Thỏa thuận tàu ngầm Australia và cơn thịnh nộ chưa từng có của nước Pháp
Cơn giận dữ vẫn đang âm ỉ ở Paris khi Pháp nhận ra cả hai đồng minh thân cận nhất bắt tay sau lưng mình.
Sau khi biết tin mất trắng hợp đồng tàu ngầm ký kết với Australia và bị "cho ra rìa" trong liên minh mà Mỹ dẫn đầu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nổi cơn thịnh nộ. Ông triệu hồi 2 đại sứ tại Washington và Canberra về nước.
Trước đó, Tổng thống Pháp đã yêu cầu hủy một bữa tiệc tại đại sứ quán nước này ở Washington, vốn nhằm kỷ niệm 240 năm trận hải chiến góp phần giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến giành độc lập.
Cơn giận dữ vẫn đang lan rộng ở Paris. Giới chức Pháp hết sức phẫn nộ khi nhận ra hai đồng minh thân cận nhất đã đàm phán sau lưng họ trong một thời gian dài.
Lời rỉ tai của Australia với Mỹ
New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và Anh cho biết, Australia đã tiếp cận với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau khi ông Biden nhậm chức và ngỏ ý muốn Washington hỗ trợ nhằm rút khỏi hợp đồng tàu ngầm với Pháp.
Người Australia phân trần với Mỹ rằng họ lo ngại tàu ngầm sử dụng động cơ diesel-điện thông thường của Pháp sẽ lỗi thời vào thời điểm chúng được chuyển giao.
Canberra ngỏ ý tìm kiếm một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chạy êm hơn dựa trên các thiết kế của Mỹ và Anh, có thể tuần tra các khu vực trên Biển Đông với ít nguy cơ bị phát hiện hơn.
Nhưng Australia không nói rõ họ sẽ chấm dứt thỏa thuận với Pháp thế nào.
"Họ nói với chúng tôi rằng họ sẽ lo việc đối phó với phía Pháp", một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.
Xét trên mọi phương diện, Australia chưa bao giờ rõ ràng với Pháp về chuyện họ đang chuẩn bị hủy bỏ thỏa thuận vốn mất rất nhiều năm để đàm phán.
Trong các cuộc gặp gỡ với giới chức Pháp gần đây, các quan chức ở Washington cũng không thông báo cho Paris về việc sẽ bắt tay với Anh giúp Canberra phát triển tàu ngầm.
Đó là một trường hợp "ngoại giao trốn tránh" điển hình.
Theo một số nguồn tin, các trợ lý của ông Biden chỉ thảo luận vấn đề này với phía Pháp vài giờ trước khi nó được công bố trong cuộc họp trực tuyến giữa ông với lãnh đạo Anh, Australia.
Kết quả là cơn giận bùng nổ làm lung lay niềm tin giữa hai đồng minh thân cận.
Các chuyên gia nhận định, quyết định của ông Biden là một nước đi tàn nhẫn mà các nước đôi khi thực hiện. Ở đó, các đồng minh được xác định quan trọng hơn về mặt chiến lược so với các đồng minh khác - điều mà lãnh đạo các quốc gia và các nhà ngoại giao không bao giờ muốn thừa nhận trước công chúng.
Giấu tới cùng
Các chuyên gia đều đồng thuận rằng các tàu ngầm dựa trên công nghệ đẩy của Pháp rất hạn chế về tầm hoạt động và dễ bị phát hiện. Hạm đội này có thể trở nên lỗi thời vào thời điểm Australia chính thức đưa chúng vào hoạt động.
Do đó với Canberra, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ và người Anh cung cấp là giải pháp thay thế hợp lý.
Các quan chức Mỹ và Australia đều nhất trí rằng nếu Pháp sớm nhận ra rằng một trong những hợp đồng quốc phòng lớn nhất trong lịch sử của mình sắp bị hủy bỏ, Paris có thể sẽ cản trở tính toán của Canberra.
Vì vậy các quan chức Mỹ, Australia vẫn liên lạc với nhau theo nhóm nhỏ và không đề cập nó với người Pháp ngay cả khi ông Biden và ông Blinken gặp gỡ những người đồng cấp Pháp vào cuối tháng 6 tại hội nghị G7 ở Anh.
Trong cuộc trò chuyện thân mật bên bờ biển ở Cornwall, ông Macron vẫn mải miết thảo luận với Tổng thống Biden về tương lai của liên minh Đại Tây Dương mà không hay biết trong cùng ngày, 3 lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia gặp nhau để bàn bạc về hợp đồng tàu ngầm mới.
Sau cuộc gặp là một tuyên bố khá mơ hồ, đề cập tới "hợp tác chiến lược sâu sắc hơn giữa ba chính phủ" để đáp ứng với sự thay đổi môi trường quốc phòng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ba ngày sau, ông Morrison gặp riêng Tổng thống Pháp nhưng cũng không hề nói đến toan tính hủy thỏa thuận tàu ngầm của mình.
Hôm 25/6, trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp, Ngoại trưởng Blinken giữ im lặng khi ông Jean-Yves Le Dria ca ngợi tầm quan trọng của thỏa thuận tàu ngầm Paris ký với Canberra.
Lần gần đây nhất hôm 30/8, khi các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao Pháp và Australia tổ chức họp "tham vấn" thường niên, họ đưa ra một tuyên bố chung cho biết hai nước cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Ở thời điểm đó, người Australia biết rằng họ đang tiến rất gần tới thỏa thuận mới với Washington và London.
Chỉ có người Pháp, họ chẳng mảy may hay biết về tin tức "bom tấn" sắp được công bố vài ngày sau đó.