Thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật 'làm khó' TQ
Quyết định của Washington và Tokyo về việc loại bỏ các rào cản đối với hàng hóa của nhau có thể đã tạo ra trở ngại mới với Bắc Kinh.
Việc Mỹ-Nhật ký hiệp định thương mại có thể sẽ khiến việc giải quyết cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ-Trung trở nên phức tạp hơn. Bởi việc này có thể thúc đẩy các nỗ lực của Washington nhằm buộc Bắc Kinh chấp nhận các yêu cầu của họ.
Phát biểu lên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng, hai nước đã đồng ý thỏa thuận dỡ bỏ nhiều rào cản thương mại, giúp cho hàng nông sản Mỹ như thịt bò, thịt lợn, lúa mì,… được nhập khẩu vào Nhật. Trong khi đó các tua bin máy, dung cụ cơ khí, xe đạp, trà xanh và nhiều thứ khác sẽ được Tokyo xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Trump tuyên bố thỏa thuận này là ‘một chiến thắng lớn cho người nông dân, chủ trang trại và người trồng trọt Mỹ”.
Dù bản thỏa thuận đầy đủ không được công khai, dường như trong đó không bao gồm những đảm bảo về việc Mỹ sẽ không áp dụng thuế quan với ô tô nước này nhập từ Nhật theo Mục 232 thuộc Đạo luật Mở rộng Thương mại, mà trước đây ông Trump từng đe dọa tiến hành.
Trong khi vòng đàm phán mới giữa Mỹ-Trung sẽ diễn ra tại Washington trong hai tuần tới, các nhà quan sát cho rằng thỏa thuận giữa Washington-Tokyo đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn với Bắc Kinh.
“Thỏa thuận với Nhật Bản là một cột mốc quan trọng trong sự ưu tiên của chính quyền Trump đối với các thỏa thuận thương mại tự do song phương, và có thể tăng thêm sự tự tin của nước này vào các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai. Và sự nhượng bộ của Tokyo sẽ là ‘biểu tượng và kết quả’ của mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Mỹ và Nhật Bản”, tờ SCMP trích dẫn phát biểu của giáo sư He Qiang thuộc Đại học Phục Đán, Thương Hải cho biết.
Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Nhật cũng giúp ông chủ Nhà Trắng có được sự ủng hộ của người nông dân Mỹ, vốn trước đây hay than phiền về việc họ bị mất thị phần không chỉ vì thương chiến Mỹ-Trung, mà còn bởi quyết định của ông Trump khi rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
“Trên thực tế, nông nghiệp là chủ đề chính trong những cuộc đàm phán thương mại hiện nay, nên Hiệp định Thương mại Mỹ-Nhật có thể tạo ra ảnh hưởng gián tiếp tới các cuộc đàm phán sắp tới”, ông He nói thêm.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn lo ngại hiệp định thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba trên thế giới có thể có những điều khoản ‘tai hại’, như Mỹ cấm các đối tác thương mại tự do của nước này được ký các hiệp định thương mại với ‘các quốc gia phi thị trường’, mà Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách trên.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng đe dọa sẽ thêm điều khoản ‘tai hại’ kia vào các thỏa thuận thương mại trong tương lai, tiếp sau Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) dự kiến sẽ ký kết trong tháng 10 tới.
“Sẽ là cứu cánh cho Bắc Kinh, nếu thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật không có điều khoản trên, nếu không đây sẽ là một động thái ngăn chặn đáng kể nhằm vào Trung Quốc. Nếu điều khoản trên có trong bản thỏa thuận, thì đồng nghĩa với việc Thỏa thuận thương mại Trung-Nhật-Hàn, hoặc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực cũng đều không được thông qua”, giáo sư Zhou Yongsheng của Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc nhận định.