông được người bệnh quý mến, trân trọng không chỉ bởi y thuật mà còn là người thầy thuốc đầy trách nhiệm và lòng nhân ái với người bệnh. Với ông, chữa bệnh, cứu người luôn là những đam mê không có điểm dừng.
Con trai ông - hậu duệ đời thứ 16 – TS Lương y Phùng Tuấn Giang được biết đến là một lương y trẻ, nhiệt huyết với nghề, không ngừng tiếp thu kiến thức từ các bậc tiền bối để tìm ra những bài thuốc hay, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại như siêu âm, xét nghiệm và các thiết bị cận lâm sàng tiên tiến khác để tăng khả năng cứu chữa, giảm gánh nặng chi phí y tế cho người bệnh. Mỗi năm, lương y Phùng Tuấn Giang thăm khám và điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân trong và ngoài nước.
Trong đại dịch COVID-19, lương y Phùng Tuấn Giang cũng nhanh chóng phổ biến các phương pháp phòng và trị bệnh bằng y học cổ truyền đơn giản và hiệu quả đến người dân; 4.000 thang thuốc Thanh phế bài độc phù chính tăng miễn hệ dịch, ức chế virus, chống cảm cúm cho cộng đồng đã được phát miễn phí. Hàng nghìn lượt bệnh nhân đã được ômg điều trị trực tiếp hoặc thông qua Internet, nhờ đó giúp nhiều bệnh nhân bảo vệ được sức khỏe, tiết kiệm chi phí điều trị, góp phần giảm áp lực y tế cho hệ thống y tế nhà nước.
Để chủ động nguồn dược liệu, Thọ Xuân Đường đã xây dựng 3 vùng trồng dược liệu quy mô tại Hà Nội, Lào Cai và Tây Nguyên. Từ những loại thảo dược phổ biến đến các loại thuốc đặc hữu như sâm Ngọc Linh … đều được trồng, chăm sóc theo hướng thuận tự nhiên, kiểm soát nghiêm ngặt để thu được tối đa các loại hoạt chất quý và an toàn với sức khỏe người bệnh, không làm tổn hại đến môi trường sinh thái.
Xác định rằng, để phát triển Thọ Xuân Đường nói riêng và ngành y học cổ truyền của dân tộc nói chung, hoạt động nghiên cứu khoa học phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và phải tập hợp được các nhà khoa học cùng chung chí hướng, 2 viện nghiên cứu đã được thành lập. Đó là Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển Sâm Ngọc Linh Việt Nam với nhiệm vụ: Nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển công nghệ; nghiên cứu phát triển cây thuốc quý đặc hiệu và các vùng dược liệu tập trung ở Việt Nam; ứng dụng các giải pháp bào chế hiện đại nhằm nâng cao tăng sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của các bài thuốc cây thuốc Nam; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất các sản phẩm đặc hiệu từ Đông Nam dược. Từ hoạt động thực tiễn của các viện, nhiều sản phẩm y học cổ truyền đã được ra đời, được cấp phép lưu hành để phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào sự kết hợp giữa những bài thuốc cổ phương, những giá trị ông cha để lại, với những kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học tiên tiến.
Kế thừa truyền thống 400 năm chữa bệnh cứu người không ngừng nghỉ của gia tộc họ Phùng, trên con đường “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”, lấy y đức làm kim chỉ nam cho mọi hành động, thế hệ trẻ của Thọ Xuân Đường hôm nay đang nỗ lực học tập không ngừng để làm chủ các phương pháp chẩn trị y học cổ truyền, đồng thời, phát huy các tiến bộ của y học hiện đại kết hợp với y học dân tộc để xây dựng Thọ Xuân Đường không ngừng lớn mạnh.
Gần 4 thế kỉ qua, thật hiếm có một dòng họ nào giữ được nghề y liên tục qua 17 đời. Sự phát triển của Thọ Xuân Đường gắn liền với lịch sử y học cổ truyền của dân tộc. Không chỉ chú trọng phát triển nguồn nhân lực, bồi đắp y đức, phát huy lời dạy của bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu”, đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế tại Thọ Xuân Đường luôn coi người bệnh như chính người thân của mình. Tại đây, nhiều đối tượng bệnh nhân được ưu tiên miễn phí hoặc giảm chi phí điều trị như: Người già neo đơn, nhà tu hành, người nghèo hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, sinh viên nghèo vượt khó, trẻ em khuyết tật… Bằng cái tâm của người thầy thuốc, trách nhiệm xã hội của mình, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại Thọ Xuân Đường đã và đang viết tiếp những trang sử vẻ vang của nhà thuốc nhiều đời nhất Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung của nền y học dân tộc, mang lại những giá trị tốt đẹp trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời, bảo tồn, tôn vinh các tri thức bản địa của dân tộc Việt, mang lại sức khỏe cho toàn dân. Đây cũng chính là sứ mệnh cao quý mà Nhà thuốc nhiều đời nhất Việt Nam – Thọ Xuân Đường đã và đang tiếp tục thực hiện, để thuốc Nam Việt mãi mãi là niềm tự hào của người Nam Việt.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tho-xuan-duong-370-nam-vi-suc-khoe-nhan-dan-304316.html