Thời cơ để Việt Nam bước vào nhóm các nước thu nhập cao
Vượt lên mọi khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng tầm vị thế, uy tín của đất nước, tạo vận hội mới, thời cơ mới, thuận lợi mới để chuyển mình theo các mục tiêu Ðại hội Ðảng XIII đặt ra: Ðến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ đô Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)
Ba “cửa ải” để hóa rồng
Tại Tọa đàm đối thoại chính sách 30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới do Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức, GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định: Trong hơn ba thập kỷ gần đây, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường, có độ mở lớn và định hướng xuất khẩu, chuyển từ nền kinh tế thu nhập thấp dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế có thu nhập trung bình.
Tiếp nối thành công này, Ðảng và Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Ðể đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm là 7% trong vòng 20 năm tới.
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo mang đến cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững về kinh tế, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức to lớn. Ðó là tình trạng gia tăng thất nghiệp; thách thức về chính trị, xã hội, thể chế; các vấn đề về hạ tầng; rủi ro lớn hơn về an toàn, an ninh thông tin và rủi ro về cạnh tranh và tụt hậu...
Theo đánh giá chung của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, tăng trưởng mà Việt Nam có được trong thời gian qua phần lớn là do tác động của tự do hóa đúng thời điểm, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên phong phú, lao động dồi dào... Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm Ðổi mới của Việt Nam, GS, TS Ngô Thắng Lợi, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định nền kinh tế đã vượt qua hai “cửa ải” lớn. Ðó là bảo đảm được an ninh lương thực; vượt qua được mức thu nhập trung bình thấp và xây dựng được nền tảng cho một nước công nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam chưa vượt qua được “cửa ải” thứ ba là trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
GS Trần Văn Thọ (Ðại học Waseda, Nhật Bản) cũng nhận định nguyên nhân khiến Việt Nam chưa có một giai đoạn phát triển cao (tăng trưởng trung bình 10%/năm liên tục trong hơn 10 năm) là do khu vực công nghiệp chưa đủ mạnh để kéo theo sự dịch chuyển mạnh mẽ, trình độ công nghiệp hóa của nền kinh tế ở mức tương đối thấp so với các nước Ðông Á trong cùng giai đoạn dân số vàng.
Những hạn chế này được vị giáo sư chỉ ra bên cạnh việc điểm lại những thành tựu lớn Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua như thành công về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách thương mại thành công và sự trỗi dậy của một số doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao như VinGroup, Viettel, FPT…
Tăng trưởng nhanh gắn với chất lượng
Theo các chuyên gia kinh tế, từ năm 2024-2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao. Ðây là dấu mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế nước ta, đặc biệt là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ðể không vướng bẫy thu nhập trung bình, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có những định hướng chiến lược, những hành động cụ thể để duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách bền vững và trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai.
GS, TS Ngô Thắng Lợi cho rằng để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam không thể không tăng trưởng nhanh nhưng phải gắn với chất lượng tăng trưởng. Ðiều này đòi hỏi phải có mô hình phát triển hài hòa nhằm có những tác động tốt nhất từ tăng trưởng cho tiến bộ xã hội. Giải pháp cho chặng đường phía trước của nền kinh tế Việt Nam là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng cho các vùng động lực và kết nối vùng kinh tế động lực với các vùng khác, nhất là vùng chậm phát triển để có thể trực tiếp tham gia vào quá trình tạo thu nhập.
Quá trình tăng trưởng nhanh cũng không thể thiếu sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp. Do đó cần thúc đẩy doanh nghiệp lớn mạnh hơn thông qua các giải pháp tạo sân chơi bình đẳng cho cả ba loại hình doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó chú trọng hơn nữa chính sách cho khu vực tư nhân, đề cao vai trò của các doanh nghiệp “sếu đầu đàn”. Kinh nghiệm thế giới cho thấy các quốc gia có thể đạt mức thu nhập trung bình nhờ tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập quốc tế nhưng để đạt mức thu nhập cao hơn đòi hỏi phải có chính sách để kích thích sự năng động của khu vực tư nhân.
Trong khi đó, GS Trần Văn Thọ khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng và thực hiện 5 chính sách để trở thành quốc gia có thu nhập cao. Ðó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất; chính thức hóa khu vực phi chính thức, tăng quy mô doanh nghiệp để đẩy mạnh tích lũy tư bản; cải cách và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất để phân bổ nguồn lực có hiệu quả hơn; cung cấp lao động có kỹ năng và khuyến khích hoạt động nghiên cứu phát triển để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo.
Nhấn mạnh đến yêu cầu tăng năng suất, GS Trần Văn Thọ cho rằng muốn tăng năng suất cần có sự dẫn dắt của công nghệ và cải cách thể chế. Lợi thế của nền kinh tế Việt Nam về lao động giá rẻ sẽ kết thúc, điểm mấu chốt để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là cần tăng liên tục năng suất lao động. Trong khoảng một thập niên tới, mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực là các yếu tố tăng năng suất cho Việt Nam. Ðồng thời, cần chuẩn bị cho thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt khoảng 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%.