Thoát nước mùa mưa: 'Đến hẹn'… lại lo!

Những diễn biến phức tạp của thời tiết, những bất cập của hạ tầng đô thị khiến công tác chống úng ngập năm 2023 của Hà Nội vẫn chưa có nhiều khởi sắc so với các năm trước đây. Tình trạng 'giật gấu vá vai, thủng đâu đắp đó' vẫn là bài toán nan giải của các đơn vị trong ngành Thoát nước Hà Nội.

Nhiều điểm úng ngập sau mưa

Chỉ mới trải qua vài cơn mưa đầu mùa nhưng khu dân cư số 49 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, đã ngập sâu, nhiều nơi nước tràn vào nhà khiến người dân khổ sở. Bà Nguyễn Thị Phúc, tổ dân phố 49, ngao ngán: “Mưa lớn đã đành, đây mưa chỉ liu riu vài giờ nước cũng đã ngập sâu mấy ngày mới thoát hết, tình trạng này làm xáo trộn mọi sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh”. Nguyên nhân được người dân phản ánh là do hệ thống thoát nước chính của khu bị xây lấn chiếm, thu nhỏ trong khi đường thoát nước của Thành phố lại nằm xa khu vực khiến toàn tổ dân phố như một lòng chảo hứng nước mưa mà không có chỗ thoát.

Chỉ mới trải qua một cơn mưa nhỏ đầu mùa nhưng người dân tổ dân phố 49 Bạch Đằng cũng đã phải chịu cảnh úng ngập trong nhiều ngày.

Chỉ mới trải qua một cơn mưa nhỏ đầu mùa nhưng người dân tổ dân phố 49 Bạch Đằng cũng đã phải chịu cảnh úng ngập trong nhiều ngày.

Cách đó không xa, phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy là địa điểm thường xuyên xảy ra úng ngập mỗi khi lượng mưa từ 50-70mm diễn ra trong thời gian một giờ. Theo đại diện Xí nghiệp Thoát nước số 3, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến úng ngập là do vị trí úng ngập thấp hơn khu vực xung quanh khoảng 30cm, cho nên khi mưa, nước dồn về nhanh. Việc tiêu thoát nước tại đây phụ thuộc vào tuyến cống phố Minh Khai và mương Vĩnh Tuy. Tuy nhiên, dự án cống hóa mương Vĩnh Tuy đã hoàn thành thi công, nhưng chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, duy tu. Lượng bùn đất trong lòng cống tồn đọng lớn, đáy cống không bảo đảm độ dốc, ảnh hưởng đến việc tiêu, thoát nước.

Hai ví dụ trên cho thấy những vướng mắc về hạ tầng cùng với diễn biến thời tiết cực đoan chính là những nguyên nhân gây nên tình trạng úng ngập cục bộ của Hà Nội. Hiên, Hà Nội vẫn chưa xây dựng được bài toán tổng thể cho quy hoạch thoát nước mà vẫn chỉ là “thủng đâu vá đó”. Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trong năm 2023, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/giờ, Hà Nội sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố. Song, đối với các trận mưa có lượng mưa từ 50 - 70mm/giờ, Hà Nội dự kiến sẽ có 11 điểm/khu vực úng ngập gồm phố: Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp. Ngoài ra, 1 điểm Nguyễn Chính đã được đầu tư cải tạo thoát nước năm 2022, cần theo dõi đánh giá trong mùa mưa năm nay.

Đặc biệt, với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến trên địa bàn thành phố xuất hiện thêm 19 điểm/khu vực úng ngập cục bộ, gồm: Phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng, phố Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Ecohome3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh).

Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại các khu vực trên là do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật và các công trình thoát nước đầu mối theo quy hoạch chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống thoát nước vẫn chủ yếu bằng phương pháp tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây… Ngoài ra, một số dự án thi công kéo dài như: Dự án xây dựng nhà ga S12 - dự án Đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); dự án nạo vét sông Cầu Bây; dự án thi công tuyến kênh La Khê thuộc dự án Cải tạo hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội; dự án cống hóa mương Thụy Khuê… và một số dự án thoát nước đã hoàn thành nhưng chậm bàn giao đưa vào sử dụng như hệ thống thoát nước thuộc gói thầu CP3, CP4 dự án Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiêu thoát nước tại Thủ đô.

Liên quan đến công tác thoát nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết: Ngay từ khi kết thúc mùa mưa năm 2022, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, nạo vét các trục mương, cống thoát nước chính, nạo vét duy trì hệ thống cống, ga thu, cống ngang, cống ngầm, kênh dẫn... Đặc biệt, đơn vị chú trọng tới các trục tiêu thoát chính và các điểm úng ngập, các tuyến kênh dẫn vào ra các trạm bơm: Yên Sở, Đồng Bông, Bắc Thăng Long - Vân Trì... bảo đảm độ dốc thủy lực, thông thoáng dòng chảy.

Được biết, nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước, Sở Xây dựng đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố tổ chức triển khai lập đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá tác động môi trường 8 dự án thoát nước gồm: Dự án Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 740 tỷ đồng; dự án Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, thị xã Sơn Tây với tổng mức đầu tư là 501 tỷ đồng; dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy nước xử lý nước thải Yên Sở với tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ, giai đoạn 1 với kinh phí 1.300 tỷ đồng (tổng mức đầu tư là 7.169 tỷ đồng); xây dựng dự án trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và xây dựng tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên, tổng mức đầu tư là 789,982 tỷ đồng; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ, tổng mức đầu tư là 2.950 tỷ đồng; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ, tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng và dự án cải thiện thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm với tổng mức đầu tư là 4.740 tỷ đồng.

Có thể nói, việc triển khai xây dựng các dự án nhằm nâng cao năng lực thoát nước của Thủ đô là hết sức cần thiết, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi mà mùa mưa 2023 đang đến gần với nhiều cảnh báo bất thường thì hiện trạng hệ thống thoát nước của Thành phố vẫn chưa có gì thay đổi với nhiều nguy cơ úng ngập cục bộ.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thoat-nuoc-mua-mua-den-hen-lai-lo-157027.html