Thoát nghèo nhờ khai thác hiệu quả kinh tế biển

Từ nhiều năm qua, hàng trăm tàu cá công suất lớn của ngư dân ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền và TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) ngày đêm kiên trì bám biển, khai thác hiệu quả tiềm năng từ biển. Không chỉ cho nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình, nguồn lợi từ biển còn giúp nhiều hộ ngư dân tích lũy được nguồn vốn để đóng mới tàu cá công suất lớn, cải hoán máy móc, mua sắm thêm ngư lưới cụ...

Trong thời tiết nắng ráo vào sáng 9/6, nhiều tàu cá công suất lớn của ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cập cảng Thuận An (phường Thuận An, TP Huế) để bán hải sản. Các chủ tàu phấn khởi khi chuyến biển dài ngày đánh bắt được nhiều tôm, cá, trong đó phần lớn là cá nục, cá thu, cá ngừ và các loại hải sản có giá trị kinh tế. Ông Nguyễn Mạnh Hải (ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) chủ tàu cá công suất hơn 500CV cho biết, bình quân mỗi chuyến biển ra khơi dài ngày, tàu cá của ông đánh bắt được 5 đến 7 tấn hải sản.

Tàu cá công suất lớn giúp ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế nâng cao năng suất khai thác hải sản.

Tàu cá công suất lớn giúp ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế nâng cao năng suất khai thác hải sản.

"Tuy nguồn lợi hải sản đang ngày càng giảm đi nhưng với sự đoàn kết của các thuyền viên đi trên tàu, cùng với thiết bị dò tìm luồng cá hiện đại, ngư lưới cụ mới được đầu tư trang bị nên tàu chúng tôi đánh bắt được lượng lớn hải sản. Sau khi trừ chi phí nhiên liệu xăng dầu thì vẫn còn một khoản kinh phí để chia cho các thuyền viên đi trên tàu. Đây chính là động lực giúp các ngư dân kiên trì bám tàu, bám biển", ông Hải chia sẻ.

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động ngư dân bám biển đánh bắt xa bờ, đầu tư tăng năng lực khai thác thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ và nguồn vốn trong nhân dân. Nhờ thế nên đến nay, toàn xã có hơn 200 tàu thuyền, trong đó có 53 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác biển của xã hàng năm đạt 7.000 đến 8.000 tấn. Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, nhờ sự cần mẫn, nỗ lực khai thác nguồn lợi hải sản và trúng "lộc biển" đã giúp nhiều ngư dân ở xã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Sau nhiều năm bám biển, không ít ngư dân đã đầu tư cải hoán máy móc tàu cá, mua sắm mới ngư lưới cụ để nâng cao hiệu quả khai thác tôm, cá trên biển. Ngoài khai thác tiềm năng kinh tế biển, người dân ở các thôn An Dương 2, An Dương 3 của xã Phú Thuận còn chú trọng phát triển nghề chế biến thủy hải sản khi toàn xã có hơn 300 hộ dân chuyên làm nghề chế biến mắm và nước mắm các loại. Hiện ở các thôn này có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất hơn 2 triệu lít nước mắm/năm để cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện toàn tỉnh có 679 tàu cá đánh bắt xa bờ có đăng ký trên hệ thống dữ liệu quốc gia, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên là 431 chiếc và đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Số lượng thuyền nan truyền thống công suất nhỏ hoạt động khai thác hải sản bãi ngang ven bờ khoảng 1.400 chiếc. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Thừa Thiên-Huế hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 độ vĩ Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và trong ranh giới của vùng biển Việt Nam. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 6/2023, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản của ngư dân toàn tỉnh ước đạt 31.000 tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

"Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình ở địa phương với hơn 21.000 lao động, trong đó lao động khai thác hải sản xa bờ khoảng 5.000 người. Trong những năm qua, khai thác kinh tế biển và đầm phá đang trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, giúp ngư dân thay đổi cuộc sống và nhờ thế, nhiều làng quê ven biển khởi sắc từng ngày", Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đình Đức thông tin thêm.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển cả, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng nghề cá tại cảng cá Thuận An, cảng cá Tư Hiền, khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải để sớm đưa vào sử dụng trong năm 2023. "Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ khai thác hải sản ở vùng biển xa, qua đó khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu xa bờ để bám biển dài ngày hơn. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi khai thác hải sản trên vùng biển xa", ông Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/thoat-ngheo-nho-khai-thac-hieu-qua-kinh-te-bien-i696456/