Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung: Yếu tố chuyển giao công nghệ ép buộc

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 sẽ được ngày 15/1, theo đó trọng tâm sẽ là việc Trung Quốc từ bỏ việc ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, cự cố vấn thương mại Nhà Trắng nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) tại Nhà Trắng ngày 4/4/2019. Ảnh: Getty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) tại Nhà Trắng ngày 4/4/2019. Ảnh: Getty.

Theo cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng, ông Clete Willems, Bắc Kinh đang sẵn sàng từ bỏ các chính sách liên quan chuyển giao công nghệ ép buộc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không mua thêm nhiều nông sản Mỹ như họ từng tuyên bố, truyền hình Mỹ CNBC đưa tin ngày 14/1.

Dự kiến, thứ Tư, các đại diện thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ kết thúc nhiều năm đàm phán song phương căng thẳng bằng thỏa thuận giai đoạn một với việc Trung Quốc mua nông sản Mỹ trị giá hàng tỷ USD và bắt đầu cải cách tập quán lâu đời của nước này là ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại số một của nước này, thăm Washington từ ngày 13 tới 15/1, theo nhật báo Trung Quốc People’s Daily. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, hai bên sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một ở Washington và một khoảng thời gian sau đó ông sẽ bay sang Bắc Kinh để chuẩn bị cho giai đoạn hai.

Nhập khẩu nông sản

Trên giấy tờ, thỏa thuận bao gồm “sự mở rộng đáng kể các mặt hàng xuất khẩu Mỹ gồm thực phẩm, nông sản và hải sản” và Trung Quốc chấm dứt việc ép buộc, gây sức ép để các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ của họ cho doanh nghiệp Trung Quốc, theo tài liệu của Đại diện Thương mại Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ cũng nói rằng, thỏa thuận cũng tái khẳng định việc Trung Quốc phản đối việc thao túng tiền tệ và việc Mỹ cam kết nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới.

“Chúng tôi đang hoàn tất tiến trình dịch thuật, một vấn đề kỹ thuật. Và mọi người sẽ thấy đây là một thỏa thuận rất sâu rộng”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với Fox News hôm Chủ nhật.

Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ, bao gồm ông Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và một số quan chức khác dự kiến tham dự lễ ký kết thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn một vào ngày mai ở Washington.

P.J. Quaid, một nhà môi giới chuyên về ngô tại CME Group ở Chicago (Mỹ), nói rằng, ông đang chờ xem Nhà Trắng có những cách thức gì để thực thi thỏa thuận giai đoạn một nếu Bắc Kinh phớt lờ các nghĩa vụ của họ.

“Chuyện này ngay từ đầu đã giống như tàu lượn siêu tốc điên rồ. Nhiều người trở nên bi quan vì nhiều hoạt động mua sắm mà Trung Quốc nói rằng họ sẽ thực hiện dường như rất khó thành hiện thực. Nếu mọi thứ diễn ra dưới mức mong đợi, bạn sẽ thấy tình trạng bán đổ bán tháo”, ông Quaid nhận định.

Nhiều người khác cũng tỏ ra không mấy lạc quan sau khi truyền thông Trung Quốc ngụ ý rằng, Bắc Kinh không mấy hào hứng về triển vọng của đàm phán thương mại trong tương lai.

Taoran Notes, blog của nhật báo Trung Quốc Economic Daily, hôm Chủ nhật đăng bài đầu tiên của mình sau 2 tháng. Blog viết: “Chúng ta cần nhớ rằng, chiến tranh thương mại chưa kết thúc. Mỹ không xóa bỏ hết thuế quan với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc vẫn áp đặt thuế trả đũa. Vẫn còn nhiều điều chưa chắn chắn ở phía trước”.

Với ông Don Roose, chủ tịch của công ty môi giới hàng hóa Mỹ Des Moines, chìa khóa của vấn đề là các cam kết của Trung Quốc đối với việc mua nông sản Mỹ.

“Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ mua 35 tỷ USD nông sản trong năm đầu tiên và 40 tỷ USD trong năm thứ hai. Nhưng chẳng có vẻ gì là chúng ta sẽ tạo ra nhu cầu mới cho thế giới (mua nông sản Mỹ)”, ông Roose nói.

Dự kiến Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ. Ảnh: RT.

Dự kiến Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ. Ảnh: RT.

Ép buộc chuyển giao công nghệ, chấp nhận thực phẩm biến đổi gien

Theo ông Clete Willems người từng làm việc tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Nhà Trắng, không nên tập trung quá nhiều vào việc Trung Quốc sẽ mua gì mà nên chú ý vào các thay đổi cơ cấu có phạm vi rộng hơn mà Trung Quốc đồng ý thực hiện.

Thực tế rằng, Bắc Kinh sẵn sàng loại bỏ các chính sách liên quan chuyển giao công nghệ ép buộc và giảm một số trở ngại đối với công ty Mỹ ở Trung Quốc là chìa khóa của vấn đề, ông Willems nhận định.

“Người ta nói nhiều về việc mua bán nông sản cụ thể. Nhưng Trung Quốc đang xử lý các rào cản lâu đời và mang tính hệ thống đối với sản phẩm Mỹ, bao gồm công nghệ sinh học”, ông Willems nói. Tháng trước, Trung Quốc chấp nhận đậu tương và đu đủ biến đổi gien của Mỹ.

Theo ông Willems, về lâu dài, việc Trung Quốc chấm dứt tập quán ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ sẽ có ý nghĩa hơn việc mua sắm cụ thể. “Hãy nhớ, chúng ta bắt đầu cả quy trình này là vì Mục 301, bao gồm chuyển giao công nghệ bắt buộc”, ông nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dựa vào Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 để áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Mục này cho phép tổng thống áp đặt trừng phạt lên các nước vi phạm thỏa thuận thương mại hoặc cho phép phản ứng đối với các tập quán thương mại không công bằng, bất hợp lý hoặc phân biệt đối xử.

Chính quyền Mỹ từ lâu than phiền rằng, phía Mỹ thường xuyên bị gây sức ép, bị ép buộc chia sẻ các công nghệ trọng yếu để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Các vấn đề đáng quan tâm khác bao gồm, đánh cắp bí mật thương mại, sử dụng sai quyền sở hữu trí tuệ liên quan dược phẩm và quyền tiếp cận của các công ty tài chính Mỹ đối với thị trường Trung Quốc.

Theo ông Willems, luôn có khả năng Mỹ tái áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không hoàn thành nghĩa vụ của họ.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sắp chấm dứt? Ảnh: Getty.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sắp chấm dứt? Ảnh: Getty.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/thoa-thuan-thuong-mai-mytrung-yeu-to-chuyen-giao-cong-nghe-ep-buoc-1509009.tpo