Thỏa thuận SMA mới đe dọa liên minh Mỹ - Hàn
Lần đầu tiên sau gần 30 năm, thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) được coi là yếu tố duy trì và tăng cường mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Hàn Quốc bị đe dọa và đối mặt với những nguy cơ.
Quan trọng là… tiền!
Trong các mối quan hệ Mỹ - Hàn, mối quan hệ liên minh quân sự luôn được đánh giá là quan trọng nhất với sự hiện diện của Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) với lực lượng 28.500 binh sỹ hỗn hợp, bắt đầu từ năm 1991.
Theo SMA ký kết năm 2014 và hết hiệu lực vào tháng 12/2018, phía Hàn Quốc đã chi 960,2 tỷ won trong năm 2018 vào mục đích trả phí thuê nhân công cho lao động người Hàn Quốc làm việc trong căn cứ Mỹ, các loại phí xây dựng bên trong căn cứ Mỹ. SMA tạm thời được ký vào tháng 2/2019 và đã hết hạn vào cuối năm ngoái, Seoul đã nhất trí trả 1.040 tỷ won tăng 8,2% so với mức 960 tỷ won của năm trước.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa tái khẳng định lập trường cơ bản là chỉ chia sẻ chi phí quân sự ở mức độ hợp lý, trong khuôn khổ hiện hành, để ngỏ khả năng Seoul sẽ không chấp thuận yêu cầu quá cao từ phía Washington.
Trong thời gian trở lại đây, Washington đã nhiều lần yêu cầu Seoul tăng đáng kể các khoản đóng góp tài chính để duy trì sự hiện diện của các binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc. Mỹ đang yêu cầu phần đóng góp của Hàn Quốc là 5 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với mức đóng góp hiện tại của Seoul.
Washington cho rằng, ngoài các chi phí về nhân công, chi phí xây dựng quân sự, chi phí hậu cần cho lực lượng quân đồn trú Mỹ, phải lập thêm hạng mục mới là “chi phí hỗ trợ tác chiến”, trong đó Seoul phải gánh vác cả chi phí triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên.
Sau đó, Mỹ đã điều chỉnh xuống còn 4 tỷ USD, nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn cho rằng mức đóng góp này là không thực tế.
Hai bên đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán nhằm ấn định mức chi phí song đến nay vẫn chưa có thỏa thuận cụ thể nào được nhất trí. Vòng đàm phán thứ 6 diễn ra tại Washington trong các ngày 14-15/1 vừa qua. Dư luận đang hết sức quan tâm liệu trong vòng đàm phán lần này, hai bên có khép lại những yêu cầu quá mức của Mỹ để đi đến những phương án thực tế hơn hay không.
“Quan trọng lúc này để không phá vỡ SMA cũng như phá vỡ liên minh bền chặt giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn là tiền. Cả Washington và Seoul đều muốn có một kết quả đàm phán tốt nhưng sẽ rất khó đạt được một mức cả hai cùng chấp nhận” – các chuyên gia quân sự từ Học viện Quốc phòng Australia phân tích.
Mỹ dọa rút quân
Trước khi Mỹ - Hàn tiến hành đàm phán lần thứ 7 sẽ diễn ra tại Los Angeles (Mỹ) trong 2 ngày 17-18/3 nhằm đạt được thỏa thuận SMA mới, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng:“Mỹ giữ nguyên cam kết nỗ lực vì một kết quả công bằng và hợp lý trong những cuộc đàm phán xoay quanh SMA, yếu tố sẽ duy trì và tăng cường mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc-Tướng Robert Abrams đã lên tiếng cảnh báo “hai đồng minh đang lâm vào đình trệ” khi nguy cơ đội ngũ 9.000 nhân viên người Hàn Quốc làm việc trong USFK phải nghỉ việc không lương bắt đầu từ đầu tháng 4.
Trong trường hợp mức chi trả của Hàn Quốc thấp hơn so với Mỹ yêu cầu, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Hải quân William Byrne Jr cho biết đang có một loạt các phương án được tính đến, từ quy mô cắt giảm ở mức lớn, vừa phải và nhỏ.
“Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, thì có thể cần tính tới việc xem xét công việc của các công nhân này theo thứ tự ưu tiên, bao gồm các lĩnh vực liên quan tới đời sống, sức khỏe và sự an toàn”-William Byrne Jr nói.
Trong một diễn biến được coi là “đe dọa trước đàm phán”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington đang cân nhắc rằng liệu việc duy trì các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc có nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không.
“Điều này có thể được cân nhắc. Tôi có thể quyết định bất cứ lựa chọn nào. Tôi có thể đưa ra những lý lẽ theo cả hai cách. Nhưng tôi thực sự suy nghĩ về điều này, tôi cho rằng nếu chúng tôi thực hiện điều này, họ nên chia sẻ gánh nặng một cách công bằng hơn” - Ông Trump nói đầy ẩn ý về việc Hàn Quốc đang “mặc cả” với Mỹ về cái giá phải trả khi được đảm bảo an toàn bởi đồng minh.