Thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc đối mặt với phản ứng dữ dội tại Nghị viện Châu Âu
Nghị viện Châu Âu cáo buộc Brussels đã phớt lờ những lo ngại liên quan đến Trung Quốc như điều kiện lao động, cuộc đàn áp ở Hồng Kông... Nhưng nhà đàm phán hàng đầu EU vẫn bảo vệ thỏa thuận và nói rằng khối 'cần sự tăng trưởng kinh tế tồn tại ở một quốc gia như Trung Quốc'.
Maria Martin-Prat, người dẫn đầu các cuộc đàm phán của EU với Trung Quốc, phủ nhận rằng thỏa thuận đầu tư đã được gấp rút thông qua. Ảnh: Handout
Ủy ban Châu Âu đã buộc phải bảo vệ thỏa thuận đầu tư của mình với Bắc Kinh trước những chỉ trích dữ dội tại Nghị viện châu Âu vào thứ 4 vừa qua, báo hiệu những thách thức mà họ phải đối mặt trong việc vượt qua giới hạn vào năm tới.
Trong một phiên họp sôi nổi của Ủy ban Thương mại Quốc tế, MEPs đã cáo buộc Brussels phớt lờ những lo ngại về điều kiện lao động của Trung Quốc, che đậy việc đàn áp của Bắc Kinh ở Hồng Kông và đưa ra những khiêu khích với chính quyền mới của Biden ở Mỹ.
Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) đã được ký kết vào ngày 30 tháng 12 nhưng nó cần phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và được Hội đồng EU - những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ của các quốc gia thành viên EU - thông qua trước khi có hiệu lực.
Ủy ban đã đảm bảo cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty Châu Âu tại Trung Quốc và cam kết từ Bắc Kinh để tiến tới việc thông qua các công ước quốc tế về lao động cưỡng bức.
Maria Martin-Prat, nhà đàm phán đầu tư hàng đầu của EU với quốc gia đông dân nhất thế giới, cho biết Châu Âu “cần sự tăng trưởng kinh tế tồn tại ở một quốc gia như Trung Quốc”.
Tuy nhiên, phát ngôn viên MEP người Đức Reinhard Bütikofer – đồng thời là người chủ trì phái đoàn của quốc hội về quan hệ với Trung Quốc lại đưa ra một ý kiến khác, ông nói rằng thỏa thuận này là một “món quà Giáng sinh dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình và EU hoàn toàn không được lợi gì nhiều”.
Ông nói thêm: “Điều đặc biệt đáng trách là các nhà lãnh đạo Châu Âu đã đứng về phía Trung Quốc trong quyết định gửi một tín hiệu đến chính quyền Mỹ mới. Khi một đồng nghiệp của tôi nói rằng đây là một hành động tái cân bằng từ quan điểm thương mại thì bản thân tôi lại cho rằng đây là một hành động mất cân bằng từ quan điểm địa chính trị. Và nó đã bị đẩy qua ranh giới giữa Berlin và Paris, trước sự phản đối của các quốc gia thành viên khác.”
Martin-Prat phủ nhận về việc thỏa thuận hợp tác giữa EU – Trung Quốc đã được gấp rút thông qua, và bà cho hay những nhận định nói rằng ủy ban Châu Âu đã chấp nhận nhượng bộ vào phút chót đối với các cam kết lao động quốc tế từ Trung Quốc là điều không có thật.
Martin-Prat cũng phẫn nộ trước gợi ý cho rằng Brussels nên đợi lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Biden diễn ra trước khi ký một thỏa thuận với Trung Quốc.
Bà Martin-Prat nói rằng: “Không có lý do gì để nghĩ rằng Liên minh Châu Âu cần phải xin phép bất kỳ đối tác thương mại nào, bất kể đối tác đó là ai hay quy mô ra sao, trước khi ký kết một thỏa thuận thương mại hoặc đầu tư. Tôi chưa thấy Úc, New Zealand hay Nhật Bản, Hàn Quốc xin phép bất kỳ ai trước khi ký kết hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.” Ngoài ra bà cho biết thêm rằng Mỹ đã không tham khảo ý kiến của Brussels trước khi đồng ý thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, do đó Brussels cũng không cầm tham khảo ý kiến của Mỹ khi ký thỏa thuận với Trung Quốc.
Hiệp định toàn diện về đầu tư EU – Trung Quốc hiện đang được xem xét về mặt pháp lý, với mục tiêu EU sẽ công bố phần còn lại của văn bản vào tuần đầu tiên của tháng 3 tới. Quá trình phê chuẩn dự kiến sẽ được thực hiện vào năm sau.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ 4, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Wentao cho biết cả hai bên đang “làm việc về việc xem xét văn bản, dịch thuật và nỗ lực thúc đẩy việc phê chuẩn sớm hiệp định”.
Ông tìm cách giảm nhẹ bất kỳ phản ứng dữ dội nào chống lại thỏa thuận ở Châu Âu và nói rằng: “Tôi xin nhấn mạnh lại rằng Trung Quốc và EU là đối tác chứ không phải đối thủ”, đồng thời nói thêm rằng đây là “một sự kiện lớn trong sự phát triển của quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU ”.
Nhưng thỏa thuận đã đến vào một thời điểm phức tạp đối với cả hai bên. Đúng một tuần sau khi ký kết hiệp định, Bắc Kinh đã báo hiệu một cuộc đàn áp mới đối với Hồng Kông với 53 vụ bắt giữ các nhà hoạt động và chính trị gia. Đáp lại, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết tung ra các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức Hồng Kông vào ngày 21/1.
Riêng đại diện của các quốc gia thành viên Châu Âu tại Hồng Kông cho biết vụ bắt giữ trên đã thể hiện một “cái tát của Trung Quốc vào mặt” EU, điều này diễn ra quá nhanh sau khi CAI được ký kết.
Một quan chức giấu tên cho biết. “Nếu có một cuộc bỏ phiếu ngay bây giờ, Nghị viện Châu Âu sẽ không thông qua, và Hội đồng Châu Âu cũng vậy. Thủ tướng của tôi chắc chắn cũng sẽ làm điều đó.”
Hiện EU đang phải đối mặt với những phản ứng rất gay gắt từ hội đồng Châu Âu về vấn đề này. Sự bất đồng quan điểm giữa các nhà chức tranh EU vẫn chưa đi đến hồi kết. Có lẽ EU sẽ phải đưa ra những bước đi thận trọng vào thời điểm nhạy cảm này để tái cân bằng mọi thứ.