Thỏa ước lao động tập thể: Khắc phục tính hình thức

Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)… được ví như 'chìa khóa' giúp giải quyết mâu thuẫn, bất đồng tại doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, những thỏa thuận này tại không ít DN còn mang tính hình thức.

Đánh giá về thực trạng thương lượng tập thể tại các DN hiện nay, chuyên gia chỉ ra thực tế, nội dung thương lượng về tiền lương và chế độ phúc lợi cho người lao động (NLĐ) chưa thật sự rõ ràng. Sự tham gia của NLĐ khá thụ động, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào cán bộ công đoàn cơ sở. NLĐ không phải là nhân vật chính, là người làm chủ quá trình thương lượng. Vì vậy, kết quả thương lượng tập thể phụ thuộc vào thiện chí của người sử dụng lao động. Nội dung TƯLĐTT còn chung chung, chưa có nhiều điều khoản mang lại lợi ích cho NLĐ, chủ yếu sao chép từ luật...

 Khuyến khích doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể nhóm

Khuyến khích doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể nhóm

Dẫn chứng tại DN ngành may ở Việt Nam, thạc sỹ Bùi Thị Thu Hà - Trường Đại học Thương mại - phân tích: Trong nội dung thương lượng về “Tiền lương và các chế độ phúc lợi cho NLĐ”, mức độ rõ ràng trong thương lượng về tiền lương được đánh giá trung bình yếu (2,73/5 điểm). Khảo sát của Oxfam thực hiện trong các nhà máy may xuất khẩu, mức lương của công nhân may hiện nay không phải kết quả của thương lượng tập thể mà là của đàm phán không minh bạch, để ép giá giữa nhãn hàng với nhà cung ứng may mặc. DN may muốn có đơn hàng buộc phải giảm chi phí lao động để giảm giá thành và có lợi nhuận. Thực tế, vấn đề lương, thưởng vẫn được trao đổi, bàn luận trong các cuộc thương lượng tập thể, tuy nhiên, tỷ lệ thương lượng thành công so với yêu cầu đạt mức bình quân thấp.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên (Hà Nội) - dẫn chứng: Trên địa bàn quận có 74/215 DN ký TƯLĐTT, trong đó, 11 đơn vị chưa có tổ chức công đoàn. Tại 11 công ty này, Liên đoàn Lao động quận đã đại diện lấy ý kiến của tập thể NLĐ, tổng hợp ý kiến và tham gia bằng văn bản về nội quy lao động theo quy định, thành lập tổ thương lượng tập thể thương lượng với người sử dụng lao động tại các công ty về những điều khoản có lợi hơn, cũng như đại diện NLĐ ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động tại đơn vị, qua đó, giúp nâng cao uy tín tổ chức công đoàn với NLĐ tại DN và địa phương.

Dù hiệu quả đem lại tích cực, nhưng việc đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT vẫn chưa thực sự được cả người sử dụng lao động và NLĐ quan tâm, ít nhiều còn mang tính hình thức. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các DN chưa thực sự ổn định và quyền lợi của NLĐ chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ… Bà Hằng đề xuất: Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định việc ký kết TƯLĐTT là hình thức bắt buộc.

Để ký các TƯLĐTT nhóm DN với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, chuyên gia khuyến cáo: Đơn vị thực hiện phải tập trung vào TƯLĐTT đang có, bổ sung và nâng cao lợi ích cho NLĐ. Đồng thời, tuyên truyền cho người sử dụng lao động về tổ chức công đoàn, lợi ích khi DN tham gia TƯLĐTT nhóm. Ngoài ra, phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, cộng đồng DN, tuyên truyền về lợi ích khi tham gia ký thỏa ước.

Tiến sỹ CHANG - HEE LEE- Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam:

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu về TƯLĐTT ngoài DN và bài học kinh nghiệm để các cán bộ công đoàn đều tiếp cận được.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thoa-uoc-lao-dong-tap-the-khac-phuc-tinh-hinh-thuc-156736.html