Thoát nghèo từ nuôi bò thương phẩm

Việc nuôi bò thịt của nông dân xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) được xem là hướng đi phù hợp trong phát triển chăn nuôi. Từ mô hình này, nhiều hộ nông dân có việc làm tại chỗ, mức thu nhập ổn định, đời sống và kinh tế gia đình từng bước nâng lên.

Sau thời gian nghiên cứu, học hỏi các mô hình nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Trần Minh Vương (ngụ ấp Bình Hòa 2) nhận thấy nhà mình khá cách xa khu dân cư, có nhiều lợi thế chăn nuôi. Con vật nuôi mang lại nhiều tiềm năng, hiệu quả kinh tế được anh chọn là bò thịt thương phẩm.

Duy trì thực hiện mô hình hơn 3 năm nay, gia đình anh tận dụng phần đất trống phía sau nhà đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và mua bò về nuôi. Anh Vương cho biết: "Hiện nay, tôi nuôi tổng số 9 con bò thương phẩm, trung bình mỗi con nuôi 12 - 18 tháng, bán ra thị trường thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/con. Quá trình nuôi không mất nhiều diện tích đất, khâu chăm sóc không chiếm nhiều thời gian. Ngoài ra, tôi còn tận dụng phân bò để bán cho nhà vườn trồng cây, tăng thêm thu nhập". Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho mô hình cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, để người nuôi có lợi nhuận, không bị thương lái “nhận” giá… Nông dân cũng cần được hỗ trợ, hướng dẫn về mặt kỹ thuật, giúp bò đạt được chất lượng thịt cao hơn, nguồn sản phẩm đầu ra có thể vào được siêu thị, thậm chí xuất khẩu.

Mô hình chăn nuôi bò thịt đang phát triển ở xã Mỹ Khánh

Mô hình chăn nuôi bò thịt đang phát triển ở xã Mỹ Khánh

Nhận thấy tiềm năng từ chăn nuôi bò thịt, mới đây xã Mỹ Khánh thành lập mô hình “Tổ cộng đồng chăn nuôi bò thịt”, giúp hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện tăng gia sản xuất. Đây là mô hình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Là một trong những hộ mới thoát nghèo may mắn nhận bò về nuôi, anh Phan Thanh Giang (ngụ ấp Bình Hòa 1) khá phấn khởi vì có thêm điều kiện nâng cao thu nhập.

Sau gần 2 tháng, anh nhận thấy ưu điểm nổi bật của nghề nuôi bò thịt là ít bị dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc. Hiện nay, anh mong giá bò được ổn định, để người nuôi yên tâm tập trung chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Giang bộc bạch: “Trước đây, tôi ao ước có một ít vốn để chăn nuôi, lo cho con ăn học. Giờ có nguồn vốn nuôi bò, tôi rất mừng, cám ơn lãnh đạo địa phương đã xem xét hỗ trợ gia đình lúc khó khăn. Tôi hứa sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt, chí thú lao động để thoát nghèo bền vững trong thời gian tới”.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh Phạm Quang Đệ thông tin: “Thời gian trước, chúng tôi thực hiện nhiều tổ và mô hình chăn nuôi bò thịt trong cộng đồng dân cư. Qua khảo sát, nhận thấy điều kiện của từng hộ có đủ diện tích, mặt bằng, đảm bảo vệ sinh môi trường, UBND xã mạnh dạn đề xuất Phòng Kinh tế, UBND thành phố chấp thuận thành lập Tổ cộng đồng chăn nuôi bò thịt. Mô hình sẽ hỗ trợ vốn, con giống cho các hộ dân, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững”.

Có thể thấy, mô hình chăn nuôi bò thịt khá phù hợp với sự phát triển nông nghiệp của bà con nông dân xã Mỹ Khánh. Mô hình không chỉ tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, tận dụng tốt nguồn cỏ dại, rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xã Mỹ Khánh thực hiện tốt việc duy trì, nâng chất, hoàn thành tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024.

NGUYỄN HƯNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thoat-ngheo-tu-nuoi-bo-thuong-pham-a409369.html