Thoái vốn ngoài ngành tại các doanh nghiệp còn chậm, vì sao?

Không chỉ các nguyên nhân khách quan mà nhiều nguyên nhân chủ quan từ cơ chế, lẫn các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, đã khiến việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp chậm so với yêu cầu.

Thoái vốn ngoài ngành vẫn chậm

Năm 2016, tại kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (mã chứng khoán: PLX) và một số đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ cho biết Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số tiền 2.255 tỷ đồng trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương.

Vì vậy, Petrolimex phải thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành trên 622 tỷ đồng tại các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và bảo hiểm.

Từ năm 2016, Petrolimex đã thực hiện thoái vốn tại Công ty CP đầu tư và dịch vụ hạ tầng Petrolimex (Pland) và bắt đầu thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.

Trụ sở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Ở lĩnh vực ngân hàng, cho đến tháng 9/2023, Petrolimex đã thực hiện xong việc thoái vốn tại PGBank. Tuy nhiên trong lĩnh vực bảo hiểm, Tập đoàn mới chỉ giảm vốn từ 51% xuống còn 40,95% tại bảo hiểm PJICO, đến nay vẫn chưa thực hiện việc thoái vốn tại đơn vị này. BCTC năm 2023 của Petrolimex ghi nhận, Tập đoàn vẫn đang có kế hoạch thoái vốn tại PJICO.

Như vậy sau gần chục năm kể từ khi kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Petrolimex, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn này diễn ra còn chậm, trong đó có việc thoái vốn PJICO.

Về lý do chậm thoái vốn, phía Petrolimex cho biết, việc thoái vốn tại Tổng Công ty Xây lắp và thương mại Petrolimex (PGCC) đã hoàn hiện phương án và tổ chức triển khai tại một số công ty.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, sau một vài lần tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán đều chưa thành công.

Về thoái vốn tại PJICO, theo Đề án cơ cấu tại Petrolimex giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035 đã được thông qua, Petrolimex sẽ duy trì vốn góp tại PJICO đến hết năm 2025. Sau năm 2025, Tập đoàn sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền phương án thoái toàn bộ vốn tại PJICO theo chiến lược phát triển của Tập đoàn và quy định của pháp luật.

Nhiều bất cập trong thoái vốn Nhà nước

Không chỉ riêng tại Petrolimex, thời gian qua, việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước vẫn còn chậm. Nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan.

Theo các chuyên gia, đối với doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước, những bất cập chủ yếu được phát hiện gồm: thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước chưa đầy đủ do hạch toán sai doanh thu, chi phí; quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; quản lý nợ còn bất cập, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ…

Ngoài ra, thời gian gần đây, những bất ổn lớn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế cũng gây khó khăn cho việc thoái vốn. Trong khi đặc thù của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này là các doanh nghiệp lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra…

Đặc biệt, một phần cũng do sự bất cập của cơ chế chính sách trong việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Theo đó, các cơ chế chính sách đã được đúc kết và hoàn thiện dần với mục tiêu đảm bảo không thất thoát vốn Nhà nước khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn những kẽ hở dẫn đến việc lợi dụng cổ phần hóa, thoái vốn để trục lợi. Cũng có câu hỏi đặt ra là có hay không động cơ thoái vốn, cổ phần hoánhằm mua rẻ doanh nghiệp Nhà nước. Hay tình trạng không muốn cổ phần hóa với các công ty nội bộ vì sẽ tạo thành sân sau cho việc chuyển giá.

Do vậy cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc thoái vốn ở các công ty đảm bảo nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý nói chung và việc cổ phần hóa nói riêng. Đặc biệt là tránh thất thoát và mua rẻ doanh nghiệp Nhà nước.

Đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ cũng đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Trong đó, Petrolimex đã ủy quyền cho các công ty con thuộc tập đoàn được ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu với sản lượng gần 4,5 triệu m3. Các công ty cổ phần của Petrolimex bán tái xuất xăng dầu với sản lượng gần 6,3 triệu m3.

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Petrolimex chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã được nêu trong kết quả và kết luận thanh tra.

Liên quan kết luận này, đại diện Petrolimex cho biết việc ủy quyền cho công ty con được ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác chỉ phát sinh duy nhất năm 2017.

Tập đoàn đã ban hành văn bản chỉ đạo các công ty xăng dầu thành viên dừng ký hợp đồng mua bán xăng dầu với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu kể từ ngày 1/7/2022. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra của Chính phủ, Tập đoàn đã dừng ủy quyền cho các công ty con ký hợp đồng tái xuất từ ngày 1/1/2024.

Song Anh

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/thoai-von-ngoai-nganh-tai-cac-doanh-nghiep-con-cham-vi-sao-123147.html