Thoát nước mưa đô thị, đường nào 'ngắn' nhất?

Những ngày gần đây, khu vực Hà Nội có mưa dông diện rộng dẫn đến ngập úng cục bộ tại nhiều tuyến phố. Câu chuyện về 'hễ mưa là ngập' rõ ràng chưa thể giải quyết được trong một sớm một chiều, tuy nhiên việc cần làm bây giờ là tập trung phát huy hiệu quả của hệ thống hiện có, bảo đảm thoát nước nhanh nhất.

Sớm đưa nước về nguồn tiêu

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trong suốt gần 1 tuần qua, nhiều địa phương của Hà Nội đều ghi nhận lượng mưa lớn, đơn cử như tại Hoàng Mai là 115mm, Nam Từ Liêm 105mm, Thanh Xuân 70mm, Thường Tín 79mm/ dưới 2 giờ. Với lượng mưa lớn như vậy, người dân Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, gây ách tắc giao thông tại nhiều tuyến phố. Trên thực tế, đây cũng là tình huống được dự báo từ trước khi mà hệ thống hạ tầng vẫn chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa và nhiều dự án thoát nước đang bị chậm tiến độ.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội ứng trực tại các khu vực ngập úng nhằm sớm đưa nước về nguồn tiêu.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội ứng trực tại các khu vực ngập úng nhằm sớm đưa nước về nguồn tiêu.

Để đảm bảo kế hoạch thoát nước mùa mưa 2024, trên cơ sở nhiệm vụ được Thành phố giao, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xây dựng nhiều kế hoạch với từng kịch bản chi tiết với mục tiêu đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, bảo đảm thoát nước nhạnh với trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực đã được cải tạo, góp phần giảm thiểu ô nhiễm chung trên địa bàn Thành phố.

Theo ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện công tác duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Công ty là đơn vị chủ lực của Thành phố đã trúng và thực hiện 3/6 gói thầu công tác thoát nước do Thành phố quản lý với khối lượng khoảng 80% trong phạm vi 12/12 quận, 11/17 huyện. Với hệ thống thoát nước do quận/huyện quản lý theo phân cấp, Công ty thực hiện tại 10/12 quận, 10/17 huyện. Về công tác xử lý nước thải, công ty thực hiện quản lý vận hành 2/7 nhà máy xử lý nước thải tập trung do Thành phố quản lý và vận hành xử lý nước thải của tòa nhà Quốc hội.

Đối với Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá - dự án trọng điểm, đóng vai trò quan trọng và quyết định trong hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ nước thải đô thị của thành phố được thu gom, xử lý đạt 50-55% theo Chương trình số 03-CTr/TU và Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy, Công ty đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố trong thi công các gói thầu bảo đảm tiến độ, đáp ứng yêu cầu về phòng chống úng ngập. 6 tháng đầu năm 2024, so với chỉ tiêu Thành phố giao thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì, Công ty đã thực hiện được 342.000m3 bùn, đạt chỉ tiêu trên 60% khối lượng thành phố giao; thực hiện 22 hạng mục công trình bảo dưỡng, sửa chữa các trạm bơm đạt trên 50% khối lượng Thành phố giao.

Cũng theo ông Trịnh Ngọc Sơn, triển khai các kịch bản sớm đưa nước về nguồn tiêu, đơn vị đã ứng trực kịp thời, bảo đảm thoát trong các trận mưa lớn như trận mưa vào đêm, rạng sáng ngày 9/6, lượng mưa cao nhất tại quận Long Biên đạt 127mm, quận Hoàng Mai đạt 100mm, huyện Thanh Trì 141/mm; trận mưa ngày 12/5, lượng mưa cao nhất tại quận Hà Đông đạt 180mm... Tình hình úng ngập trong khu vực nội thành cơ bản được cải thiện, thời gian và mức độ úng ngập đã giảm.

Xây dựng các phương án “hạ nhiệt”

Chia sẻ về việc thực hiện kế hoạch thoát nước mùa mưa năm 2024, ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết thêm, mưa lớn bất thường, khốc liệt không theo quy luật sẽ thường xuyên diễn ra, khiến việc thoát nước, phòng, chống úng ngập trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, hệ thống thoát nước Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch được cải tạo cơ bản, đáp ứng tiêu thoát lượng mưa 310mm/ngày. Các lưu vực sông khác chưa được cải tạo, xây dựng theo quy hoạch, nhất là thiếu các trạm bơm đầu mối, không chủ động được nguồn tiêu. Tốc độ đô thị hóa ở khu vực này rất cao, gây áp lực lớn cho hệ thống thoát nước hiện có.

Được biết, để chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, mưa bão, các trận mưa lớn bất thường, đối với một số điểm cục bộ, cố hữu như trên đường Đội Cấn, đoạn từ Liễu Giai đến Bưởi (đoạn từ ngã 4 Đội Cấn - Liễu Giai đến ngã 3 Đội Cấn - Bưởi), Sở Xây dựng Hà Nội đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất công trình sửa chữa cống thoát nước tại ngã ba Linh Lang - Đội Cấn để phân lưu lượng nước từ phố Đội Cấn thoát về phố Linh Lang, thực hiện trong năm 2024. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đang đề xuất, nghiên cứu cống hóa mương Ao Dài (ngõ 518 Đội Cấn) phục vụ tiêu thoát nước cho nước từ phố Đội Cấn thoát qua cống hóa mương Ao Dài ra cống hóa mương Liễu Giai Cống Vị - Sông Tô Lịch.

Còn về tuyến phố Cao Bá Quát (đoạn trước cổng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị), đây là điểm đen về ngập nước trên địa bàn thành phố. Mặc dù tuyến đường đã được đầu tư đầy đủ hệ thống thoát nước theo Quy hoạch, tuy nhiên việc ngập nước là do mặt đường trũng cục bộ thấp hơn xung quanh gần 1m gây nên thoát nước chậm, ngập cục bộ mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Giao thông vận tải nghiên cứu báo cáo, đề xuất giải pháp.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng đã thống nhất chủ trương giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng để chống úng ngập khu vực phố cổ. Rõ ràng, đây chỉ là những giải pháp cục bộ, hạ nhiệt đơn cử như việc vận hành hầm thu nước đầu tiên của Thành phố nằm dưới sân Trường THCS Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Khuyến) - hầm thu nước mưa đầu tiên của thành phố Hà Nội dù chưa ngăn chặn toàn bộ việc ngập úng, nhưng cũng đã góp phần giảm đến 70% tác động ảnh hưởng.

Dẫu sao, đây cũng chỉ là những giải pháp “hạ nhiệt” trước mắt, về giải pháp lâu dài, thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật và lồng ghép vào đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội sẽ lập kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2026-2030.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thoat-nuoc-mua-do-thi-duong-nao-ngan-nhat-171997.html