Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Ai là người chiến thắng?

Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã nhất trí về thỏa thuận thương mại một phần vào ngày 13/12, khiến cuộc chiến thương mại kéo dài 21 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tạm dừng. Tờ Washington Post đã chỉ ra những bên thực sự hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 này.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua lượng nông sản kỷ lục của Mỹ vào năm 2020, vượt kỷ lục khoảng 26 tỷ USD vào năm 2012. (Nguồn: AP)

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận, Nhà Trắng đã vội vã mô tả thỏa thuận này là “tuyệt vời” và “mang tính lịch sử". Còn các quan chức hàng đầu của Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi để nhấn mạnh thỏa thuận này là một chiến thắng dành cho Bắc Kinh, đáp ứng được “nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc”.

Chứng khoán tăng cao kỷ lục vào ngày 12/12 khi Phố Wall chào mừng tin tức này, nhưng lại gần như không thay đổi vào ngày 13/12 khi các thông tin chi tiết được hé lộ.

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và nhiều người có quan điểm cực đoan về Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt Tổng thống Trump, cho rằng ông đã nhượng bộ một cách quá dễ dàng. Nhiều tập đoàn kinh doanh tuy lạc quan nhưng vẫn tỏ ra thận trọng.

Toàn văn thỏa thuận chưa được công bố, nhưng êkíp của Trump và các quan chức Trung Quốc xác nhận rằng Tổng thống Trump đã đồng ý giảm mức thuế suất để đổi lấy việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ trị giá khoảng 200 tỷ USD trong 2 năm tới và mở cửa cho các công ty tài chính của Mỹ.

Vậy, rút cục ai mới là người thực sự chiến thắng trong thỏa thuận thương mại này?

Tổng thống Donald Trump

Ít nhất về mặt chính trị, ông Trump đã tạo thành công một thỏa thuận, dù còn hạn chế. Thỏa thuận này chưa đạt được tất cả các mục tiêu mà Trump đề ra trong việc lập lại mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông và êkíp của mình đã tập trung vào vấn đề này như một cách để giữ một lời hứa khác trong chiến dịch tranh cử, ngay cả khi đảng Dân chủ đang tìm cách luận tội ông.

Tin tức về thỏa thuận này được đăng trên trang bìa của các tờ báo lớn và được nhắc đến trên truyền hình. Đặc biệt, ông Trump có thể chính thức thông báo thỏa thuận đến nông dân và công nhân sản xuất vốn bị ảnh hưởng nặng nề trước cuộc chiến thương mại.

Thỏa thuận với Trung Quốc (và thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada đạt được gần đây) cũng khiến nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ tăng trưởng ở mức 2% trở lên trong năm tới, tránh được cuộc suy thoái kinh tế và giúp Trump có cơ hội tái đắc cử.

Nông dân

Trung Quốc đã cam kết mua lượng nông sản kỷ lục của Mỹ vào năm 2020, vượt kỷ lục khoảng 26 tỷ USD vào năm 2012. Các quan chức Mỹ nói Trung Quốc đã đồng ý mua lượng nông sản trị giá 32 tỷ USD, dù ông Trump nói rằng Trung Quốc có thể “mua lượng nông sản đạt tới 50 tỷ USD”.

Trung Quốc từ chối đưa ra con số chính xác, nhưng đồng ý mua thêm và biết ông Trump muốn cụm từ “lớn hơn bao giờ hết” xuất hiện trên các tiêu đề báo dù cho con số không phải là 50 tỷ USD. Đây sẽ là khoản tiền rất cần thiết đối với nông dân Mỹ, những người đã hứng chịu hậu quả từ đòn áp thuế trả đũa của Trung Quốc bất chấp chương trình hỗ trợ mà Chính phủ đề xuất nhằm bù đắp thua lỗ.

Theo Hiệp hội nông dân Mỹ, số vụ trang trại phá sản đã tăng 24% so với năm 2018 và nợ của người nông dân được dự đoán sẽ đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, những người nông dân từng bỏ phiếu cho ông Trump có khả năng sẽ một lần nữa lại bỏ phiếu cho ông sau thỏa thuận này.

Hãng Apple và các công ty công nghệ

Cổ phiếu Apple đã tăng vọt vào ngày 13/12, ngay cả khi thị trường chung không có biến động. Các công ty công nghệ như Apple là một trong số những bên sẽ hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” này vì họ sẽ không bị áp thuế.

Ông Trump đã lên kế hoạch áp thuế đối với điện thoại di động, máy tính xách tay và các sản phẩm công nghệ phổ biến khác được sản xuất tại Trung Quốc và vận chuyển đến Mỹ vào ngày 15/12, thế nhưng thỏa thuận này đã loại bỏ toàn bộ các kế hoạch đó.

Walmart và các công ty bán lẻ

Ông Trump đã giảm (hoặc hủy bỏ) thuế quan đối với các mặt hàng phổ biến nhất mà người Mỹ mua ở các cửa hàng, một sự cứu cánh đối với các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart – vốn đang cố gắng tìm cách chuyển chi phí tăng lên này sang vai người tiêu dùng vào năm 2020.

Thuế quan ngày 15/12 áp với đồ chơi và các hàng hóa công nghệ hiện sẽ không được thực thi và thuế quan áp với nhiều mặt hàng quần áo (giày, áo khoác,...) vào tháng 9 đã được cắt giảm một nửa từ 15% xuống còn 7,5%.

Các nhà đầu tư phố Wall

Chỉ số S&P 500 đang tiến đến mức tổng lợi nhuận khoảng 29% trong năm 2019. Điều đó sẽ khiến 2019 trở thành năm tốt đẹp nhất cho chứng khoán kể từ năm 2013 và là một trong những năm tốt đẹp nhất mọi thời đại. Chứng khoán đã giảm mạnh vào cuối năm 2018, nhưng phần lớn sự tổn hại đó đã bị lãng quên sau khi hồi phục.

Ông Trump thích nói về các mức cao kỷ lục trong thị trường chứng khoán và ông đã nhắc đến một lần nữa sau khi thỏa thuận này khiến chứng khoán tăng cao đến mức kỷ lục vào ngày 12/12. Khoảng một nửa số người Mỹ đã có tiền từ thị trường chứng khoán sau thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Các công ty tài chính Mỹ

Một trong những đột phá lớn nhất của thỏa thuận này là Trung Quốc cuối cùng đã cho phép các ngân hàng và các công ty thẻ tín dụng của Mỹ tự mình bước vào Trung Quốc mà không phải hợp tác với một công ty địa phương của Trung Quốc.

Đây là điều mà các ngân hàng lớn của Mỹ mong muốn trong nhiều năm. JPMorgan Chase đã bắt đầu đặt nền móng cho hoạt động ở Trung Quốc vào mùa Hè 2019 khi lường trước được thỏa thuận này.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp

Giám đốc điều hành các công ty lớn của Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Trump sớm đạt được một thỏa thuận. Ngày 12/12, ngay sau khi ông Trump ký thỏa thuận, ông đã gặp các nhà lãnh đạo của các Tập đoàn lớn như Cummins, Stanley Black & Decker và Union Pacific, những người hoan nghênh thỏa thuận này.

Ông Trump thường tuyên bố thuế quan của mình là do Trung Quốc trả, nhưng trên thực tế các công ty Mỹ mới chính là những bên đã và đang trả cho những khoản thuế quan này (và đôi khi buộc người tiêu dùng phải chịu những chi phí này).

Theo tổ chức Tax Foundation, cho đến nay, số tiền đó đã lên tới 88 tỷ USD, một trong những con số tăng thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Và thỏa thuận này khiến gánh nặng giảm đôi chút và quan trọng là đưa ra tín hiệu cho thấy ông Trump khó có khả năng tăng thêm thuế quan vào năm 2020.

Chính phủ Trung Quốc

Trung Quốc đã không cho đi quá nhiều và các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như còn “chơi xỏ” ông Trump khi từ chối xác nhận một thỏa thuận trong nhiều giờ sau khi Nhà Trắng tiết lộ. Trung Quốc đã đồng ý mua thêm khoảng 200 tỷ USD hàng nông sản, năng lượng và hàng hóa sản xuất của Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã có kế hoạch từ trước. Nước này thậm chí đã đưa ra mức mua hàng đó vào giữa năm 2018.

Sự nhượng bộ lớn nhất mà Trung Quốc đưa ra trong thỏa thuận này là tán thành những hình phạt nếu họ không giữ lời, nhưng còn một quá trình dài Mỹ phải trải qua trước khi áp thuế trừng phạt. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến ông Trump giảm một số thuế quan.

(theo Washington Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-ai-la-nguoi-chien-thang-106493.html