Thoát án tử nhờ làm từ thiện, cứu người bị tai nạn
Trong nhiều vụ án khi được đưa ra xét xử, việc từng cứu giúp người bị nạn, làm từ thiện được coi là tình tiết giảm án cho bị cáo.
Sát nhân thoát án tử vì "chăm" làm từ thiện
Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội khi xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt tử hình của bị cáo Mai Xuân Thái (SN 1982, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội giết người, đã chấp nhận và tuyên giảm còn chung thân đối với người này.
Mai Xuân Thái chính là hung thủ sát hại bạn gái trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào trưa 11/8/2022 gây rúng động dư luận Thủ đô.
Tòa án các cấp xác định, cuối năm 2021, Thái có vợ con song vẫn quan hệ tình cảm với chị Q (nhân viên ngân hàng, đã ly hôn). Sau nửa năm quen nhau, cuối tháng 6/2022, Thái và chị Q nảy sinh bất đồng.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Thái nghe bạn gái đòi chia tay, chấm dứt mối quan hệ này. Nhiều lần níu kéo tình cảm nhưng không được Q chấp nhận, Thái đã chặn đường giết bạn gái rồi tự sát bất thành.
Với những tình tiết gây án mạng nghiêm trọng này, Thái bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình. Tại phiên phúc thẩm cuối tháng 10, Mai Xuân Thái được tòa đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân và phía bị hại cũng có đơn xin giảm án cho Thái.
Đáng chú ý, hội đồng xét xử còn ghi nhận bị cáo có thêm tình tiết mới để xét, như tham gia thành lập một số hội, nhóm nhiều lần đi làm thiện nguyện. Luật sư của bị cáo xuất trình chứng cứ cho thấy Thái là một trong những tình nguyện viên gắn phao cứu sinh trên cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). Việc làm này với mục đích cứu những người tự tử.
Được giảm 3 năm tù nhờ giúp người bị nạn
Bùi Sĩ Công (SN 1983, trú TP Vinh, tỉnh Nghệ An) bị TAND tỉnh này tuyên phạt mức án 13 năm tù về tội Giết người. Theo bản án sơ thẩm, khoảng thời gian năm 2019, Công lập gia đình và có con, song anh ta vẫn nảy sinh quan hệ tình cảm nam nữ với chị N.T.T (SN 1985, người cùng địa phương).
Hệ quả của mối tình ngoài luồng này là Công và chị T có với nhau một con chung. Sau thời gian quan hệ, do mâu thuẫn chuyện tình cảm nên trưa 30/7/2019, Công đến gặp chị T để nói chuyện nhưng bị từ chối.
Do bực tức, hôm đó Bùi Sĩ Công đã đổ xăng phóng hỏa căn nhà nơi chị T và nhiều người đang cư trú. Hậu quả, T và 4 nạn nhân khác bị mắc kẹt trong đám cháy nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời nên không ai tử vong.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Công khai nguyên nhân đốt nhà do bột phát và không có chủ đích sát hại ai cả. Tuy nhiên, hội đồng xét xử kết án anh ta phạm tội Giết người.
Sau phiên sơ thẩm, Bùi Sĩ Công kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 30/7/2020, khi xét đơn kháng án của bị cáo này, TAND cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Công, giảm án 3 năm tù.
Theo cấp phúc thẩm, bị cáo đưa ra hai tình tiết mới và được tòa ghi nhận, đó là từng có công giúp Công an huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) phá một vụ án ma túy vào năm 2016. Đến năm 2018, Công tiếp tục giúp đỡ một số nạn nhân trong hai vụ tai nạn giao thông ở địa phương.
Được miễn án tù giam nhờ cứu phạm nhân tự tử
Sự việc hy hữu này xảy ra năm 2011, khi TAND TP Huế xét xử lưu động 4 bị cáo phạm tội danh đánh bạc. Trong số này có Trương Đình Minh (SN 1974, người địa phương).
Theo hồ sơ, ngày 13/7/2011, các bị cáo rủ nhau đi uống cà phê rồi đánh bạc ăn tiền bằng hình thức chơi bài phỏm. Hôm đó, họ đang sát phạt thì bị Công an phường An Hòa bắt quả tang, thu giữ hơn 7 triệu đồng trên chiếu bạc.
Điều gây bất ngờ ở vụ án này là trong thời gian bị tạm giam, Trương Đình Minh phát hiện có một phạm nhân đang thắt cổ tự tử, đã nhanh chóng cứu người này thoát chết.
Sau khi lượng hình, tòa sơ thẩm ghi nhận hành động cứu người của Minh nên miễn án phạt tù cho anh ta, song buộc bị cáo nộp phạt 5 triệu đồng. Còn các bị cáo khác lĩnh những mức án khác nhau.
Cứu người bị nạn - bài học nhân văn cho các bị cáo
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Tiến (Phó vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I của TAND cấp cao, nguyên thẩm phán TAND TP Hà Nội) chia sẻ một số căn cứ mà hội đồng xét xử các cấp áp dụng khi quyết định giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo phạm tội hình sự nhưng được ghi nhận từng làm việc thiện hoặc cứu giúp người bị nạn.
Theo ông Tiến, hành động tích cực cứu giúp người bị nạn rất đáng được biểu dương. Đối với bị cáo trong các vụ án, đây còn là tình tiết nếu có căn cứ rõ ràng sẽ được chấp nhận là tình tiết giảm nhẹ.
Cụ thể, căn cứ của việc này là Khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội mà lập công chuộc tội, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác… thì được xem xét giảm nhẹ.
Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bổ sung, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng đã có hướng dẫn về việc người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn.
Dẫn Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư nhấn mạnh việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của bộ luật, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân của phạm người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
"Bị cáo làm từ thiện hoặc cứu giúp nhiều người thì khi xét xử, tòa án sẽ xem xét để xác định đó có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không, nếu có thì ghi rõ lý do", luật sư nhìn nhận.
Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng đồng tình và cho rằng, về mặt đạo đức xã hội luôn khuyến khích mọi người làm việc thiện, cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn hay hỗ trợ các trường hợp không may gặp tai nạn giao thông trên đường.
Theo luật sư Dũng, những hành động này thể hiện tính nhân văn giữa con người với nhau. Do đó, trong các vụ án hình sự, hội đồng xét xử các cấp sẽ xem xét tính chất của việc thiện đó, từ đó có nhiều khả năng hơn trong việc chấp nhận đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Dũng, cứu giúp người bị nạn là tình tiết giảm nhẹ cho nhiều bị cáo. Điều 132 Bộ luật Hình sự cũng quy định về "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; hoặc người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp, bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, bị phạt tù từ 3-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Trong trường hợp là người gây tai nạn giao thông bỏ trốn khỏi hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, không giữ đúng hiện trường là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm c, khoản 2, Điều 202, Bộ luật Hình sự.