Thỏa thuận ngũ cốc Istanbul: LHQ lo ngại chỉ dựa trên lòng tin, Nga sẽ bắt đầu xuất khẩu trong vài ngày tới
Theo đại diện của LHQ, Mỹ và EU không cung cấp bất kỳ đảm bảo nào, và thỏa thuận ngũ cốc chỉ dựa trên sự thiện chí và lòng tin.
Phó Tổng thư ký LHQ Martin Griffiths cho rằng thỏa thuận ngũ cốc mới đạt được tại Istanbul không bao gồm bất kỳ cơ chế thực thi nào, mà chỉ dựa vào ngoại giao và công khai mọi vi phạm.
Ông Griffiths nêu rõ: "Không có cơ chế thực thi. Đó là một thỏa thuận tự nguyện. Đó không phải là tòa án pháp luật. Việc thực thi, nếu bạn muốn, đến từ sự công khai của JCC (Trung tâm Điều phối Chung) về sự lạm quyền của một hoặc nhiều bên. Do đó, về cơ bản sẽ chỉ có những nỗ lực ngoại giao chứ không áp dụng cơ chế thực thi".
Trong khi đó, bà Rebecca Grynspan - Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng, LHQ sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác trong EU, Mỹ và Nga để nắm bắt mọi trở ngại liên quan hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sau khi ký kết thỏa thuận với Ukraine.
Theo bà Grynspan, Mỹ và EU không cung cấp bất kỳ đảm bảo nào liên quan hoạt động xuất khẩu lương thực hoặc phân bón Nga, và thỏa thuận ngũ cốc chỉ dựa trên sự thiện chí và lòng tin.
Ngày 22/7, dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ra các thị trường thế giới nhằm giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 120 ngày và có thể được gia hạn nếu các bên liên quan nhất trí. Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thành lập Trung tâm Điều phối Chung (JCC) tại Istanbul dưới sự bảo trợ của LHQ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng trên Biển Đen của Ukraine có thể bắt đầu trong vài ngày tới.