Thỏa thuận bình thường hóa Israel - Ả Rập Xê Út ngày một xa dần vì cuộc chiến ở Gaza

Thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và Ả Rập Xê Út nếu đạt được sẽ có tác động rất lớn với địa chính trị Trung Đông, cũng như cả với Mỹ và trên thế giới. Nhưng nỗ lực thúc đẩy của các bên vẫn cứ chấp chới giữa thành công và thất bại.

Triển vọng phụ thuộc vào Israel

Các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm thứ Ba cho biết một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út là trong tầm tay. Nhưng chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể từ chối thỏa thuận lịch sử thay vì chấp nhận yêu cầu của Riyadh về một cam kết mới đối với thành lập một nhà nước Palestine và chấm dứt chiến tranh ở Gaza.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đấu tranh cho sự sống còn chính trị của mình. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đấu tranh cho sự sống còn chính trị của mình. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Antony Blinken nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm thứ 22/5: “Ả Rập Xê Út đã nói rõ rằng [bình thường hóa] sẽ đòi hỏi sự bình tĩnh ở Gaza và nó sẽ đòi hỏi một con đường đáng tin cậy để hướng tới một nhà nước Palestine. Có thể vào thời điểm này Israel không thể hoặc không sẵn sàng đi theo con đường đó”.

Trong nhiều tháng, chính quyền trước đây của cựu Tổng thống Donald Trump đã hy vọng ông Netanyahu sẽ giành được giải thưởng lâu dài là bình thường hóa quan hệ với Riyadh như một phần của thỏa thuận sâu rộng nhằm ngăn chặn cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, cải thiện sự chia rẽ lâu dài trong khu vực.

Nhưng ông Netanyahu, dưới áp lực từ các thành viên cánh hữu trong liên minh cầm quyền của ông và đấu tranh cho sự sống còn chính trị của mình, vẫn chưa ký vào các yếu tố của thỏa thuận vốn là chìa khóa để đạt được thỏa thuận với Ả Rập Xê Út.

Dự báo nghiêm túc của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra sau chuyến thăm khu vực vào cuối tuần qua của ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, người đã hội đàm tại Riyadh với Thái tử Mohammed bin Salman trước khi tới Israel, nơi ông đã thông báo cho ông Netanyahu về kế hoạch chi tiết Trung Đông của Nhà Trắng.

Thủ tướng Netanyahu không ưu tiên thỏa thuận

Israel đang trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza, thành trì cuối cùng của Hamas mà ông Netanyahu và các quan chức Israel khác yêu cầu phải chiếm được, ngay cả khi điều đó có nghĩa là từ chối hoặc trì hoãn thỏa thuận với Ả Rập Xê Út.

“Israel sẽ đạt được các mục tiêu chiến tranh là tiêu diệt khả năng quân sự của Hamas, giải phóng con tin của chúng tôi và đảm bảo rằng Gaza không gây ra mối đe dọa cho Israel”, một quan chức cấp cao của Israel cho biết hôm thứ Ba trước khi Ngoại trưởng Blinken phát biểu. “Đạt được những mục tiêu đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hòa bình ở Trung Đông”.

 Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman đã gặp Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, vào cuối tuần qua. Ảnh: Reuters

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman đã gặp Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, vào cuối tuần qua. Ảnh: Reuters

Để khuyến khích Ả Rập Xê Út công nhận Israel, các quan chức Mỹ đã đề nghị Riyadh thiết lập mối quan hệ quốc phòng chính thức hơn với Washington, hỗ trợ mua năng lượng hạt nhân dân sự và thúc đẩy mới việc thành lập một nhà nước Palestine.

Sau cuộc hội đàm của cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, với Hoàng tử Mohammed tại thành phố Dammam phía đông Ả Rập Xê Út, vương quốc này cho biết họ đã thảo luận về “phiên bản bán kết của dự thảo thỏa thuận chiến lược” giữa Washington và Riyadh.

Một quan chức chính quyền cấp cao của các cuộc đàm phán bình thường hóa cho biết: “Không ai ở đây sẽ nói rằng điều này sắp xảy ra. Nó có khả năng tạo ra một kịch bản tàn cuộc ở Gaza khi bạn nhìn về phía trước”.

Thỏa thuận vẫn chấp chới

Việc đạt được bước ngoặt quan hệ hữu nghị giữa Ả Rập Xê Út và Israel có thể cải tổ nền chính trị Trung Đông, củng cố liên minh Israel-Ả Rập chống lại Iran và sẽ là một dấu ấn ngoại giao xuất sắc của Tổng thống Biden khi ông phải đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử đầy khó khăn.

Việc môi giới một thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất khu vực sẽ mở rộng Hiệp định Abraham mà cựu Tổng thống Donald Trump đã ký kết khi ông còn đương chức. Các hiệp định đã dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Morocco.

Nhưng việc thuyết phục ông Netanyahu chấp nhận nỗ lực mới xây dựng một nhà nước Palestine đã tỏ ra khó khăn sau các cuộc tấn công chết người của Hamas vào miền nam Israel hồi tháng 10, điều này đã làm gia tăng sự phản đối ý tưởng này của các thành viên cánh hữu trong chính phủ của ông và phần lớn công chúng Israel.

Benny Gantz, một thành viên nội các chiến tranh của Israel, đã chỉ trích gay gắt cách xử lý cuộc chiến ở Gaza của Netanyahu và đe dọa sẽ từ chức vào tháng 6 nếu Thủ tướng Israel không đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến tranh và có phương án giải quyết phù hợp đối với dải đất có hơn 2 triệu dân Palestine này.

Các quan chức chính quyền ông Biden cho biết, nếu Thủ tướng Netanyahu tiếp tục cứng rắn, Washington có thể công khai các chi tiết chưa được tiết lộ của gói ngoại giao để gây sức ép. Các quan chức Mỹ cũng nói rằng họ không có kế hoạch hoàn thành và thực hiện các thỏa thuận với Ả Rập Xê Út trừ khi Israel đồng ý với các điều khoản của thỏa thuận lớn hơn.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thoa-thuan-binh-thuong-hoa-israel--a-rap-xe-ut-ngay-mot-xa-dan-vi-cuoc-chien-o-gaza-post296435.html