Thời cơ mới cho các dự án phát triển lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc vừa thành lập một cơ quan tham vấn nhằm thúc đẩy các dự án phát triển lớn tại Việt Nam. Đây được xem là thời cơ mới, thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư Hàn-Việt.
Nguồn tin của hãng Yonhap cho biết, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 2/5 đã lập một cơ quan tham vấn bao gồm các quan chức chính phủ và công ty nhằm thúc đẩy các dự án phát triển lớn tại Việt Nam.
Cùng với đó, quan chức cấp cao của các công ty năng lượng và xây dựng quốc doanh cũng như các nhà đầu tư và cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp đầu tiên để rà soát chi tiết các dự án sắp tới tại Việt Nam.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc sẽ chia 24 dự án lớn làm 3 nhóm gồm kỹ thuật, mua sắm và xây dựng; thăm dò mỏ khí đốt; xây dựng-hoạt động-chuyển giao nhằm cung cấp hỗ trợ cụ thể cho quá trình triển khai dự án.
Đây được xem là thời cơ mới cho các dự án phát triển lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 3 vừa qua.
Việt Nam hiện giữ vị trí trung tâm trong “Chính sách hướng Nam mới” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, với việc Hàn Quốc trở thành đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Tính đến tháng 3/2018, tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt 59 tỷ USD. Số doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã lên tới 5.500 doanh nghiệp, chiếm một nửa số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời, giữ vai trò tích cực trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam, như công nghiệp điện tử, năng lượng, ô tô, may mặc, xây dựng, dịch vụ..., góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư của Hàn Quốc đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn như Samsung, Lotte.
Quy mô thương mại Việt Nam-Hàn Quốc không ngừng gia tăng, đạt 64 tỷ USD vào năm 2017. Hai nước thể hiện quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ nâng giá trị thương mại hai chiều lên mức 100 tỷ USD, gắn với cân bằng thương mại, cùng tạo điều kiện cho hàng hóa của nhau.
Nhiều tập đoàn Hàn Quốc đang tập trung tìm hiểu về thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán và bảo hiểm của Việt Nam; các điều kiện mới mà Chính phủ Việt Nam tạo ra nhằm phát triển kinh tế.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc có nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam trên các lĩnh vực công nghệ cao như nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện đại, khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn về giao thông, khu công nghiệp, đô thị thông minh tại các đặc khu hành chính-kinh tế, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Doanh nghiệp Việt Nam trên lĩnh vực nông lâm thủy sản, trước mắt là quả vú sữa, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải cũng đang có điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2018.
Để đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2020 nâng giá trị thương mại hai chiều lên mức 100 tỷ USD, doanh nghiệp hai nước không chỉ dừng lại ở hoạt động thương mại đối ứng, mà sẽ tiến tới nâng cao ưu điểm của doanh nghiệp hai nước và trở thành những đối tác hợp tác cùng phát triển, chung vai sát cánh đầu tư sang nước thứ 3, đúng như mong muốn của Tổng thống Moon Jae-in nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua.