Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu chính thức hết hiệu lực tại Mỹ
Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu dành cho doanh nghiệp không có hiệu lực tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Động thái trên đồng nghĩa với việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2021 mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đàm phán với gần 140 quốc gia.
Trong bản ghi nhớ của Tổng thống được ban hành vài giờ sau khi nhậm chức, ông Trump cũng chỉ thị cho Bộ Tài chính Mỹ chuẩn bị các phương án "biện pháp bảo vệ" đối với các quốc gia đã - hoặc có khả năng - áp dụng các quy tắc thuế ảnh hưởng bất cân xứng đến các công ty tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Liên minh châu Âu (EU), Anh và các nước khác đã áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%, nhưng Quốc hội Mỹ chưa bao giờ phê duyệt các biện pháp để doanh nghiệp tuân thủ mức thuế này.
Washington duy trì mức thuế tối thiểu toàn cầu khoảng 10% - một phần trong gói cắt giảm thuế mang tính bước ngoặt năm 2017 của ông Trump được đảng Cộng hòa chấp thuận.
Sau nhiều năm đàm phán đình trệ về các vấn đề thuế toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (Pháp) dẫn đầu nhằm chấm dứt hành động cắt giảm thuế doanh nghiệp mang tính cạnh tranh, tháng 10/2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là bà Janet Yellen đã đồng ý với thỏa thuận.
Tuy nhiên, người được Tổng thống Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho rằng, việc thực hiện thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là một "sai lầm nghiêm trọng".
Theo giới quan sát, việc rút khỏi thỏa thuận thuế toàn cầu đánh dấu bước lùi lớn trong nỗ lực hợp tác quốc tế về các vấn đề thuế doanh nghiệp. Động thái này không chỉ làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia đồng minh mà còn tạo ra nguy cơ cho các công ty Mỹ trong việc sẽ phải đối mặt với các quy định thuế không đồng nhất trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông vẫn cho rằng quyết định trên sẽ bảo vệ nền kinh tế Mỹ tốt hơn, đồng thời củng cố vị thế của nước này như một trung tâm đầu tư cạnh tranh và độc lập trước sức ép quốc tế.