Thỏa thuận chấm dứt xung đột Nagorno–Karabakh: Kẻ mừng, người lo
Thỏa thuận chấm dứt xung đột hoàn toàn tại Nagorno–Karabakh được Nga, Armenia và Azerbaijan ký kết, đã chính thức có hiệu lực từ 10/11. Tuy nhiên, người dân mỗi nước có những phản ứng trái chiều.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, đến nay, 400 binh sĩ, 20 máy bay và nhiều khí tài quân sự đã được đưa tới sân bay Erebuni tại Armenia – nơi có căn cứ quân sự Nga, trước khi được triển khai tới khu vực Nagorno–Karabakh. Theo thỏa thuận chấm dứt xung đột, Nga sẽ triển khai tổng cộng gần 2.000 binh sĩ, 90 xe bọc thép và 380 xe quân dụng các loại tại đây.
Phản ứng trước Thỏa thuận chấm dứt xung đột khu vực Nagorno–Karabakh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã gọi đây là “bước đi đúng đắn” hướng tới một giải pháp chính trị lâu dài. Đây cũng là kỳ vọng của Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với lãnh đạo Armenia và Azerbaijan.
Tuy nhiên, người dân Armenia đã xuống đường tuần hành phản đối, cho rằng Thủ tướng Nikol Pashinyan đã phản bội đất nước khi ký kết thỏa thuận “có phần cam chịu, nhượng bộ chủ quyền” trước Azerbaijan. Bởi theo như Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Armenia sẽ phải trao trả vùng Kalbajar vào ngày 15/11 tới và vùng Lachin vào ngày 1/12 tới cho Azerbaijan. Người dân Armenia đã xông vào các tòa nhà chính phủ, đập phá, la hét và kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức.
Bà Naira Zohrabyan - nghị sĩ quốc hội nước này bày tỏ tức giận: “Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ yêu cầu một cuộc gặp với Thủ tướng để nói với chúng tôi những gì thực sự đang diễn ra. Chúng tôi biết rằng, đất nước đã mất thị trấn Shusha vào ngày 7/11 vừa qua”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Armenia khẳng định, quyết định ký thỏa thuận là lựa chọn không hề mong muốn của bản thân ông, song đây là lựa chọn tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Ông khẳng định, quân đội đã đưa ra yêu cầu về việc ký kết.
Liên quan đến Thỏa thuận chấm dứt xung đột Nagorno–Karabakh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm để trao đổi về kế hoạch thành lập một trung tâm gìn giữ hòa bình chung, nhằm giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng xung đột. Tổng thống Erdogan cho biết, trung tâm gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ được đặt tại 1 địa điểm trong Nagorno–Karabakh mà phía Azerbaijan mới kiểm soát được.
Tuy nhiên, cả Bộ Ngoại giao và Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin), đều khẳng định, trung tâm giám sát Nga-Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Nagorno–Karabakh không liên quan đến nỗ lực gìn giữ hòa bình. Và rằng, không có thỏa thuận về việc triển khai binh sĩ gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ tại Nagorno–Karabakh. Một trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn chung sẽ được đặt tại Azerbaijan và bên ngoài Nagorno–Karabakh, là nội dung trong một thỏa thuận riêng rẽ khác./.