Thọ Xuân nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Thọ Xuân đã tuyên truyền, hỗ trợ người dân triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Từ đó, người dân đã thay đổi tư duy, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhiều mô hình được nhân rộng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản xuất rau an toàn tại xã Thọ Hải.

Sản xuất rau an toàn tại xã Thọ Hải.

Ông Trịnh Tô Xuân, chủ trang trại nuôi gà lông màu quy mô hơn 5.000 con/lứa tại xã Trường Xuân, cho biết: “Với hình thức nuôi thả vườn, tôi đã cải tạo bãi chăn thả có độ dốc vừa phải để tránh đọng nước, trồng cây ăn quả để có bóng mát, thông thoáng, chia thành nhiều khu để chăn thả luân phiên khi đến lịch vệ sinh chuồng trại”.

Do tận dụng được thức ăn từ tự nhiên hoặc phụ phẩm nông nghiệp như ngô cám, rau xanh nên đàn gà của ông sinh trưởng phát triển tốt, khỏe mạnh, màu lông đẹp, ít xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đạt 97%, trọng lượng bình quân đạt 1,9kg/gà mái, 2,7kg/gà trống. Mỗi năm, doanh thu của trang trại đạt hàng trăm triệu đồng.

Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, Thọ Xuân đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò thịt, trồng rau an toàn, trồng các cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam V2, dưa Kim Hoàng Hậu... Bên cạnh đó là các mô hình tích tụ, tập trung đất đai trồng ngô ngọt, khoai tây, sen... cho hiệu quả kinh tế cao.

Xã Thọ Hải - địa phương được biết đến là “vựa rau” của huyện Thọ Xuân đã phát triển được nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Trên cánh đồng thôn Tân Thành, bà Đỗ Thị Hậu cho biết: “Gia đình tôi quanh năm trồng xen nhiều loại rau như rau cải, rau gia vị, bắp cải, su hào... Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải có nguồn đất sạch, không nhiễm các hóa chất độc hại đối với con người và môi trường; quy trình trồng rau khá khắt khe như chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều quy định ràng buộc nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Cùng sự sáng tạo, nhanh nhạy với thị trường, các hộ dân ở đây luôn trồng đan xen các loại rau để vừa tận dụng triệt để diện tích đất đai vừa có rau thu hoạch quanh năm. Rau sau khi thu hoạch được thương lái từ nhiều nơi đến thu mua, cung cấp cho thị trường trong huyện và các vùng lân cận. Theo tính toán của các hộ, 1ha rau có doanh thu bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/năm trở lên.

Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho người dân. Để phát triển các mô hình sản xuất bền vững, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, định hướng cho người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, chăn nuôi an toàn dịch bệnh... nhất là phát triển các mô hình gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, người dân cần tìm hiểu để xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, không nhân rộng ồ ạt; nghiên cứu, học tập các mô hình mới để áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tho-xuan-nhan-rong-cac-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-227314.htm