Thời cơ cho cà phê chế biến xuất khẩu
Cà phê chế biến chủ yếu dưới dạng rang xay và hòa tan xuất khẩu đang tăng trưởng rất mạnh về số lượng và giá trị
Cà phê chế biến chủ yếu dưới dạng rang xay và hòa tan xuất khẩu đang tăng trưởng rất mạnh về số lượng và giá trị giữa lúc giá nguyên liệu đang đứng ở mức kỷ lục và xuất khẩu nguyên liệu giảm về số lượng
Nhìn vào số liệu thống kê của ngành cà phê những năm gần đây, yếu tố giá cả tăng đột biến gây sự chú ý của thị trường nhưng sự tăng trưởng ở mảng chế biến cũng là điểm sáng gây bất ngờ.
Bất ngờ vươn mình
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 đạt 89.941 tấn, với kim ngạch 511 triệu USD. Sản lượng này chiếm 5,4% tổng lượng xuất khẩu (chưa quy đổi về cà phê nhân) nhưng giá trị chiếm đến 12,5%. Giá xuất khẩu bình quân trong niên vụ này là 5.676 USD/tấn.
Sang niên vụ 2023-2024, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh tới 42%, lên mức 127.543 tấn, chiếm 8,8% tổng lượng xuất khẩu, trong khi giá trị đóng góp gần 18%, nhờ mức giá xuất khẩu bình quân tăng lên 7.616 USD/tấn.
Riêng tháng 11-2024, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được 10.004 tấn cà phê chế biến, với kim ngạch đạt hơn 100 triệu USD. Mặc dù sản lượng chỉ chiếm 16,5% nhưng giá trị xuất khẩu lại chiếm đến 26,8% nhờ đơn giá xuất khẩu lên tới 10.025 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.
Những con số này cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng của ngành cà phê chế biến Việt Nam. Đồng thời, phản ánh tiềm năng lớn của ngành trong việc nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.
Bình luận về diễn biến mới này, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, đồng thời là Phó Chủ tịch VICOFA - cho biết khi mặt bằng giá cà phê lên cao tạo điều kiện thuận lợi cho cà phê chế biến của các thương hiệu mới. "Ở điều kiện mặt bằng giá thấp, nhà nhập khẩu ưu tiên nhập cà phê chế biến từ các DN có thương hiệu lâu đời. Còn hiện tại, các DN mới có cơ hội bán hàng vì giá rẻ hơn do có lợi thế về nguyên liệu và chất lượng không kém. Hơn nữa, nhiều nhà máy chế biến cà phê tại Việt Nam trước giờ chạy dưới công suất nên khi thị trường mở ra, họ đã tận dụng được cơ hội ngay mà không cần đầu tư thêm" - ông Đỗ Hà Nam phân tích.
Riêng tại Intimex, trước đây cà phê chế biến chủ yếu bán nội địa thì nay có thêm khách hàng quốc tế. Hiện tại, DN này đã có mặt trong tốp 50 DN xuất khẩu cà phê chế biến dẫn đầu Việt Nam, với mức tăng trưởng lên đến 50%. "Nhà máy chúng tôi đã hoạt động hết công suất và đang trong giai đoạn mở rộng. Intimex phấn đấu sẽ trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê chế biến tốp đầu Việt Nam với công suất khoảng 20.000 tấn cà phê hòa tan/năm. Còn hiện tại, công suất chế biến cà phê hòa tan của Intimex khoảng 4.000 tấn và sẽ nâng lên gấp đôi trong năm tới" - ông Đỗ Hà Nam thông tin.
Tấp nập xuất khẩu
Theo ghi nhận, gần đây, nhiều DN cà phê Việt công bố tham gia xuất khẩu cà phê chế biến như thương hiệu Miss Ede (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại Ede, Đắk Lắk) công bố xuất khẩu container cà phê rang xay thành phẩm đầu tiên sang Mỹ vào ngày 1-12.
Cũng trong tháng 12, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam công bố xuất khẩu lô sản phẩm cà phê chế biến sâu đầu tiên mang thương hiệu Vietnam Coffee sang Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu, gồm: cà phê hạt rang, cà phê rang xay và cà phê hòa tan với nhiều hương vị khác nhau. DN cà phê này đặt kỳ vọng gia tăng tỉ trọng sản phẩm chế biến sâu trong tổng doanh thu xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (thương hiệu Meet More), nhận định rằng cà phê hòa tan đang có tốc độ tăng trưởng mạnh, đạt mức 30% nhờ vào sự tiện lợi, đa dạng hương vị và mức giá phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Hiện tại, Meet More cung cấp nhiều loại cà phê hòa tan độc đáo như cà phê muối biển, cà phê chuối, xoài, dâu và khoai môn, những sản phẩm này đang được khách hàng quốc tế ưa chuộng.
Tuy nhiên, đối với cà phê rang xay, việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn do gu thưởng thức cà phê của người Việt Nam khá khác biệt so với thế giới. Theo ông Luận, chỉ khi đẩy mạnh chế biến sâu và gắn sản phẩm với thương hiệu DN, cà phê Việt Nam mới thực sự được nhận diện trên thị trường quốc tế. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nguyên liệu nên người tiêu dùng nước ngoài dù thưởng thức cà phê Việt nhưng không biết đến nguồn gốc sản phẩm.
Ông Đỗ Hà Nam thông tin thêm cà phê chế biến của Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc. Trong những năm gần đây, giá xuất khẩu sang thị trường này luôn ở mức cao, chủ yếu do bán sản phẩm đã qua chế biến. "Trung Quốc là thị trường tiềm năng mới của cà phê Việt Nam, đặc biệt khi xu hướng tiêu dùng của giới trẻ và thế hệ 9X tại đây đang dần chuyển từ trà truyền thống sang cà phê. Mặc dù Trung Quốc có sản xuất cà phê nhưng sản lượng trong nước rất hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng" - ông Nam nói.
Biên lợi nhuận cao
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, trước đây, DN Việt bị yếu thế ở mảng xuất khẩu do các yếu tố như: vốn ban đầu để đầu tư nhà máy cao (khoảng 35 triệu USD cho nhà máy cà phê hòa tan công suất 3.000 tấn/năm); khó khăn về đầu ra, đặc biệt ở các thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng như cần thời gian dài để có thời gian tiếp thị, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, gần đây, những yếu tố trên dần được cải thiện nên có thêm nhiều DN Việt trong danh sách các DN dẫn đầu về xuất khẩu cà phê chế biến sâu. Ngoài Trung Nguyên còn có các thương hiệu mới như: Intimex, An Thái, Vĩnh Hiệp, Simexco DakLak, Vinacafe Biên Hòa, King Coffee TNI... Xuất khẩu cà phê chế biến sâu có đơn giá cao, biên độ lợi nhuận tốt và có yếu tố bền vững cao.
Xuất khẩu nguyên liệu vẫn là chủ lực
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê trên thế giới chủ yếu là cà phê nhân (nguyên liệu) chiếm khoảng hơn 89%, cà phê hòa tan hơn 10% còn cà phê rang khoảng 0,5%. Brazil là nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới và tỉ lệ xuất khẩu cà phê nhân cũng khoảng 88%. Nguyên do, cà phê nguyên liệu thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản nên các nhà nhập khẩu ưu tiên nguyên liệu để chế biến theo "gu" của thị trường. Ngoài ra, trước đây các thị trường như châu Âu bảo vệ các nhà máy chế biến trong nước nên miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu cà phê nhưng đánh thuế cao cà phê chế biến. Điều này khiến cho cà phê chế biến xuất khẩu chậm tăng trưởng trong thời gian dài.
Liên quan đến giá cà phê, ngày 10-12 vừa qua, giá cà phê Arabica vọt lên mức 348,35 US cent/pound, mức cao nhất kể từ năm 1977 khi tuyết phá hủy các cánh đồng cà phê tại Brazil. Đây là loại cà phê phổ biến nhất thế giới, chiếm phần lớn thị trường tiêu thụ toàn cầu.
Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này là do hạn hán nghiêm trọng, nhiệt độ cao và sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ một số ít quốc gia sản xuất, đặc biệt là Brazil. Năm 2023, Brazil trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm vào tháng 8 và tháng 9, sau đó là mưa lớn vào tháng 10 khiến cây cà phê khó phát triển bình thường.
Theo đài CNBC, cà phê là mặt hàng giao dịch nhiều thứ hai sau dầu thô. Sự bất ổn về thời tiết khiến giới đầu tư lo ngại vụ mùa năm 2025 sẽ thất bát. Ông David Oxley từ Capital Economics nhận định, giá cà phê chỉ giảm khi nguồn cung ổn định và lượng hàng dự trữ được bổ sung, điều này có thể mất nhiều năm. Ông Carlos Mera từ Rabobank cảnh báo tình hình thời tiết khắc nghiệt ngày càng đe dọa ngành cà phê. Nếu điều kiện này tiếp tục kéo dài, giá cà phê có thể còn tăng cao hơn mức kỷ lục hiện nay.
X.Mai - N.Ánh
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-co-cho-ca-phe-che-bien-xuat-khau-196241213210039351.htm