Thỏa thuận lịch sử Ethiopia-khu vực ly khai Somaliland sẽ làm rung chuyển vùng Sừng châu Phi và Biển Đỏ?

Thỏa thuận sơ bộ giữa Ethiopia và khu vực ly khai Somaliland có thể tác động lớn đến vùng Sừng châu Phi và khu vực Biển Đỏ, gây nên những phản ứng trái chiều trong khu vực.

Hôm 1-1, chính phủ Ethiopia ký thỏa thuận sơ bộ với Somaliland – khu vực ly khai nằm ở phía tây bắc Somalia - cho phép Ethiopia triển khai hoạt động thương mại và quân sự tại khu vực cảng Berbera của Somaliland.

Cụ thể, lãnh đạo Somaliland – ông Muse Bihi Abdi cho biết ông và Thủ tướng Ethiopia – ông Abiy Ahmed đã ký kết thỏa thuận trên.

Theo thỏa thuận, Somaliland sẽ cho Hải quân Ethiopia thuê hơn 19 km đường biển trong 50 năm. Đổi lại, Ethiopia sẽ chính thức công nhận Somaliland là một quốc gia độc lập.

Ông Abdi cho rằng với động thái này, Ethiopia sẽ "là quốc gia đầu tiên công nhận chúng tôi”.

 Cảng Berbera tại khu vực ly khai Somaliland (tây bắc Somalia). Ảnh: AFP

Cảng Berbera tại khu vực ly khai Somaliland (tây bắc Somalia). Ảnh: AFP

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Abiy Ahmed – ông Redwan Hussien cho biết trong thỏa thuận, Somaliland sẽ có cổ phần trong hãng hàng không Ethiopian Airlines của Ethiopia. Tuy nhiên, ông Hussien không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vấn đề này.

Theo The New York Times, thỏa thuận trên giữa Ethiopia và Somaliland không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán sâu rộng trong những tháng tới, thỏa thuận này có thể trở thành hiệp ước có hiệu lực thi hành giữa hai bên.

Thỏa thuận ảnh hưởng đến khu vực ra sao?

Theo The New York Times, thỏa thuận giữa Ethiopia và Somaliland làm rung chuyển khu vực Sừng châu Phi – nơi vốn có nhiều bất ổn do tranh chấp chính trị và khủng hoảng nhân đạo lan rộng.

Các nhà quan sát cho rằng thỏa thuận này cũng có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đỏ.

Somalia phản ứng mạnh về thỏa thuận. Thủ tướng Somalia – ông Hamza Abdi Barre đã tổ chức cuộc họp nội các khẩn cấp trong hôm 2-1.

Chính phủ Somalia gọi thỏa thuận này là “vô hiệu” và yêu cầu Liên minh châu Phi, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập các cuộc họp về vấn đề này. Somalia cũng triệu hồi đại sứ của mình tại Ethiopia để tham vấn khẩn cấp.

Trong bài phát biểu trước quốc hội Somalia hôm 2-1, Tổng thống Somalia – ông Hassan Sheikh Mohamud khẳng định: “Đất nước Somalia thuộc về người Somalia. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của mình và không tha thứ cho việc giao lãnh thổ Somalia cho bên khác”.

 Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud (hàng trên, bên phải) và Thủ tướng Somalia Hamza Abdi Barre (hàng trên, bên trái) tại phiên họp quốc hội Somalia hôm 2-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud (hàng trên, bên phải) và Thủ tướng Somalia Hamza Abdi Barre (hàng trên, bên trái) tại phiên họp quốc hội Somalia hôm 2-1. Ảnh: REUTERS

Các nhà quan sát cho rằng các nước Eritrea và Ai Cập cũng sẽ lo ngại về việc Ethiopia có sự hiện diện hải quân lớn ở Biển Đỏ và Vịnh Aden.

Trong khi đó, nhiều năm qua, Djibouti cho Ethiopia sử dụng cảng và thu của Ethiopia khoảng 1,5 tỉ USD/năm. Do đó, thỏa thuận này cũng có thể khiến Djibouti mất đi nguồn thu quan trọng.

Tại sao việc tiếp cận đường biển lại quan trọng đối với Ethiopia?

Ethiopia là quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi và là một quốc gia không giáp biển. Nước này mất quyền tiếp cận đường biển khi Eritrea ly khai và tuyên bố độc lập vào năm 1993.

Theo Ngân hàng Thế giới, kể từ đó, Ethiopia phải dựa vào cửa ngỏ đường biển của Djibouti để thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế. Theo đó, hơn 95% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ethiopia đi qua tuyến đường sắt Addis Ababa – Djibouti (nối thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và cảng Djibouti). Trong khi đó, khoản phí 1,5 tỉ USD/năm là con số không nhỏ với Ethiopia.

Trong nhiều năm qua, chính phủ Ethiopia đã tìm cách đa dạng hóa khả năng tiếp cận cảng biển. Năm 2018, họ đã ký một thỏa thuận mua 19% cổ phần của cảng Berbera của Somaliland nhưng thương vụ này đã không thành công.

Trong bài phát biểu hồi tháng 10, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết chính phủ của ông cần tìm cách đưa 126 triệu người dân ra khỏi “nhà tù địa lý”. Ông Ahmed cũng đề cập việc vào thế kỷ XIX, một chiến binh người Ethiopia từng tuyên bố Biển Đỏ là “ranh giới tự nhiên” của Ethiopia.

Những bình luận này đã gây chấn động khu vực, khiến các nhà quan sát và quan chức lo ngại rằng ông Abiy Ahmed có thể khơi mào một cuộc xung đột.

Bà Samira Gaid – nhà phân tích cấp cao về vùng Sừng châu Phi tại công ty tư vấn nghiên cứu Balqiis Insights (Somalia) – cho biết: “Toàn bộ khu vực phản đối những tuyên bố này. Kể từ đó, mọi người đều chú ý đến cách Ethiopia muốn tiếp cận biển”.

 Người dân tại một khu chợ ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) vào tháng 10. Ảnh: AFP

Người dân tại một khu chợ ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) vào tháng 10. Ảnh: AFP

Thỏa thuận có ý nghĩa ra sao với Somaliland?

Somaliland tuyên bố tách khỏi Somalia vào năm 1991. Vùng ly khai này công bố đồng tiền, quốc kỳ riêng cũng như tổ chức nhiều cuộc bầu cử chính quyền. Vùng lãnh thổ này còn tổ chức lễ hội văn học lớn thu hút các tác giả nổi tiếng và một cuộc thi chạy marathon thu hút người tham gia từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, Somaliland vẫn chưa nhận được điều họ mong muốn nhất, đó là sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Ông Muse Bihi Abdi lên nắm quyền điều hành Somaliland vào cuối năm 2017. Hiện ông đã quá hạn nhiệm kỳ và đang giữ chức theo cơ cấu mở rộng nhiệm kỳ – điều vốn không được phe đối lập tại Somaliland công nhận.

Ngoài ra, ông Abdi còn đối mặt thách thức tại thị trấn Las Anod. Tại đây, các nhóm nhân quyền cho biết hàng chục thường dân đã thiệt mạng và bị thương trong các cuộc đụng độ giữa chính quyền và các thành viên của một nhóm vũ trang địa phương.

Bà Gaid cho rằng trước tất cả thách thức trên, “thỏa thuận này là cứu cánh” đối với ông Abdi.

“Với thỏa thuận này, ông ấy đã vượt qua khó khăn và có nhiều quyền lực hơn” – bà Gaid nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoa-thuan-lich-su-ethiopia-khu-vuc-ly-khai-somaliland-se-lam-rung-chuyen-vung-sung-chau-phi-va-bien-do-post770313.html